Nhóm giải pháp trực tiếp

Một phần của tài liệu 0554 giải pháp ứng dụng và phát triển công cụ phái sinh tiền tệ trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá tại NHTM CP ngoại thương việt nam luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 96 - 101)

3.2.1.1. Tăng cường huy động và khai thác nguồn ngoại tệ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh ngoại hối

Trong thời gian tới, VCB cần tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn song song với việc điều chỉnh nguồn vốn theo hướng nâng cao nguồn vốn từ dân cư, duy trì và mở rộng nguồn vốn từ tổ chức kinh tế, tranh thủ nguồn vốn đầu tư và nhàn rỗi của các công ty bảo hiểm, đặc biệt lưu ý các giải pháp huy động các nguồn vốn trung dài hạn, coi đây là khâu then chốt có tính quyết định, phục vụ nhu cầu ngày một tăng của nền kinh tế trong những năm tới.

Để có thể phục vụ tốt cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ nói chung và mở rộng các giao dịch phái sinh nói riêng thì đòi hỏi VCB phải cân đối nguồn ngoại tệ trong ngân hàng để đảm bảo không bị thiếu hụt khi phát sinh nhu cầu giao dịch từ phía khách hàng cũng như nhu cầu của chính bản thân ngân hàng nhằm kinh doanh sinh lời. Cụ thể:

- Tiếp tục sử dụng lãi suất như một công cụ tài chính linh hoạt và hiệu quả nhằm thực thi các chủ trương chiến lược kinh doanh đã đề ra. Đối với khách hàng có lượng tiền gửi ngoại tệ lớn, thời gian dài, cần có chính sách ưu đãi riêng về lãi suất cũng như tỷ giá mua nhằm khuyến khích các cá nhân bán và gửi ngoại tệ vào ngân hàng. Áp dụng nhiều hình thức huy động phong phú, nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng, thay đổi phong cách phục vụ khách hàng nhiệt tình, niềm nở, thân thiện và chuyên nghiệp nhằm củng cố cũng như nâng cao uy tín của VCB trên thị trường trong nước và quốc tế.

84

- Để khuyến khích các Phòng giao dịch tích cực huy động vốn tại địa bàn, lãi suất nội bộ cần tiếp tục được điều chỉnh linh hoạt, có chế độ ưu đãi về lãi suất với các Phòng giao dịch có số dư vốn lớn tại VCB.

- Khai thác tốt các nguồn vốn tài trợ; mở rộng và quản lý tốt các đại lý thu đổi ngoại tệ; phát triển mạnh hoạt động thanh toán thẻ, séc du lịch; khai thác dịch vụ chi trả kiều hối bằng cách giảm phí dịch vụ để thu hút nguồn ngoại tệ chuyển về, miễn phí đối với khách hàng nhận tiền bằng đồng nội tệ, thủ tục chi trả nhanh chóng, thuận tiện, có chính sách ưu đãi về phí và tỷ giá cho những đối tượng nhận kiều hối rồi gửi hoặc bán lại cho ngân hàng... Bên cạnh đó, VCB cần quản lý tốt việc sử dụng ngoại tệ nhằm đảm bảo khả năng tái tạo ngoại tệ cho hoạt động mua bán cũng như nghiệp vụ phái sinh tiền tệ.

- Thực hiện tốt nghiệp vụ bảo lãnh quốc tế: đây là nguồn lực để VCB đảm bảo cân đối ngoại tệ, đặc biệt là trong giai đoạn căng thẳng về ngoại tệ như trong thời gian qua.

- Đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ hoạt động Thanh toán quốc tế (TTQT) thông qua tài trợ đối với các doanh nghiệp hoạt động XNK. Ngân hàng nên chủ động tìm đến khách hàng ngay từ khi doanh nghiệp bắt đầu làm hàng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn nội tệ với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho khách hàng có thể mua được ngoại tệ một cách thuận lợi khi họ có nhu cầu, tư vấn cho khách hàng trong việc lựa chọn các hình thức thanh toán tối ưu để hạn chế rủi ro, dành cho các doanh nghiệp những điều kiện phục vụ thuận lợi hơn trong quá trình mở hay kiểm tra thư tín dụng với các điều kiện ưu đãi về mức phí, mức ký quỹ, tư vấn cho khách hàng giúp khách hàng hoàn thiện bộ chứng từ để việc thanh toán nhanh hơn, an toàn hơn...

