Định hướng phát triển kinh tế, xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 82 - 85)

3.1.3.1 Phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Tăng cường các giải pháp thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu công nghiệp Điềm Thụy. Tập trung mở rộng quy mô sản xuất các ngành nghề có thế mạnh và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tăng cường công tác khuyến công, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, các làng nghề hoạt động hiệu quả. Nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế.

Lập quy hoạch các cụm công nghiệp, làng nghề; đầu tư phát triển đa dạng các cơ sở kinh tế tư nhân của huyện; đầu tư xây dựng hệ thống chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; khai thác có hiệu quả và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, tín dụng. Quan tâm đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái đã được quy hoạch. Tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có lợi thế trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3.1.3.2 Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; ưu tiên tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến tích cực trong khu vực nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tạo bước đột phá trong ngành chăn nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giữ ổn định sản lượng lương thực trên địa bàn. Phát triển các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi sản phẩm sạch; phát triển trang trại, gia trại; tăng cường liên kết trong sản xuất, gắn sản xuất với chế biến sản phẩm, bảo vệ môi trường. Phát triển các sản phẩm thế mạnh, mũi nhọn của huyện; bảo vệ, phát triển nhãn hiệu “Lúa nếp thầu dầu”, “Gà đồi Phú Bình”, “Viên nén mùn cưa”, “hàng thủ công mỹ nghệ”…bền vững. Khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, chú trọng chăn thả thâm canh để nuôi trồng và nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản. Quan tâm bảo vệ, phát triển, đảm bảo ổn định độ che phủ rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về khuyến nông, công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ tác động của thiên tai. Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ khuyến nông cơ sở.

3.1.3.3 Đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khai các nguồn lực đầu đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn huyện; xây dựng thêm một số cầu qua sông Đào thúc đẩy kinh tế

- xã hội phát triển. Tích cực triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, gắn với quy hoạch chi tiết các khu công cộng, khu dân cư, khu trung tâm các xã, thị trấn, tạo nguồn thu đầu tư phát triển.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; kiên cố hóa, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Quan tâm phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu tái định cư trên địa bàn. Khai thác, huy động các nguồn vốn đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, phấn đấu đến năm 2020 huyện có thêm 01 thị trấn (Điềm Thụy), nâng cấp thị trấn Hương Sơn trở thành đô thị loại IV.

3.1.3.4 Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt các công trình, dự án trọng điểm. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện công khai, công bằng, minh bạch, dân chủ; tăng cường công tác đối thoại, giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân vùng dự án. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất thực hiện các dự án và xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường các biện pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất. Nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các khu đông dân cư, khu trung tâm các xã, thị trấn, các làng nghề, trang trại, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 82 - 85)