Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại công ty cổ phần nhiệt điện phả lại, tổng công ty phát điện 2 – tập đoàn điện lực việt nam (Trang 29 - 31)

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sẽ giúp DN đạt được mục tiêu tăng giá trị tài sản của chủ sở hữu và các mục tiêu khác của DN như nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường, nâng cao mức sống của người lao động... Vì khi hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận thì DN có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và mức sống của người lao động cũng ngày càng được cải thiện. Điều đó giúp cho năng suất lao động của DN ngày càng nâng cao, tạo sự phát triển cho DN và các ngành liên quan. Đồng thời nó cũng làm tăng các khoản đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Việc quản lý và sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của các nhà quản lý DN. Đây cũng là vấn đề được hầu hết các đối tượng có lợi ích liên quan đến DN quan tâm và chú ý.

Hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ở DN ảnh hưởng đến sự sống còn của DN, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các đối tượng có liên quan.

Hiệu quả sử dụng vốn của DN thể hiện qua năng lực tạo ra giá trị sản xuất, doanh thu và khả năng sinh lợi của vốn.

Với sự phát triển của kinh tế thị trường, các DN sẽ giải quyết vấn đề lớn về tài chính là làm sao có một cơ cấu vốn hợp lý để phát triển bền vững vượt qua được những biến động rủi ro ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bước đường tăng trưởng. Muốn tiến hành một quá trình SXKD phải có vốn, số vốn bỏ ra không được để hao hụt, mất mát mà phải sinh sôi nảy nở. Đồng vốn bỏ ra phải có khả năng sinh lời có liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của DN. Việc tăng cường tổ chức và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các DN xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:

Xuất phát từ mục đích hoạt động kinh doanh của DN:

Bất kỳ một DN nào khi tiến hành hoạt động SXKD đều hướng tới mục đích là lợi nhuận. Lợi nhuận là chỉ tiêu chất lượng tổng hợp liên quan đến tất cả các mặt trong hoạt động kinh doanh của DN, là nguồn tích lũy cơ bản để tái sản xuất mở

rộng. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường hiện nay DN có tồn tại và phát triển được hay không thì điều kiện quyết định là DN có tạo ra lợi nhuận hay không. Vì vậy, lợi nhuận được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng, đồng thời là một chỉ tiêu cơ bản để đánh giá hiệu quả của vốn kinh doanh. Do đó, SXKD như thế nào để thu được lợi nhuận cao là mục tiêu phấn đấu của tất cả các DN. Để đạt được điều đó đòi hỏi các DN phải tăng cường công tác tổ chức và sử dụng hiệu quả vốn kinh doanh, có như vậy mới thu được lợi nhuận cao, góp phần thúc đẩy DN ngày càng phát triển.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của vốn trong quá trình SXKD của DN:

Vốn là điều kiện quyết định ảnh hưởng xuyên suốt đến toàn bộ hoạt động SXKD của DN. Ngoài ra, vốn là điều kiện để sử dụng các nguồn tiềm năng khác với mục đích phát triển kinh doanh phục vụ cho quá trình tái sản xuất mở rộng. Với vai trò quan trọng đó, đòi hỏi các DN phải quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Xuất phát từ yêu cầu của tình hình quản lý mới đối với các DN:

Trong thời kỳ bao cấp trước đây, hầu hết các DNNN được Nhà nước bao cấp toàn bộ vốn SXKD hoặc được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Điều này đã thủ tiêu tính tự chủ, sáng tạo, tính linh hoạt của các DNNN trong công tác đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh. Chuyển sang cơ chế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế cùng đan xen hoạt động, các DNNN song song cùng tồn tại với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. DN tự trang trải mọi chi phí và để đảm bảo kinh doanh có lãi, phải tổ chức sử dụng vốn tiết kiệm và có hiệu quả. Nếu không thực hiện được những yêu cầu trên thì nguy cơ giải thể hay phá sản của DN sẽ trở thành tất yếu. Hơn nữa, để tồn tại và phát triển trong cơ chế mới đòi hỏi các DN phải năng động, nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, cải tiến quy trình công nghệ, hạ giá thành và đa dạng hóa, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, phải bảo toàn được vốn của mình ngay cả khi trượt giá và không ngừng đầu tư mở rộng phát triển quy mô SXKD. Do đó, vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh trở nên thiết thực.

Tình trạng thiếu vốn, phải thường xuyên huy động từ bên ngoài để đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh là rất phổ biến trong các DN nước ta hiện nay. Hiệu quả sử dụng vốn còn thấp, vốn bị thất thoát, ứ đọng và nhiều khi xảy ra tình trạng thiếu vốn giả tạo. Do đó, để có thể cạnh tranh thắng lợi, thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra thì các DN phải sử dụng vốn tiết kiệm hợp lý, tăng cường công tác quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Như vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác quản lý tài chính trong điều kiện hiện nay. Khi hiệu quả sử dụng vốn sẽ giúp cho DN có một ưu thế mới, trước hết là làm tăng lợi nhuận cho DN giúp DN vững vàng về mặt tài chính đồng thời có điều kiện đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô lẫn lĩnh vực kinh doanh...nhờ đó làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn còn mang lại lợi ích cho xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động, tăng các khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước...

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN trong nền kinh tế thị trường, mở rộng quy mô SXKD nhằm đem lại lợi nhuận cao cho DN, góp phần tăng trưởng KTXH. Do đó nó không chỉ là vấn đề của riêng bất kỳ một DN nào mà còn được sự khuyến khích, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước

(Nguyễn Thu Thủy, 2011).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại công ty cổ phần nhiệt điện phả lại, tổng công ty phát điện 2 – tập đoàn điện lực việt nam (Trang 29 - 31)