85

3.2.1.2. Đa dạng hóa các công cụ phái sinh tiền tệ nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong kinh doanh

Nghiệp vụ tài chính phái sinh là một nghiệp vụ cũng không mới của NHTM trên thế giới và đây cũng là một trong những công cụ hữu hiệu giúp phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên, hiện nay các NHTM Việt Nam nói chung cũng như VCB nói riêng sử dụng nghiệp vụ này còn rất hạn chế. Chủ yếu mới chỉ áp dụng các nghiệp vụ kỳ hạn và nghiệp vụ hoán đổi. Chính vì vậy, trong thời gian tới, VCB cần nghiên cứu và triển khai thêm các công cụ quyền chọn và tương lai trong chiến lược phát triển nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối nói chung và nghiệp vụ phái sinh nói riêng. Đồng thời, kết hợp với chính sách khách hàng trong việc phổ biến và khuyến khích khách hàng sử dụng các công cụ phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá không chỉ cho ngân hàng mà còn cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực XNK, mở rộng việc ứng dụng công cụ kỳ hạn, hoán đổi đi đôi với việc phát triển thêm các công cụ quyền chọn và tương lai nhằm tăng sự lựa chọn cho khách hàng trong việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình...

Việc áp dụng tốt các công cụ phái sinh tiền tệ sẽ giúp ngân hàng tăng thêm lợi nhuận, tăng sản phẩm lựa chọn do đó thu hút thêm khách hàng, củng cố và nâng cao uy tín của VCB trên thị trường trong nước và thế giới.

3.2.1.3. Đa dạng hoá các loại ngoại tệ trong kinh doanh

Tập quán thanh toán bằng USD từ nhiều năm qua tại nhiều nước trên thế giới đã tạo ra tâm lý yên tâm khi giữ một đồng tiền quen thuộc thay vì giữ một đồng tiền khác biến động khó lường hơn và xa lạ hơn.

Hiện nay, hầu hết các NHTM và các doanh nghiệp XNK trong nước và nước ngoài sử dụng USD là chủ yếu trong mua bán, cho vay, huy động, dự trữ và thanh toán quốc tế. Các thị trường ngoại hối lớn nhất thế giới và thị

86

trường ngoại hối Singapore - một thị trường ngoại hối lớn ở khu vực Đông Nam Á đều nhận thấy đồng USD liên quan đến hơn 70% số giao dịch giao ngay được thực hiện. VCB cũng không nằm ngoài tình trạng đó, thực tế thì vẫn có những loại ngoại tệ như EUR, GBP, JPY, HKD, AUD, CHF được sử dụng trong giao dịch nhưng USD vẫn là ngoại tệ chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ cũng như trong cơ cấu dự trữ ngoại tệ của ngân hàng. Hiển nhiên, USD là một loại ngoại tệ mạnh, có khả năng chuyển đổi cao tuy nhiên đó không phải là ngoại tệ mạnh duy nhất trong hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay. Ngoài USD còn có EUR, GBP, JPY, CHF ... cũng là những ngoại tệ có khả năng chuyển đổi cao, ngày càng được sử dụng nhiều trong thanh toán quốc tế và dự trữ các nước. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng việc đa dạng hoá ngoại tệ sẽ là một xu hướng tất yếu đối với tất cả các ngân hàng xét trên nhiều khía cạnh:

Thứ nhất, đa dạng hóa các loại ngoại tệ trong thanh toán giúp giải quyết được áp lực lên cặp tỷ giá USD/VND cũng như tình trạng thiếu USD thanh toán của các NHTM. Mặt khác, hoạt động ngoại thương ngày càng mở rộng và tỷ trọng sử dụng các đồng tiền mạnh khác USD trong thanh toán ngày càng có xu hướng gia tăng.

Thứ hai, việc giao dịch chỉ tập trung chủ yếu vào USD sẽ không tránh khỏi rủi ro khi giá trị USD biến động theo hướng bất lợi. Mục đích của đa dạng hoá các loại ngoại tệ là phân tán rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ.

