1.4.1.1 Cơ chế chính sách kinh tế của Nhà nước
Chính sách vĩ mô của Nhà nước có tác động lớn đến hiệu quả sử dụng vốn của DN. Vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường là điều không thể thiếu và bất cứ Quốc gia nào cũng áp dụng. Nó thể hiện từ cơ chế giao vốn, đánh giá lại tài sản, sự thay đổi các chính sách thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu...) đến chính sách cho vay, bảo hộ và
khuyến khích nhập khẩu công nghệ nhất định đều có thể làm tăng hay giảm hiệu quả sử dụng tài ngắn hạn hoặc tài sản dài hạn của DN. Mặt khác, cơ chế chính sách cũng tác động đến kế hoạch mua sắm, xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu,...giúp DN định hướng được nguồn nguyên vật liệu, chọn được nguồn cung cấp, xây dựng phương án dự trữ. DN kết hợp được yêu cầu của chính sách này với yêu cầu thị trường, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN.
Môi trường chính trị, pháp luật là hệ thống các chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật tác động đến hoạt động kinh doanh của DN.
Trên cơ sở pháp luật kinh tế và các biện pháp kinh tế, nhà nước tạo môi trường điều hành các DN phát triển SXKD và hướng các hoạt động đó theo kế hoạch vĩ mô.
Trong hoạt động SXKD của mình, bất kỳ một DN nào cũng phải chấp hành pháp luật, các chính sách, chế độ của Nhà nước. Chính vì vậy mà khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong chế độ chính sách hiện hành đều có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN. Ta dễ dàng nhận thấy rằng, nếu như các chính sách của Nhà nước hợp lý, mang tính tích cực, cởi mở sẽ giúp cho các DN dễ dàng hơn trong việc kinh doanh, nền kinh tế sẽ ổn định; ngược lại, khi đường lối chính sách của Nhà nước thay đổi không hợp lý hoặc có những sự mất ổn định trong đời sống chính trị, các DN có thể sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn đối với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mất sự ổn định về giá cả, nhân công và vì vậy mà ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN.
1.4.1.2 Trạng thái nền kinh tế
Trạng thái nền kinh tế có ảnh hưởng gián tiếp tới tình hình tài chính của DN. Khi nền kinh tế phát triển vững mạnh và ổn định sẽ tạo cho DN có nhiều cơ hội trong kinh doanh như: huy động vốn, đầu tư vào các dự án lớn, có cơ hội lựa chọn bạn hàng...
Khi nền kinh tế phát triển cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì hiệu quả hoạt động SXKD của DN cũng được tăng theo. Vì vậy, các DN phải trú trọng vào việc đầu tư công nghệ. Với công nghệ tiến tiến hiện đại DN sẽ tiết kiệm chi phí, làm ra nhiều sản phẩm với giá thành thấp hơn thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Môi trường kinh tế là tác động của các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP, lạm phát, thất nghiệp, lãi suất, tỷ giá hối đoái...đến các hoạt động SXKD của DN. Chẳng hạn nền kinh tế có mức lạm phát quá lớn cũng như những thay đổi chính sách tiền tệ của NN về lãi suất, tỷ giá...sức mua của đồng tiền giảm sút dẫn tới sự mất ổn định về giá cả các DN gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
1.4.1.3 Thị trường
Thị trường là nhân tố quan trọng quyết định tới hoạt động SXKD của DN. Trong đó, thị trường vốn quyết định tới việc huy động vốn của doanh nghiệp, còn thị trường hàng hóa quyết định tới việc sử dụng vốn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm có tác động lớn đến doanh thu và lợi nhuận của DN. Nếu các thị trường này phát triển ổn định sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy DN phát triển.
1.4.1.4 Cung cầu trên thị trường
Yếu tố cung cầu trên thị trường có tác động rất lớn tới hoạt động SXKD của DN, tới hiệu quả sử dụng vốn. Cung - cầu trên thị trường sẽ ảnh hưởng tới khối lượng sản phẩm có thể tiêu thụ. Nếu trên thị trường, nhu cầu của khách hàng giảm xuống, sản phẩm tiêu thụ vì vậy sẽ ít đi, doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm, hiệu quả sử dụng vốn giảm. Yếu tố cung cầu trên thị trường cũng ảnh hưởng tới giá cả của hàng hóa. Khi nhu cầu về một loại hàng hóa nào đó trên thị trường tăng nhanh hơn sự gia tăng của khối lượng sản phẩm có thể cung ứng, giá cả sẽ tăng. Khi giá cả đầu ra tăng, có thể làm lợi cho DN. Như vậy, việc dự đoán được một cách tương đối cung - cầu của thị trường là một điều vô cùng cần thiết đối với các DN.
1.4.1.5 Môi trường cạnh tranh
Cơ chế thị trường là cơ chế có sự cạnh tranh gay gắt. Cạnh tranh có tác dụng thúc đẩy các DN nỗ lực tìm mọi cách để phát triển SXKD. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái là nếu cạnh tranh quá gay gắt, sẽ có ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của DN do mức lợi nhuận sẽ bị giảm. Bất kỳ DN nào muốn tồn tại và phát triển, cũng phải không ngừng đầu tư nhằm tìm mọi cách giảm chi phí, tăng lợi nhuận để có thể đứng vững trên thị trường. DN sản xuất phải dựa trên những nghiên cứu đầy đủ về nhu cầu thị trường để có thể đưa ra được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tối
đa cho người tiêu dùng. Sản phẩm để cạnh tranh phải có chất lượng cao, giá thành hợp lý, mà điều này chỉ có ở những DN chú trọng đầu tư vào đổi mới dây chuyền công nghệ, TSCĐ trước mắt cũng như lâu dài.
1.4.1.6 Môi trường khoa học công nghệ
Môi trường khoa học công nghệ là sự tác động của các yếu tố như trình độ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ.
Trong điều kiện hiện nay, chênh lệch về trình độ công nghệ giữa các nước là rất lớn. DN muốn kinh doanh có hiệu quả thì cần nắm bắt được công nghệ hiện đại vì điều đó sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn của mình.
1.4.1.7 Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Là toàn bộ các yếu tố tự nhiên tác động đến doanh nghiệp như khí hậu, thời tiết, môi trường. Khoa học càng phát triển thì con người càng nhận thức được rằng họ là một bộ phận không thể tách rời của tự nhiên. Các điều kiện làm việc trong môi trường tự nhiên thích hợp sẽ tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả công việc.Trong trường hợp thiên tai, tất cả các DN đầu bị ảnh hưởng thậm chí có thể mất một phần hoặc toàn bộ vốn liếng.