Chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau thì chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn chịu ảnh hưởng chính của một số nhân tố sau đây:
1.4.1 Các chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề
Đào tạo nghề có chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, vì vậy muốn đào tạo nghề phát triển thì Nhà nước phải có các chính sách đầu tư; đồng thời phải ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích đào tạo nghề phát triển.
Kể từ khi Luật dạy nghề có hiệu lực từ năm 2006, nay là Luật Giáo dục nghề nghiệp các chính sách mới liên quan về đào tạo nghề cho người lao động được ban hành, phù hợp với thực tế đào tạo nghề như việc ban hành các chính sách đầu tư cho dạy nghề: Dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, trong đó có hợp phần đào tạo nghề cho LĐNT; Đề án phát triển đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020; Chính sách đối với người học nghề (miễn giảm học phí, cử tuyển, giới thiệu việc làm…); Chính sách đối với trường nghề và trung tâm dạy nghề; Chính sách đối với giáo viên, giảng viên tham gia đào tạo nghề và cán bộ quản lý dạy nghề; Chính sách đối với DN tham gia đào tạo nghề, nhận lao động qua sau khi được đào tạo nghề.
Nhà nước quản lý dạy nghề thông qua hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật như: quy định về thành lập, đăng ký hoạt động dạy nghề, quy chế hoạt động của trường dạy nghề; chương trình khung; mã nghề; quy định liên thông các trình độ tay nghề; kiểm định chất lượng đào tạo nghề. Đó là những chính sách quan trọng giúp phát triển đào tạo nghề.
1.4.2 Cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề
Cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề bao gồm: phòng học, xưởng thực hành cơ bản và thực tập sản xuất, thư viện, học liệu, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập… Đây là yếu tố hết sức quan trọng, nó tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo nghề, ứng với mỗi nghề dù đơn giản hay phức tạp cũng cần phải có các máy móc, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho giảng dạy và học tập. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nghề càng tốt, càng hiện đại bao nhiêu, theo sát với máy móc phục vụ cho sản xuất bao nhiêu thì người học viên có thể thích ứng, vận dụng nhanh chóng với sản xuất trong DN bấy nhiêu. Chất lượng của cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đòi hỏi phải theo kịp tốc độ đổi mới hiện đại hóa của máy móc, thiết bị sản xuất.
1.4.3 Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề
Chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc trước hết vào chất lượng của những người thầy cô giáo và thành công của các cuộc cải cách giáo dục luôn phụ thuộc vào ý chí muốn thay đổi của người giáo viên. Ở đâu có người thầy giỏi ở đó sẽ có những người trò giỏi. Đội ngũ giáo viên là yếu tố cơ bản có tính chất quyết định, tác động trực tiếp lên chất lượng đào tạo: là người giữ trọng trách truyền đạt kiến thức kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệmcho các học viên trên cơ sở thiết bị dạy học.
Đào tạo nghề có những nét khác biệt so với các cấp học khác trong nền giáo dục quốc dân, đó là ngành nghề đào tạo rất đa dạng, yêu cầu kỹ thuật cao, thường xuyên phải cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề để phù hợp với tiến bộ KHKT; học viên vào học nghề có rất nhiều cấp trình độ văn hóa, độ tuổi khác nhau. Sự khác biệt đó làm cho đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng rất đa dạng với nhiều trình độ khác nhau.
+ Chia theo các môn học trong đào tạo nghề có giáo viên dạy bổtúc các môn văn hóa đối với hệ đào tạo trung cấp nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS; giáo viên dạy các môn học chung đối với đào tạo nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề; giáo viên dạy nghề, gồm có giáo viên dạy lý thuyết nghề và giáo viên dạy thực hành nghề.
+ Chia theo trình độ: đối với đào tạo trình độ cao đẳng nghề, giáo viên dạy nghề phải có trình độ từ đại học trở lên, đối với đào tạo trình độ trung cấp nghề giáo viên dạy nghề phải có trình độ từ cao đẳng trở lên; đối với đào tạo trình độ sơ cấp nghề và đào
tạo nghề dưới 3 tháng, giáo viên dạy nghề có thể là nhà giáo, nhà khoa học, nghệ nhân, người có tay nghề cao. Ngoài ra, giáo viên dạy nghề phải có nghiệp vụ sư phạm về dạy nghề.
Một nguồn nhân lực khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề đó là đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề. Chất lượng cán bộ quản lý có ảnh hưởng rất lớn đến đào tạo nghề, thể hiện qua khả năng tổ chức, quản lý, điều phối, quá trình đào tạo; định hướng, tìm kiến cơ hội hợp tác, liên kết đào tạo…
Vì vậy giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề phải có đủ cả về số lượng và chất lượng thì mới có thể tận tình hướng dẫn, theo sát học viên và đặc biệt là đội ngũ giáo viên phải có chất lượng thì mới có thể giảng dạy và truyền đạt cho các học viên học nghề, quản lý dạy nghề một cách hiệu quả.