Thứ ba, muốn đẩy mạnh các giao dịch phái sinh trên thị trường quốc tế dù với mục đích đáp ứng ngoại tệ cho nhu cầu của khách hàng trong nước, cân bằng trạng thái ngoại hối, bảo hiểm rủi ro tỷ giá hay kinh doanh kiếm lời thì đòi hỏi ngân hàng phải có nguồn ngoại tệ đa dạng vì trên thị trường quốc tế chỉ giao dịch những ngoại tệ mạnh, có khả năng chuyển đổi. Ngay cả ở thị trường trong nước muốn thực hiện được nghiệp vụ quyền chọn theo quy định

87

hiện hành (chỉ được giao dịch quyền chọn giữa các loại ngoại tệ, không được giao dịch bằng VND) cũng cần phải có cơ cấu ngoại tệ đa dạng hơn.

3.2.1.4. Nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ và khả năng quản trị rủi ro hối đoái

Rủi ro là một đặc điểm trong kinh doanh của ngân hàng, không riêng gì hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể giảm thiểu được tối đa mức lỗ trong kinh doanh và ngoài ra còn đạt được mức lợi nhuận cần thiết nếu việc quản lý rủi ro được quan tâm đúng mức và có hiệu quả. Rủi ro hối đoái có thể là rủi ro tỷ giá, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản, rủi ro đối tác, rủi ro thanh toán, rủi ro thị trường..., nhưng rủi ro tỷ giá vẫn là rủi ro căn bản nhất và ngân hàng thường xuyên phải đối mặt trong kinh doanh ngoại tệ, có thể làm ngân hàng bị lỗ rất lớn.

Sử dụng các giao dịch phái sinh không chỉ là công cụ để phòng ngừa rủi ro mà còn giúp ngân hàng kinh doanh chênh lệch giá, đầu cơ kiếm lãi. Nhưng VCB chưa tận dụng được lợi ích của những nghiệp vụ này vì nhiều lý do nhưng quan trọng là còn e ngại bị rủi ro, bị lỗ trong kinh doanh. Do đó, ngân hàng chỉ chủ yếu đóng vai trò trung gian trong giao dịch hơn là những nhà tạo lập thị trường, chỉ làm dịch vụ cho khách hàng chứ chưa mạnh về hoạt động kinh doanh đầu cơ. Nhưng thực tế là cho dù ngân hàng kinh doanh cho khách hàng hay kinh doanh cho chính mình thì trạng thái ngoại tệ cũng luôn thay đổi trong ngày và ngân hàng luôn có khả năng gặp phải rủi ro do thay đổi tỷ giá. Vì vậy, ngân hàng cần chú tâm trong việc quản lý rủi ro tỷ giá, điều này không chỉ có ý nghĩa giảm thiểu tối đa khả năng lỗ cho ngân hàng mà còn hỗ trợ ngân hàng trong tư vấn cho khách hàng khi nào nên mua hay bán một đồng tiền cụ thể nào đó.

Thứ nhất, cần tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát việc chấp hành nghiêm chỉnh quy trình nghiệp vụ đã ban hành của VCB đối với các chi nhánh.

88

Thứ hai, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế, xây dựng hệ thống các hạn mức và báo cáo phân tích ngoại hối nhằm hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát và hạn chế rủi ro tỷ giá ... Việc xem xét trạng thái ngoại tệ của ngân hàng cần phải được thực hiện nhiều lần trong ngày để phòng ngừa các biến động tỷ giá. Xây dựng các hạn mức cho cán bộ kinh doanh ngoại hối trực tiếp và yêu cầu các nhà kinh doanh ngoại tệ phải tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh các hạn mức đó là việc làm rất cần thiết nhằm kiểm soát giá trị giao dịch trong ngày, hạn chế hoạt động đầu cơ trong kinh doanh ngoại hối và ngăn ngừa rủi ro tỷ giá.

Thứ ba, cần tổ chức kết hợp chặt chẽ các phòng nghiệp vụ, các bộ phận với nhau để có thể giám sát được tiến độ thực hiện của các hợp đồng phái sinh cũng như tính toán, rà soát, lập phương án để tiến hành các bước tiếp theo trong quá trình thực hiện các hợp đồng, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ.

Một phần của tài liệu 0554 giải pháp ứng dụng và phát triển công cụ phái sinh tiền tệ trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá tại NHTM CP ngoại thương việt nam luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 96 - 101)

w