Thứ nhất, phát triển KKTCK nhằm thúc đẩy giao thương giữa các quốc gia qua cửa khẩu.
Hợp tác kinh tế và hội nhập hiện đang là xu thế không thể đảo ngược của phát triển kinh tế thế giới hiện nay. Xu thế này đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước cùng với các quá trình cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa và mở cửa kinh tế tại nhiều nước. Hội nhập kinh tế, nói theo nghĩa rộng là sự liên kết quốc tế ngày càng sâu sắc các quá trình sản xuất, kinh doanh và các loại hình thị trường giữa các nước. Quá trình này đẩy nhanh không chỉ thương mại hàng hóa, dịch vụ truyền thống, mà còn cả những giao dịch mới khác qua biên giới.
Các lý thuyết kinh tế học phát triển đã chỉ rõ rằng quá trình hội nhập kinh tế sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia phát huy lợi thế so sánh, giảm chi phí nhờ mở rộng quy mô, chuyển giao vốn, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, loại bỏ những hạn chế và lệch lạc của thị trường bị cát cứ, bó hẹp trong từng quốc gia. Về mặt dài hạn, hợp tác kinh tế cho phép các nước có thể tận dụng lợi thế so sánh của mình, thúc đẩy và duy trì tăng trưởng bền vững, nâng cao phúc lợi dân cư thông qua việc phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Về mặt ngắn hạn, hợp tác kinh tế đòi hỏi các nước phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, xem xét lại để có quyết sách thích hợp đối với những ngành kém hiệu quả, thiếu tính cạnh tranh.
Giao lưu kinh tế qua biên giới với tư cách là một hình thức mở cửa kinh tế giữa các nước láng giềng có thể mang lại nhiều lợi thế: tận dụng được ưu thế liền núi, liền sông, liền đường giữa các nước láng giềng; bổ sung cho nhau giữa dân cư, doanh nghiệp hai
nước láng giềng, do đó, mức cạnh tranh chưa gay gắt như các giao lưu kinh tế qua hàng không, đường biển; sản phẩm giao lưu kinh tế qua biên giới không quá chênh lệch về cơ cấu ngành nghề, sản phẩm, nguyên liệu, nhu cầu thị trường; có những hình thức đa dạng hơn so với buôn bán qua các cửa khẩu hàng không, hàng hải qua đó thúc đẩy phát triển đa dạng quan hệ, trao đổi chính thức ở cấp Nhà nước. Chính nhờ có những lợi thế đó mà giao lưu kinh tế qua khu vực cửa khẩu biên giới được coi là một trong những hình thức xúc tiến hội nhập kinh tế quốc tế đáng được quan tâm.
Hình thành và phát triển KKTCK sẽ tạo ra một địa bàn để tăng cường giao lưu giữa hai nước, khai thác tiềm năng du lịch, công nghiệp để phát triển du lịch và công nghiệp, tận dụng được các lợi thế tiềm năng của từng địa phương ở cả hai bên đường biên, huy động sự tham gia của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội như ngoại giao, sản xuất hàng xuất khẩu, nghiên cứu khoa học công nghệ, tài chính,...của các tỉnh, các vùng có biên giới với các nước láng giềng vào hoạt động kinh tế đối ngoại ở khu vực biên giới. Cùng với việc hình thành KKTCK sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tổng hợp với mạng lưới giao thông nối liền giữa KKTCK với nước bạn và nội địa của nước ta, tạo điều kiện lôi kéo và thúc đẩy hợp tác liên vùng về kinh tế - xã hội giữa các vùng của đất nước.
Thứ hai, phát triển KKTCK sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng v vươn tới các nước khác.
Ngày nay, những đổi thay trong đời sống kinh tế thế giới cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhu cầu về mở cửa và hợp tác giữa các nước láng giềng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến các yếu tố như xu hướng hợp tác và hội nhập chung trên thế giới và khu vực và yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa. Những nước láng giềng là những nước gần gũi nhau về mặt địa lý, lại là những nước có nhiều đặc điểm chung về truyền thống, văn hóa, tập quán, nên thường có những điểm tương đồng về trình độ phát triển, cách tư duy kinh tế, thị hiếu tiêu dùng…Những đặc điểm này chính là điều kiện tiên quyết để đi đến quyết định hợp tác trong kinh tế thương mại.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng thương mại thường giữ vai trò chính yếu nhất trong các hoạt động giao lưu kinh tế qua biên giới các nước. Đẩy nhanh hoạt động thương
mại tại khu vực các cửa khẩu biên giới sẽ là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng xuất khẩu; đến lượt mình, xuất khẩu tăng sẽ làm tăng tổng năng suất các yếu tố. Đương nhiên, việc tăng cường các hoạt động giao lưu thương mại qua biên giới cũng sẽ đưa lại những ảnh hưởng không mong muốn nhất định. Song, các ảnh hưởng tiêu cực, nếu có, đều có thể kiểm soát và giảm thiểu được.
Thông qua việc hình thành và phát triển các KKTCK sẽ góp phần tăng cường, mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa nước ta với Trung Quốc, Lào, Campuchia và qua các nước đó tới các nước khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hai bên biên giới và cùng nhau khai thác các tiềm năng và lợi thế của KKTCK ở mỗi bên.
