+ KTTN khai thác và tận dụng có hiệu quả tiềm năng về vốn, các nguồn nguyên liệu ở từng địa phương. Phát triển KTTN sẽ tạo ra nguồn đầu tư quan trọng đóng góp vào quá trình tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân.
+ KTTN phát triển sẽ tạo việc làm cho một lượng lớn lao động, bảo đảm đời sống và do đó góp phần vào việc ổn định kinh tế- xã hội. Trong giai đoạn 2010-2016, hằng năm khu vực KTTN cả nước thu hút khoảng 1,4 triệu việc làm và đang trở thành nơi thu hút lao động chủ yếu của cả nước. Do có quy mô vừa và nhỏ, các cơ sở và DNTN dễ thích nghi với điều kiện nông thôn, nơi có nhiều lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp. Vai trò này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong điều kiện nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
+ KTTN tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát. Khu vực KTTN có thế mạnh trong việc huy động vốn, khai thác các tiềm năng khác có hiệu
quả, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách Nhà nước...
+ KTTN giữ vai trò hỗ trợ, bổ sung cho khu vực kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước, tạo thành mối liên kết cùng hợp tác, cùng cạnh tranh để cùng phát triển. Vai trò hỗ trợ không chỉ tạo ra hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn là động lực để kinh tế nhà nước thực hiện tốt vai trò chủ đạo của mình thông qua cạnh tranh. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các chủ thể kinh tế tư nhân.
+ KTTN góp phần duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, qua đó sử dụng và phát huy kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm quản lý sản xuất đã được tích luỹ qua nhiều thế hệ, kết hợp tính truyền thống và tính hiện đại trong sản xuất. Đặc điểm cơ bản nhất của ngành nghề truyền thống là gắn chặt với kinh tế cá thể và thực tế đã chứng minh, KTTN phát triển thì các ngành nghề truyền thống phát triển. Trong điều kiện hiện nay, cạnh tranh là động lực cho các chủ thể kinh tế nâng cao tay nghề, ứng dụng khoa học - công nghệ mới.
+ KTTN tạo lập sự cân đối về phát triển kinh tế giữa các vùng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, không thể không có doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong một số ngành, nhằm tạo ra sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Để làm được điều đó, cần tăng khả năng tích tụ và tập trung vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo điều kiện để vươn lên thành doanh nghiệp lớn. Điều này có thể thực hiện thông qua phát triển kinh tế tư nhân. Thực tế cho thấy, quá trình phát triển KTTN đồng thời là quá trình tìm kiếm phương thức kinh doanh có hiệu quả nhằm làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường. Đó là quá trình các chủ doanh nghiệp phải tự đổi mới công nghệ, kỹ thuật tại doanh nghiệp mình, chuyển hướng kinh doanh vào những sản phẩm có lợi nhất. Tất cả những vấn đề đó, tự nó làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hơn, hợp lý hơn. Điều này càng trở lên có ý nghĩa đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở nước ta.
+ KTTN góp phần nâng cao chất lượng lao động, nuôi dưỡng tiềm năng trí tuệ kinh doanh. Tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm quản lý, tay nghề lao động và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh được tích luỹ, lưu truyền trong từng ngành nghề sẽ góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.