chính công
Những năm gần đây để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, các cơ quan hành chính nhà nước đang từng bước cải cách quá trình tác nghiệp thông qua các chương trình quản lý từ đầu vào đến đầu ra qua của cơ chế một cửa, hướng tới khách hàng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và từng bước thực hiện cải cách hành chính theo Đề án 30. Do đó, các cơ quan hành chính nhà nước dần chuyển từ cung ứng dịch vụ sang tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng các dịch vụ bằng cách sử dụng các thức quản lý hiện đại.
Tại UBND huyện Bình Tân, qua thực hiện đề án 30 cho thấy cải cách thủ tục hành chính có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, gỡ bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp. Thông qua các phương án đơn giản hóa, hệ thống thủ tục hành chính từng bước được hoàn thiện trên cơ sở đơn giản hóa các bộ phận cấu thành của từng thủ tục hành chính, điều kiện của một thủ tục đều có sự liên hệ chặt chẽ với một bước hay một quy trình hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính hoặc giữa các cơ quan hành chính với nhau.
Xác định cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc đơn giản hoá thủ tục hành chính là việc làm thường xuyên, liên tục để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp do đó, các cấp chính quyền trong huyện đã chọn cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người
dân làm thước đo cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại UBND huyện Bình Tân”.
Quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, lề lối làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước một mặt vừa làm tăng nhu cầu, đòi hỏi, mặt khác vừa tạo điều kiện để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng chuyên môn, trước hết là kỹ năng hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc mở rộng tính công khai, minh bạch tạo điều kiện để nhân dân và các doanh nghiệp - các đối tượng quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên môn và cán bộ, công chức với tư cách là những chủ thể quản lý. Chính yếu tố này góp phần hạn chế và ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thờ ơ, vô trách nhiệm trong việc thực thi công vụ.
Đối với huyện Bình Tân có 11 xã, hiện xây dựng xong 9/11 trụ sở làm việc cấp xã được khang trang, trong đó có 04 xã được xây dựng riêng nơi làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (vị trí nằm trong khuôn viên trụ sở xã), các xã còn lại bố trí 01 phòng làm việc trong trụ sở xã cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều có xây dựng quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phân công Phó chủ tịch UBND xã theo dõi chỉ đạo Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và các công chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể.
Thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là tất cả những thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực quy định trong bộ thủ tục hành chính chung áp dụng cấp huyện, xã. Thủ tục hành chính giải quyết cho dân chỉ tiếp nhận thông qua công chức trực.
Trong năm 2015, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và cấp xã là: số hồ sơ nhận giải quyết ở huyện là 12.937, của 11 xã là 63.378 thủ tục; Kết quả giải quyết: Tổng số huyện: 12.937 thủ tục, xã 63.378 thủ tục; Trả đúng thời hạn ở huyện: 12.937 thủ tục, xã 63.378 thủ tục. Trả quá hạn là 0 ở huyện và 0 xã.
Với kết quả trên, huyện và xã thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính năm 2015, công chức của huyện và xã đều phục vụ tốt công dân, tổ chức luôn được hài lòng, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các văn bản về công tác cải cách hành chính, các thủ tục hành chính cho mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức nhận thức đúng đắn và cùng tham gia vào công cuộc cải cách hành chính của huyện và xã. Những lợi ích mà chương trình cải cách thủ tục hành chính lại có thể kể đến như tiết kiệm thời gian, tiền bạc của dân và người dân cảm thấy hài lòng hơn, gần gũi hơn khi đến cơ quan hành chính nhà nước và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại UBND huyện và xã.
Vào ngày 29/03/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định số 671/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào cơ quan quản lý Nhà nước giai đoạn 2011-2015. UBND huyện Bình Tân căn cứ quyết định trên đã xây dựng các quyết định, kế hoạch thực hiện triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện (12 cơ quan trực thuộc UBND huyện) trong đó có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện. Điều này chứng tỏ UBND huyện Bình Tân luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và tổ chức.
3.2 MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NHÂN TỐ ĐẾN SỰ HÀI LÒNG CỦA CÔNG DÂN GIAO DỊCH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI UBND HUYỆN BÌNH TÂN