1.6 Bài học kinh nghiệm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn
1.6.1 Kinh nghiệm trong nước
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm chú trọng ở khắp các địa phương trên cả nước. Theo đó, nhiều địa phương đã có những mô hình đào tạo nghề hiệu quả và đáng được học hỏi, nhân rộng.
* Mô hình đào tạo nghề theo địa chỉ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình
Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình hiện có hơn 21 nghìnngười trong độ tuổi lao động. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm hơn 30%. Hiện nay, huyện có 2 Khu Công nghiệp mới thành lập và trên 60 doanh nghiệp đã và đang hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau.
Xuất phát từ thực tế đó, đào tạo nghề, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngay trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động đang là mục tiêu mà huyện hướng đến. Để thực hiện được mục tiêu đó, từ nhiều năm nay huyện đã xác định gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ.
Ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai điều tra, khảo sát tại 85 thôn, xóm để nắm được số liệu cụ thể về người lao động, đồng thời, tiến hành điều tra, rà soát nhu cầu sử dụng lao động tại 42 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Qua đó, nắm được chính xác nhu cầu lao động của các DN để có kế hoạch đào tạo cụ thể. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả dạy nghề, đặc biệt, để đảm bảo việc làm cho lao động, huyện đã chủ động ký kết với các doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn và truyền nghề cho lao động bằng hình thức học và thực hành ngay tại xưởng. Với việc doanh nghiệp trực tiếp đứng ra giảng dạy theo hình thức thực hành tại chỗ, người lao động vừa nắm vững được kiến thức, đồng thời vừa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm thường đạt từ 85 - 90%.
Ngoài ra, huyện cũng đã phối hợp với ngân hàng CSXH huyện triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia về việc làm.
Chính nhờ các giải pháp đồng bộ trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề theo địa chỉ, huyện đã tạo được nguồn lao động dồi dào, có tay nghề cho các DN, đơn vị đầu tư trên địa bàn tỉnh.[9]
* Kinh nghiệm của thị xã Tân Châu - tỉnh An Giang
Thị xã Tân Châu - tỉnh An Giang hiện có gần 113.407 người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động thành thị 42.237 người chiếm 37,25%; LĐNT 71.170 người chiếm 62,75%. Trước tình hình đó Thị ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra nhiệm vụ trong 5 năm tới cần giải quyết việc làm cho 27.000 lao động và lao động qua đào tạo phải đạt 47%, bình quân hàng năm là 10% . Do vậy để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, đòi hỏi các cấp các ngành trong toàn thị xã phải có nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện nghiêm túc, thực tế, khách quan; có đề ra chỉ tiêu cụ thể, đồng thời phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời rút ra kinh nghiệm để thực hiện công tác đào tạo nghề ở địa phương, đơn vị ngày càng hiệu quả, chất lượng.
Với sự quan tâm của cấp ủy, sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên… công tác đào tạo nghề cho lao động ở thị xã đã từng bước được triển khai đồng bộ, đúng hướng, mạng lưới dạy nghề phát triển và đạt được kết quả bước đầu, đã lan tỏa tới từng khóm, ấp, từng khu dân cư, đến mọi đối tượng lao động chưa có công ăn việc làm.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 01 trường trung cấp nghề, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên và 14 trung tâm học tập cộng đồng ở 14 xã, phường. Hằng năm, số lượng học viên theo học ở các trường và trung tâm tham gia các lớp trung cấp, sơ cấp và bồi dưỡng ngắn hạn. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở thị xã được triển khai theo hướng đa dạng các loại hình đào tạo nghề. Dạy nghề tại cộng đồng theo nhu cầu lao động, dạy nghề theo địa chỉ, liên kết với một số trường dạy nghề. Các chương trình đào tạo được biên soạn nội dung theo đúng quy định của Tổng cục dạy nghề và Bộ LĐ TB và XH, đáp ứng nhu cầu người học. Qua đó, nâng caotrình độ tay nghề cho người lao động, đồng thời giải quyết việc làm ngay cho một số học sinh vừa tốt nghiệp THPT, các lao động là chủ hộ, chủ cơ sở, người lao động ở nông thôn.
Một trong những hướng đào tạo của Trường Trung cấp nghề trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, đó là: Trường phối hợp các đoàn thể tổ chức các buổi thông tin tư vấn về dạy nghề và giải quyết việc làm đến tận xã, phường. Có nơi lồng ghép với các phong trào, kế hoạch vận động gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội… tuyên truyền vận động nhân dân từng bước nâng cao nhận thức về học nghề, gắn với tạo việc làm và giảm nghèo. Những lớp dạy nghề ngắn hạn phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của từng nhóm đối tượng, từng địa phương, giúp người dân ngày càng nâng cao kiến thức trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình như: Ương cá tra giống, nuôi lươn, nuôi cá tra thịt, cá lóc; trồng nấm các loại, hoa kiểng, làm vườn. Hoặc các nhóm nghề phi nông nghiệp: Lái xe hạng B2, may công nghiệp, xây dựng, điện dân dụng, đan ghế giả mây xuất khẩu, kỹ thuật phục vụ quán ăn nông thôn, kỹ thuật phục vụ nhà hàng, khách sạn, bảo mẫu, quản gia…
Thực tế cho thấy, người lao động sau khi học nghề năng suất và hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh tại chỗ, cũng như yêu cầu sử dụng lao động của một số DN trong và ngoài thị xã. Năm 2015, toàn thị xã đã tổ chức dạy nghề cho 780 lao động; giải quyết việc làm cho 5.130 lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh 41 người, có 02 lao động đi làm việc nước ngoài, giải quyết việc làm mới cho 95 lao động. [9]