Hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại công ty cổ phần nhiệt điện phả lại, tổng công ty phát điện 2 – tập đoàn điện lực việt nam (Trang 25 - 28)

1.2.1 Khái niệm hiệu quả sử dụng vốn

Vốn là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đạt được mục đích kinh doanh, điều quan trọng nhất là phải sử dụng số vốn đó như thế nào để vừa có hiệu quả, vừa bảo toàn và phát triển vốn, đem lại kết quả hoạt động SXKD cao nhất. Nền kinh tế thị trường buộc các doanh nghiệp phải tiến hành SXKD theo cơ chế thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu. Xuất phát từ vấn đề lợi ích, các DN muốn tồn tại và phát triển thì cần phải giải quyết ba vấn đề lớn là: Sản xuất kinh doanh cái gì? Sản

xuất kinh doanh như thế nào? Và sản xuất kinh doanh cho ai? Khi đã trả lời được các câu hỏi trên, nhiệm vụ của DN là phải phân bổ, sử dụng nguồn vốn của mình vào quá trình SXKD sao cho hợp lý và có hiệu quả.

Trong sự phát triển của hệ thống kinh tế nói chung, luôn tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra. Theo mối quan hệ này, sự phát triển của các hệ thống kinh tế là sự kết hợp của hai loại hình phát triển chiều rộng và phát triển chiều sâu phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể. Thông thường, khi trình độ phát triển sản xuất xã hội ở mức thấp, các hệ thống kinh tế thường hướng vào sự phát triển theo chiều rộng. Đặc điểm của loại hình phát triển này là sự gia tăng sản phẩm đầu ra, chủ yếu dựa vào sự gia tăng của các yếu tố đầu vào như gia tăng diện tích đất đai, tăng số lượng máy móc, thiết bị, tăng vốn, tăng lao động...Nhưng khi trình độ sản xuất xã hội tiến lên mức cao hơn thì các hệ thống kinh tế lại thiên về phát triển chiều sâu. Theo loại hình này, sự gia tăng sản lượng đầu ra lại chủ yếu dựa vào sự gia tăng chất lượng đầu vào như nâng cao hiệu suất sử dụng đất đai, hiệu suất sử dụng máy móc, thiết bị, hiệu suất sử dụng vốn và năng suất lao động...Như vậy, dù cùng một số lượng đầu vào như vậy hoặc ít hơn vẫn có thể tạo ra được một khối lượng đầu ra lớn hơn. Sự phát triển của việc ứng dụng KHCN là chìa khóa quyết định và đảm bảo cho loại hình phát triển theo chiều sâu này. Đây là xu hướng phát triển tất yếu mang tính sống còn của nhân loại hiện nay bởi những hạn chế của phát triển kinh tế theo chiều rộng liên quan tới việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên cũng như các đe dọa về môi trường.

Từ phân tích trên, có thể thấy hiệu quả liên quan mật thiết với việc phát triển chiều sâu, đến chất lượng khai thác và sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hữu ích; đến việc cải tạo và bảo vệ môi trường. Theo nghĩa chung nhất thì:

Hiệu quả sử dụng vốn của DN là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ khai thác, sử dụng nguồn vốn của DN vào hoạt động SXKD nhằm mục đích sinh lời tối đa với chi phí thấp nhất. Hiệu quả sử dụng vốn được lượng hóa thông qua hệ thống các chỉ tiêu về khả năng hoạt động, khả năng sinh lời, tốc độ luân chuyển vốn...

Quá trình SXKD chỉ đạt hiệu quả cuối cùng khi DN thực hiện được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Việc sử dụng vốn có hiệu quả sẽ tạo ra hiệu quả của hoạt động

SXKD có nghĩa là với một lượng vốn nhất định bỏ vào hoạt động SXKD sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất và làm cho đồng vốn không ngừng sinh sôi nảy nở.

Các DN trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự tồn tại một lượng tiền tệ như một tiền đề bắt buộc. Tuy nhiên, với cùng một lượng vốn, lợi nhuận thu được của các DN khác nhau là rất khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu của sự khác biệt này là do hiệu quả sử dụng vốn tại mỗi DN. Bất kỳ DN nào cũng phải xây dựng một kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả nhằm tìm kiếm lợi nhuận và khẳng định vị trí của mình trên thương trường. Cạnh tranh và khát vọng lợi nhuận đã trở thành động lực thôi thúc DN tăng cường đầu tư, đổi mới thiết bị, đầu tư vào ngành nghề mới. Tình hình trên đã làm gia tăng nhu cầu về vốn và đòi hỏi sử dụng vốn hiệu quả, để đạt được lợi ích kinh tế cao nhất từ việc sử dụng vốn vào việc hoạt động SXKD của DN.

Hiệu quả sử dụng vốn có thể dược hiểu là một chỉ tiêu chất lượng, phản ánh tương quan giữa kết quả thu được từ hoạt động SXKD với chi phí bỏ ra, để đạt được kết quả đó một DN muốn tồn tại và phát triển thì yêu cầu đặt ra cho DN là phải sử dụng có hiệu quả lượng vốn đem vào đầu tư. Tức là không những bảo toàn được vốn mà phải tăng được mức sinh lời của đồng vốn. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng có nghĩa là làm sao với một lượng chi phí bỏ ra thấp nhất mà thu được kết quả cao nhất.

Sử dụng vốn hiệu quả sẽ đảm bảo an toàn cho DN, duy trì sự tồn tại và phát triển của DN. Qua đó DN sẽ đảm bảo việc huy động vốn, các nguồn tài trợ và khả năng thanh toán, khắc phục được rủi ro trong kinh doanh. Mặt khác việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn làm tăng uy tín, thị phần của DN trên thương trường cũng như góp phần hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng cạnh tranh của DN.

Tóm lại, có rất nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của DN nhưng tựu trung lại đều cho rằng: Hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh được thể hiện trên hai mặt đó là bảo toàn vốn và phải tạo ra được các kết quả theo mục tiêu kinh doanh mà đặc biệt là mức sinh lời của đồng vốn. Ngoài ra, kết quả do sử dụng vốn phải thỏa mãn được lợi ích của DN, của nhà đầu tư ở mức độ mong muốn cao nhất, đồng thời đóng góp tích cực vào lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế (Phạm Quang Trung, 2012).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại công ty cổ phần nhiệt điện phả lại, tổng công ty phát điện 2 – tập đoàn điện lực việt nam (Trang 25 - 28)