Việc phát triển các KKTCK ở khu vực biên giới sẽ tạo lập quan hệ hữu nghị, thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước chung đường biên giới; cùng hợp tác khai thác kinh tế, xây dựng vùng biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Đây cũng là cách giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh có KKTCK; gia tăng buôn bán và du lịch biên giới sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực. Cùng với phát triển du lịch, thương mại cửa khẩu sôi động sẽ là quá trình đô thị hóa để thu hút du khách, thương nhân,... trong vùng, khắp mọi miền đất nước, từ các nước láng giềng tham gia đi lại, vận chuyển hàng hóa, tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp cho dân cư các nơi có KKTCK. Gắn liền với đó sẽ là các dự án hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước láng giềng, qua đó với nhiều nước khác.
Thứ ba, phát triển KKTCK tạo điều kiện nâng cấp hoạt động buôn bán tiểu ngạch qua biên giới.
Trong hoạt động kinh doanh khu vực hành lang kinh tế, buôn bán tiểu ngạch qua biên giới tuy có mang lại lợi ích kinh tế trước mắt nhưng đây là hình thức trao đổi thương mại quốc tế cấp thấp, thiếu tính ổn định, chứa đựng nhiều yếu tố kinh tế ngầm, bất hợp pháp, gây ảnh hưởng bất lợi đối với an sinh xã hội. Buôn bán tiểu ngạch vùng biên giới thường mang tính tự phát; không được Nhà nước, tổ chức hay công ty lớn nào bảo
đảm và không có bảo hiểm nên gặp nhiều rủi ro, làm nản lòng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ở khu vực biên giới.
Khi chính sách của nước láng giềng đột ngột thay đổi, các doanh nhân của ta chưa kịp thời nắm bắt thông tin nên dẫn đến tình trạng hàng đã đến biên giới sau khi trải qua hàng trăm, hàng nghìn cây số và rất nhiều khó khăn trong bảo quản, kiểm dịch,... lại bị cấm hoặc đánh thuế quá cao so với chi phí kinh doanh và vận chuyển.
Việc hình thành các KKTCK là nhằm đưa các hoạt động trao đổi thương mại vào tổ chức hoạt động đúng hướng, đúng tầm về quy mô và cấp độ, giám sát chặt chẽ (thuế quan, chất lượng, xuất xứ,...), cung cấp kịp thời thông tin (giá cả, chính sách, sự thay đổi chính sách của chính quyền sở tại hai bên đối với thị trường khu vực), tạo điều kiện xây dựng hệ thống dịch vụ bảo đảm về tài chính, tín dụng để khắc phục những tiêu cực trong buôn bán qua biên giới và giúp cho các hoạt động này đạt hiệu quả, đem lại niềm tin cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, phát triển KKTCK góp phần thực hiện các chính sách ưu đãi đối với nhân dân vùng biên giới
Việc tạo ra những KKTCK với những cơ chế chính sách đặc biệt nhằm tạo ra sức bật, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, tạo cơ sở để ổn định sự đoàn kết dân tộc và ổn định vùng biên giới. Việc áp dụng những cơ chế chính sách hạn chế trên một địa bàn nhỏ, trước khi nhân rộng ra địa bàn cả nước là biểu hiện của các tiếp cận tiệm tiến về không gian, chẳng hạn như khu vực cửa khẩu. Những khu vực biên giới trên bộ, trừ một vài cửa khẩu quốc tế quan trọng của các nước, phần lớn là những khu vực chậm phát triển so với trình độ kinh tế và mặt bằng xã hội của quốc gia. Do vậy, việc áp dụng những cơ chế chính sách đặc biệt cho KKTCK ngoài việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn này còn trực tiếp bù đắp lợi ích, thu nhập, giảm bớt những khó khăn của những người sinh sống, làm việc tại các khu vực này. Hơn nữa, những người dân sống trên địa bàn biên giới thường là đồng bào dân tộc không chiếm đa số trong cộng đồng dân cư của quốc gia. Do đó, việc thực hiện các chính sách ưu đãi với các khu vực biên giới để kinh tế phát triển và cũng để nâng cao đời sống các dân tộc, hòa đồng các quan hệ dân tộc trong quốc gia.
Thứ năm, phát triển KKTCK đảm bảo củng cố quốc phòng, gìn giữ an ninh, ổn định xã hội ở vùng biên giới quốc gia
Phát triển KKTCK biên giới, thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế tại khu vực các cửa khẩu biên giới không những làm tăng tiềm lực kinh tế cho khu vực biên giới mà còn làm cho người dân vùng biên nhận thức được sự cần thiết phải giữ gìn môi trường hoà bình, hợp tác để làm ăn lâu dài. Điều đó càng khuyến khích người dân gắn bó máu thịt với vùng biên, sẵn sàng bảo vệ biên giới khi cần thiết. Bên cạnh đó, giao lưu kinh tế qua các cửa khẩu còn đòi hỏi phân bố lại dân cư và lao động trong vùng, tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng với nhân dân trên địa bàn. Đây là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa to lớn của giao lưu kinh tế qua cửa khẩu biên giới đối với nhiệm vụ giữ vững an ninh - quốc phòng và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Phát triển giao lưu kinh tế nhờ các hoạt động thương mại qua biên giới sẽ làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau về văn hoá, từ đó cải thiện an ninh biên giới. Trên cơ sở mở rộng hoạt động kinh tế, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm tạo ra thế vững mạnh về quốc phòng an ninh.
Thực hiện phát triển kinh tế tại các khu vực cửa khẩu chính là tạo nền tảng cơ sở vật chất, thu hút nhân tài, vật lực từ trong nhân dân, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới. Đây cũng chính là chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế vùng biên giới; đẩy nhanh qúa trình hội nhập của các tỉnh biên giới, thực hiện Chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế vùng biên giới gắn với giữ gìn tình hữu nghị hợp tác vốn có truyền thống lâu đời giữa nước ta và các nước láng giềng.