Thực tế cho thấy, chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2018 tăng 2.445 tỷ đồng so với dự toán năm 2017 (tăng 59%) là để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2017 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, tập trung chi cho công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chi đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (nội dung chi này năm 2014 chưa được bố trí kinh phí); chi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo yêu cầu của Luật BHXH, Luật BHYT,… Chi phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng. Năm 2015, khoản mục chi này tăng 36% so với năm 2014.
Nguyên nhân là do số đối tượng tham gia, số đối tượng thụ hưởng, số thu, số chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đều tăng, cho nên các khoản chi thù lao đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng và chi UBND xã lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, phục vụ công tác thu; chi phí chi trả lương hưu, giám định BHYT,... cũng tăng tương ứng. Còn thực tế, khoản chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy, năm 2018 chỉ tăng 6% so với năm 2017 do nâng lương hằng năm. Còn chi quản lý hành chính năm 2018 không tăng so với năm 2017.
Về thông tin tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vượt tổng số thu: thực tế số thu BHXH năm 2018 là 148.375 tỷ đồng, số chi chế độ BHXH từ quỹ BHXH là 102.797 tỷ đồng, bằng 69,3% số thu trong năm; số thu BH thất nghiệp năm 2018 là 9.710 tỷ đồng, số chi chế độ BH thất nghiệp từ quỹ BH thất nghiệp là 4.883 tỷ
đồng, bằng 50,3% số thu trong năm; số thu BHYT năm 2018 là 59.669 tỷ đồng, số chi khám, chữa bệnh BHYT là 49.035 tỷ đồng, bằng 82% số thu trong năm. Như vậy, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm không vượt tổng số thu trong năm.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, chi phí quản lý của BHXH Việt Nam bảo đảm theo đúng nguyên tắc của Nhà nước, nhưng tăng lên so với các năm 2017, 2018. Việc tăng lên đó: Thứ nhất, là do đối tượng mở rộng của chúng ta tăng lên. Như BHYT theo tinh thần của Nghị quyết 15 phấn đấu đến năm 2020 mới là 80% số dân tham gia BHYT thì đến bây giờ, chúng ta đã đạt 81,7%. Năm 2016, tăng hơn một triệu người tham gia hệ thống BHXH so với năm 2018. Chi phí tăng do đầu tư cho công tác tuyên truyền, công tác đi vận động đối tượng,… Thứ hai là việc tăng chi phí để đẩy mạnh công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng rất lớn, cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng nhu cầu quản lý của ngành BHXH.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn giám sát chặt chẽ, kỹ càng và minh bạch vấn đề chi phí quản lý quỹ của BHXH Việt Nam. Năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu không tăng thêm 2.000 người theo quy định của Bộ Nội vụ về vị trí việc làm giao cho BHXH Việt Nam. Không tăng người nhưng ngành BHXH phải tăng điều kiện làm việc, tăng chất lượng để công tác BHXH, BHYT ngày càng công khai, minh bạch cho người dân tin tưởng,…
Với trách nhiệm là cơ quan được Chính phủ giao cho thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; là một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, ngành BHXH đang tiến hành những giải pháp kể cả trước mắt, ngắn hạn và lâu dài để làm sao quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả nhất, đúng nhất, minh bạch nhất.
Để tăng cường công tác quản lý, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện hai dự án CNTT có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình hiện đại hóa của ngành, đó là Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa
cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí KCB BHYT phát sinh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ KCB BHYT và Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT.
Mỗi năm ngành BHXH cố gắng tăng thêm khoảng một triệu người lao động tham gia BHXH bắt buộc và cùng với đó, có cơ chế để người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ngành đang kiến nghị với Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh một số chính sách liên quan BHXH tự nguyện để cho chính sách đó hấp dẫn hơn với người dân, từ đó tự nguyện tham gia với số lượng đông hơn. Đặc biệt là việc điều chỉnh tuổi về hưu, quá trình xây dựng và phát triển hệ thống BHXH thông thường đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá và nếu cần thiết thì phải thay đổi tham số của hệ thống cho phù hợp tình hình kinh tế, xã hội như điều chỉnh tuổi về hưu. Già hóa dân số là một thực tế trên toàn cầu. Vì vậy, hệ thống hưu trí các nước, trong đó có Việt Nam, buộc phải xem xét ảnh hưởng của những thay đổi này.
Ngành cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra góp phần giảm tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT; để người lao động khi tham gia vào thị trường lao động phải có trách nhiệm tham gia, nhưng đồng thời cũng là quyền được tham gia. Về các giải pháp dài hạn, BHXH Việt Nam cũng đã có những dự báo khả năng cân đối quỹ trong dài hạn và đề xuất những giải pháp để làm sao cho các nguồn quỹ ổn định về mặt lâu dài.