7. Kết cấu luận văn
1.4.1. Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi
Con người là một thực thể sinh học. Hệ thần kinh của con người cũng hoạt động theo chu kỳ. Các nhà khoa học nhất trí rằng con người bình thường phải dành ít nhất 8 giờ để ngủ mỗi ngày. Như vậy, trong số 24 giờ mỗi ngày sẽ chỉ còn lại trên dưới 16 giờ, trong đó có một số giờ giành cho làm việc.
Lao động đến một mức nào đó thì cảm giác mệt mỏi sinh lý bắt đầu xuất hiện. Đó là một cơ chế bảo vệ, như cái phanh, bắt cơ thể ngừng hoạt động để khỏi kiệt sức. Để có thể làm việc hiệu quả, người lao động phải có thời gian nhất định giành cho nghỉ ngơi. Đó chính là giai đoạn mà người lao động tái sản xuất sức lao động. Như vậy, thời giờ làm việc là có giới hạn.
Cho đến đầu thế kỷ XIX, người nô lệ, người làm thuê phải lao động quần quật cho chủ không tính đến giờ giấc. Hàng ngày họ phải làm việc khoảng 14, 16, thậm chí đến 18 tiếng. Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp ở châu Âu, lực lượng công nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh. Họ đã liên kết lại và đấu tranh đòi cải thiện điều kiện lao động, giảm giờ làm. Một số nhà hoạt động xã hội và nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đề ra nhiều chủ trương cải cách xã hội. Trong đó người Anh đầu tiên đề xuất việc rút ngắn thời giờ làm việc cho lao động trẻ em và gương mẫu thực hiện ngay trong doanh nghiệp của mình. Một doanh nhân người Pháp cũng đã khởi xướng không sử dụng lao động trẻ em quá 10 giờ một ngày. Năm 1833, Anh công bố Luật Công xưởng, quy định ngày làm việc 15 giờ đối với lao động người lớn, 12 giờ đối với lao động 13 đến 18 tuổi, và 8 giờ đối với lao động từ 9 đến 12 tuổi, đồng thời cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm đêm. Năm 1866, tại Đại hội đại biểu Đệ nhất Quốc tế họp tại Giơnevơ, lần đấu tiên Các Mác đề xướng khẩu hiệu “ngày làm 8 giờ”. Tiếp sau đó, năm 1884, ở Mỹ và Canađa 8 tổ chức công nhân quyết định thị uy vào ngày 01/05/1886 và bắt đầu ngày làm việc 8 giờ. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, dưới áp lực của phong trào công nhân quốc tế, nói chung, các nước đều lần lượt thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Năm 1919, hội nghị tổ chức lao động quốc tế (ILO) thông qua Công ước số 1 về độ dài thời gian làm việc trong công nghiệp, nguyên tắc ngày làm việc 8 giờ đã đưa vào Công ước đầu tiên được thông qua. Xét đến việc tiêu chuẩn ngày làm việc 8 giờ đã bị bãi bỏ từ 5 năm trước đó vì không áp dụng được trong thực tế và không khả thi trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế, Công ước số 1 được thông qua là một thành tựu đáng chú ý – phong trào công đoàn đã thành công trong việc khiến mục tiêu quan trọng nhất của mình được quốc tế công nhận.
Như vậy, trong số 16 giờ còn lại của một ngày thì có 8 giờ giành cho làm việc trong quan hệ lao động, thời giờ còn lại là nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một khối lượng công việc nhất định bao giờ cũng đòi hỏi phải tiêu phí một khoản thời gian để hoàn thành. Tổng quỹ thời giờ làm việc của một người càng lớn thì số người cần sử dụng để hoàn thành công việc đó càng ít. Thế giới xuất hiện tình trạng thất nghiệp một phần vì tình trạng số người lao động thì nhiều mà số chỗ làm việc thì ít. Tình trạng này phải được xử lý bằng rất nhiều giải pháp, trong đó có một giải pháp đã
được thực hiện ở một số nước. Đó là, trong quan hệ lao động nảy sinh sáng kiến của các tổ chức của người lao động đấu tranh đòi rút ngắn hơn nữa thời gian làm việc trong ngày hoặc trong tuần. Tất nhiên, việc rút ngắn này phải nằm trong khả năng chấp nhận được của người sử dụng lao động, trong phạm vi số thời gian lao động “thặng dư”. Năm 1935, ILO thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ, năm 1962 lại còn khuyến nghị 116 về giảm thời giờ làm việc. Nay đã có một số nước thực hiện tuần làm việc 36, 39, 40 giờ và mỗi tuần làm việc 4-5 ngày. Ở nước ta hiện nay đã và đang thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong khu vực nhà nước [12].
Như vậy, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được hình thành trên cơ sở cả sinh học, tâm lý và kinh tế xã hội có liên quan đến quyền và lợi ích thiết thực trong quan hệ lao động, được người lao động và cả người sử dụng lao động cùng quan tâm.
Quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần” [12, Điều 104].
Quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
“1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động” [12, Điều 110].
Trong tình hình thực tế hiện nay, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hầu hết đang sử dụng nội quy làm việc không quá 48h/ tuần.