2.1.1.1 Vị tri địa lý, địa hình, đất đai
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc với diện tích tự nhiên 8.310,09 km2, hẹp nhất là thành phố Lạng Sơn 77,94 km2, rộng nhất là huyện Đình Lập 1.189,56 km2. Lạng Sơn nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây là Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là tỉnh Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang và phía Bắc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ.
Lạng Sơn là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Lạng Sơn có đường biên giới với Quảng Tây - Trung Quốc dài trên 231 km. Lạng Sơn cách Nam Ninh là thủ phủ của Quang Tây, Trung Quốc khoảng 230 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150 km. Đang xây dựng tuyến đường cao tốc nối với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, có đường sắt liên vận quốc tế nối với Quảng Tây, Trung Quốc rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ với các tỉnh trong cả nước với Trung Quốc.
Địa hình phức tạp, chủ yếu là núi thấp và đồi chiếm hơn 80%, độ cao trung bình 252 m so với mặt nước biển, nơi thấp nhất là 20 m ở phía nam huyện Hữu Lũng và nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1.541 m. Khu du lịch Mẫu Sơn được quy hoạch là khu du lịch Quốc gia, cách thành phố Lạng Sơn 31 km về phía Đông.
Khí hậu tỉnh Lạng Sơn tuy nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa nhưng có nét đặc thù của khí hậu á nhiệt đới, nền nhiệt không quá cao, có mùa đông tương đối dài và khá lạnh.
Nhiệt độ trung bình từ 21 - 220C, lượng mưa từ 90 - 132 mm, độ ẩm từ 83 - 85%. Trong tổng số 8.310,09 km2 đất có 13,40% là đất sản xuất nông nghiệp, 69,13% là đất lâm nghiệp, 3,46% đất chuyên dụng, 0,98% đất ở. Hiện còn 94.513 ha đất chưa sử dụng, chủ yếu là núi đá chưa có rừng.
2.1.1.2 Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên rừng: Có diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 512.559 ha, chiếm 61,6% diện tích đất tự nhiên. Tài nguyên khoáng sản không nhiều, trữ lượng các mỏ nhỏ, chủ yếu là mỏ đá vôi với khoảng 40 mỏ đang khai thác có tổng trữ lượng 405 triệu m3 để làm vật liệu xây dựng.
2.1.1.3 Dân số, đơn vị hành chính
Dân số đến hết năm 2018 là 778,4 nghìn người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (chiếm 80,24%); mật độ dân số bình quân 92,5 người/km2, cao nhất là thành phố Lạng Sơn 1.217,1 người/km2, thấp nhất là huyện Đình Lập 23,04 người/km2. Người trong độ tuổi lao động là 514,3 nghìn người, chiếm 66,1% dân số.
Tỉnh Lạng Sơn có 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng chiếm 42,8%, Tày 35,4%, Kinh 17,11%, Dao 3,5%, Sán chay 0,6%, Hoa 0,3%, Mông 0,17%, các dân tộc khác chiếm 0,12%. Toàn tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố loại III, với 226 đơn vị hành chính cấp xã (207 xã, 5 phường, 14 thị trấn), có 2.314 thôn, khối phố (2.152 thôn, 162 khối phố); có 5 huyện, 20 xã và 1 thị trấn biên giới. Trong đó có 38 xã khu vực I, 63 xã khu vực II, 125 xã khu vực III; có 133 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu, biên giới và 121 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II trong diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.
2.1.1.4 Tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2018 đạt 8 - 9%, trong đó ngành nông, lâm nghiệp tăng 3 - 4%; công nghiệp - xây dựng tăng 9 - 11%; dịch vụ tăng 10 - 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Nông lâm nghiệp chiếm 20,30%, công nghiệp - xây dựng 19,68%, dịch vụ 49,78%, thuế sản
phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,24%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38,4 triệu đồng.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được quy hoạch, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Đã quy hoạch phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng sản phẩm nông lâm sản chủ lực sau: Lâm nghiệp có cây Hồi 34.000 ha, cây Thông 126.200 ha, keo và bạch đàn 25.000 - 30.000 ha; chăn nuôi có đàntrâu 124,3 nghìn con, đàn bò 37,9 nghìn con, đàn lợn 305,7 nghìn con; nông sản có cây Na khoảng 2.500 ha, Rau gần 3.000 ha, Thuốc lá khoảng 6.500 ha. Ngoài ra, còn quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực cấp huyện sau: Lúa chất lượng cao, Thạch đen, Ngô, Lạc, Quýt, Hồng, Chè, tre, mai, vầu, nứa, cây dược liệu, phát triển đàn gia cầm, dê.
Về xây dựng nông thôn mới, hết năm 2018 bình quân toàn tỉnh đạt 9,7 tiêu chí/xã, có 48 xã đạt chuẩn, không còn xã dưới 5 tiêu chí, thành phố Lạng Sơn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hết năm 2018 tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 76,2%, tỷ lệ diện tích bảo đảm tưới tiêu 73,6%, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 91%; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch 99%; tỷ lệ thôn có điện đạt 98,3% (còn 36 thôn chưa có điện).
Sản xuất công nghiệp chủ yếu là các cơ sở quy mô nhỏ, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 5.750 tỷ đồng. Một số lĩnh vực lợi thế của tỉnh là: Sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, khoáng sản, nhiệt điện, chế biến gỗ... Hiện đang tập trung xây dưng một số cụm công nghiệp: Hợp Thành 1, Hợp Thành 2, Quảng Lạc. Hoạt động du lịch phát triển cả về lượng khách, loại hình dịch vụ, doanh thu và chất lượng phục vụ; lượng khách tăng bình quân 5%/năm, năm 2018 đã thu hút được 2,8 triệu lượt khách du lịch. Toàn tỉnh có 2.760 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng số vốn 22,1 nghìn tỷ đồng, có 640 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Có 223 hợp tác xã, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi liên kết phát huy
hiệu quả. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm 68%, công nghiệp - xây dựng 29%, nông lâm nghiệp 13%; nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng phát triển khá.
Tỷ lệ thôn, khối phố có nhà văn hóa đến năm 2018 đạt 96%.
Số trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2018 là 192 trường trên tổng số 694 trường. Đến hết năm 2018, tổng số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 114 xã, chiếm 50,4% số xã. Có 10,5 bác sỹ/vạn dân, 28,3 giường bệnh/vạn dân, Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 đạt 50%, lao động được giải quyết việc làm hàng năm trên 14.600 người.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm trên 3%, năm 2017 giảm 3,3%, năm 2018 giảm 3,24%. Hiện còn 30.583 hộ nghèo, chiếm 15,83%; 21.267 hộ cận nghèo, chiếm 11,01%.