Những hạn chế, tồn tại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu đồng đăng lạng sơn, tỉnh lạng sơn (Trang 74 - 76)

.

2.3.2 Những hạn chế, tồn tại

Thứ nhất, việc lập các quy hoạch xây dựng trong KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn triển khai còn chậm, quản lý quy hoạch còn bất cập.

Mặc dù KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được xác định về ranh giới địa lý hành chính, song một loạt vấn đề đang đặt ra chưa được trả lời: các ngành kinh tế cần được phát triển tại các KKTCK trong những năm trước mắt và tương lai khoảng 5-10 năm tới; trong đó, cần xác định rõ ngành nghề chủ đạo, ngành nghề bổ trợ; xu hướng vận động, biến đổi của cơ cấu các ngành nghề này; nguồn lực phát triển tại chỗ hay bên ngoài; quy mô khối lượng, chất lượng nguồn lực; sự phát triển và cơ cấu dân cư, lao động tại các KKTCK những năm tới; quy hoạch khu dân cư, quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội tại các KKTCK… Một loạt vấn đề này hiện chưa được xác định trong chiến lược phát triển KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn. Ngoài ra, trong công tác quản lý quy hoạch còn có những yếu kém, bất cập và chồng chéo giữa vai trò chức năng quản lý của BQL KKTCK với chính quyền địa phương; nhận thức của người dân chưa cao nên khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch và giải phóng mặt bằng các khu chức năng.

Thứ hai, giao lưu kinh tế lấy cửa khẩu biên giới làm nòng cốt có ước phát triển, song vẫn chưa mạnh, chưa xứng với tiềm năng KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Tăng trưởng thương mại không ổn định, quy mô xuất khẩu, nhập khẩu còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn; chất lượng hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu còn thấp, mang tính tự phát, tính thời vụ, mặt hàng manh mún, phụ thuộc nhiều vào thị trường phía bạn, luôn luôn bị động, chưa đảm bảo an toàn cho kinh doanh, đối tượng tham gia kinh doanh tự phát, thiếu trật tự. Thêm nữa, giá cả hàng hóa sản xuất của Việt Nam còn cao, sức cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc còn kém. Điều đó dẫn đến hiệu quả kinh doanh thương mại còn thấp.

Các dịch vụ thương mại, tài chính, du lịch, dịch vụ thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, dịch vụ bốc xếp, vận tải còn yếu, chưa đa dạng, quy mô nhỏ; xuất, nhập khẩu tăng trưởng chưa cao, lượng hàng hóa thương mại tuy dồi dào nhưng chỉ là những hàng hóa có giá trị thấp và chưa phong phú về chủng loại. Các mặt hàng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu khoáng sản thô chưa qua chế biến, số lượng chủng loại đơn điệu, kém về chất lượng, mặt hàng có thuế suất cao rất ít, sản lượng mang tính thời vụ, chủ yếu là xuất khẩu nguyên vật liệu, nông sản ở dạng thô hoặc sơ chế. Tổ chức hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ kém phát triển. Chưa có những cơ sở kinh doanh tương xứng với những tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ (KTCK quốc tế, dịch vụ du lịch - quá cảnh...). Công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tuy được chú trọng nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, thông tin về thị trường XNK còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu và phát triển du lịch chưa được sâu rộng nên hạn chế đến việc thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh tại KKTCK.

Tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, tư thương lợi dụng chính sách ưu đãi để thu gom hàng miễn thuế đưa vào nội địa,… tuy đã được ngăn chặn nhưng do những yếu kém trong vấn đề tổ chức quản lý, phối hợp các lực lượng tổ chức quản lý KKTCK và bất cập về chính sách nên có lúc, có nơi đã vẫn còn trầm trọng. Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Hoạt động cung ứng dịch vụ, du lịch tại KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn phát triển vẫn chưa mạnh. Hoạt động dịch vụ phát triển chậm. Tình trạng yếu kém của các nhà hàng, khách sạn, sự thiếu thốn các dịch vụ tài chính tín dụng, cũng như bưu chính viễn thông,…làm cho hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tại KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn chưa đáp ứng được yêu cầu, không tạo ra sự hấp dẫn kể cả với nhà đầu tư và du khách.

Chất lượng hoạt động dịch vụ logicstic tại KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn còn thấp ở tất cả các khâu như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác. Việc xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư còn hạn chế. Phát triển các hoạt động gia công thương mại tại KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn còn rất yếu.

Thứ ba, KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn chưa có sự kết nối tạo thành sức mạnh tổng hợp với các KKTCK khác.

Nhiều KKTCK được triển khai xây dựng trong cùng một thời gian, nguồn vốn hạn hẹp dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực và chưa tính kỹ đến đặc thù của các địa phương. Việc ban hành các cơ chế, chính sách cho các KKTCK tập trung vào các nội dung ưu đãi hơn là xây dựng một cấu trúc thể chế tổng thể hiện đại, điều này làm giảm vai trò của KKTCK trong việc thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy phát triển chung cả nước. Quy hoạch phát triển các KKTCK không dựa trên một hệ thống tiêu chí thống nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu đồng đăng lạng sơn, tỉnh lạng sơn (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)