- Xây dựng và hoàn thành hệ thống pháp luật một cách đồng bộ và hành lang pháp lý ổn định và minh bạch
Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Không thể phủ nhận trong những năm gần đây môi trường pháp lý đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, pháp luật Việt Nam còn nhiều tồn tại, lỗ hổng, và chưa theo kịp với quá trình phát triển của đất nước, đó cũng là lý do khiến cho các văn bản pháp luật liên tục phải bổ sung và sửa đổi.
Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm trong nền kinh tế, với tư cách là trung gian dẫn vốn, các ngân hàng có mối quan hệ với hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế, do đó ngân hàng cũng là đối tượng liên quan nhiều nhất tới các khía cạnh pháp lý. Từ đặc trưng đó, hoạt động ngân hàng luôn đòi hỏi có được một hành lang pháp lý ổn định và đầy đủ để bảo vệ và giải quyết các vấn đề pháp lý trong quá trình hoạt động.
- Chính sách của nhà nước ban hành ra và thay đổi cần có thời gian để các NHTM và các doanh nghiệp theo kịp
Chính sách và cơ chế quản lý vĩ mô của Nhà nước đã và đang trong quá trình đổi mới và hoàn thiện. Các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh không kịp với sự thay đổi của các chính sách kinh tế vĩ mô nên gặp nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục vay. Các NHTM cũng cần có thời gian để đưa ra chính sách tín dụng của ngân hàng mình phù hợp với quy định của Nhà nước. Nhà nước cần tạo thời gian cho NHTM và doanh nghiệp để tực hiện các chính sách, quy định mới, được quy định cụ thể trong từng văn bản vì khả năng điều chỉnh hoạt động của các NHTM và các doanh nghiệp đối với mỗi chính sách là khác nhau.
- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý và giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ
tổ chức thực hiện tốt việc kiểm tra, buộc các doanh nghiệp phải hạch toán theo quy định của Bộ, đảm bảo tính xác thực của các báo cáo tài chính. Đây là cơ sở tốt cho ngân hàng có thể mạnh dạn hơn trong việc tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nào vi phạm các quy định của Nhà nước về công tác hạch toán kế toán thì cần phải bị xử phạt một cách nghiêm khắc.
- Đề nghị Chính phủ nên đưa ra những chỉ tiêu để đánh giá và xếp hạng những doanh nghiệp
Việc đưa ra những chỉ tiêu để đánh giá và xếp hạng những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả sẽ tạo sự tin tưởng đối với các NHTM trong việc cho vay, các NHTM sẽ mạnh dạn hơn trong việc cho vay những doanh nghiệp được đánh giá làm ăn có hiệu quả. Từ đó những doanh nghiệp làm ăn thật sự có hiệu quả được đáp ứng nhu cầu vốn sẽ có điều kiện tập trung đến việc phát triển sản xuất kinh doanh. Việc đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực nâng cao sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
- Nhà nước cần có những biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nhà nước cần có biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ phải thực hiện đúng pháp lệnh kế toán thống kê, thực hiện ghi chép sổ sách kế toán đầy đủ, khoa học, tiến hành hạch toán rõ ràng, kiểm tra kế toán theo các tiêu chuẩn quốc tế để thông tin công khai, minh bạch về tình hình tài chính giúp cho ngân hàng có những thông tin chính xác để ra quyết định đầu tư đúng đắn.