2.1. Tổng quan về Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
2.1.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển
Quá trình ra đời và phát triển của Hải quan Quảng Ninh gắn liền với những điểm mốc lịch sử quan trọng của tỉnh Quảng Ninh và của Hải quan Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.
Chỉ sau hơn một tuần kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập dựng nước ngày 02/09/1945, Chính phủ lâm thời ra sắc lệnh số 27/SL về việc thành lập tổ chức hải quan đầu tiên với tên gọi Sở thuế quan và thuế gián thu (trực thuộc Bộ Tài chính). Đến ngày 05-02-1946, Bộ Tài chính ra Nghị định số 192- TC về hệ thống tổ chức các cơ quan Thuế quan và Thuế gián thu từ Trung ương đến các địa phương và khu vực. Vùng Quảng Ninh ngày nay thuộc về khu vực thứ nhất của Bắc Bộ và có 4 Chánh thu sở, 5 Phụ thu sở. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời của Tổ chức Hải quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp (1946-1954), tổ chức Hải quan khu vực Quảng Ninh đã phối hợp với các lực lượng thực hiện chủ trương bao vây kinh tế và đấu tranh kinh tế với địch, kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu, đấu tranh chống buôn lậu giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm.
Gắn liền với bối cảnh ra đời và điều kiện thành lập Hải quan Quảng Ninh phải kể đến 2 đơn vị Hải quan cách mạng được xuất hiện từ rất sớm là Phòng Hải quan Hải Ninh và Chi cục Hải quan Hồng Quảng: Trong sự phát triển của đất nước, nhập tách đơn vị hành chính, với tên gọi khác nhau, cơ qua chủ quản khác nhau Hải quan Quảng Ninh luôn tồn tại và phát triển .
Khi thành lập (năm 1964) Chi cục Hải quan Quảng Ninh lúc bấy giờ chỉ có 18 người, trụ sở làm việc chưa có, trang thiết bị, phương tiện vô cùng thiếu thốn. Đến nay, chỉ sau hơn 40 năm xây dựng, củng cố và trưởng thành, Hải quan Quảng Ninh đã có đội ngũ gần 600 CBCC và người lao động với 09 Phòng (Ban) tham mưu giúp việc Cục trưởng, 07 Chi cục hải quan cửa khẩu, 03 Đội kiểm soát, 01 Chi cục Kiểm
tra sau thông quan và 01 đơn vị tương đương; Cơ sở vật chất từ Trụ sở làm việc đến các phương tiện hoạt động đều được trang bị khang trang, hiện đại.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hải quan Quảng Ninh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC, đầu tư, du lịch phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và hiện đại hoá hải quan. Hàng năm, tổ chức chỉ đạo công tác thu thuế XNK đạt và vượt chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước; Công tác đấu tranh CBL& GLTM thường xuyên được tăng cường và đổi mới, đã tập trung đánh trúng đường dây, ổ nhóm, các đối tượng buôn lậu lớn có tổ chức, các mặt hàng cấm, trị giá hàng hóa bị bắt giữ hàng năm khá lớn.
2.1.1.2. Cơ cấu tổ chức hoạt động của Cục Hải quan Quảng Ninh
Bộ máy tổ chức của Cục Hải quan Quảng Ninh được thể hiện qua sơ đồ sau:
Trong những năm qua, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, quản lý tập trung, đáp ứng yêu cầu thực tế nhiệm vụ, thực hiện giảm từ 35 xuống còn 29 Tổ/Đội; ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Đội/Tổ công tác. Đồng thời, rà soát, cân đối, sắp xếp, kiện toàn lực lượng đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, đặc biệt chú trọng công tác bố trí, sắp xếp nhân sự, tập trung nguồn lực triển khai Mô hình thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục HQCK Móng Cái.
Hiện tại, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh hiện có 472 cán bộ công chức; trong đó, trình độ đào tạo chuyên môn: Tiến sỹ: 01, Thạc sỹ: 82, Đại học: 350, Cao đẳng: 31, Trung cấp: 05, Sơ cấp: 03.
2.1.1.3. Chức năng, nhiệm vụ của Cục Hải quan Quảng Ninh
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, có chức năng tổ chức thực hiện pháp luật quản lý nhà nước về Hải quan. Cục Hải quan có những nhiệm vụ chính sau:
Một là: Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước về Hải quan trên địa bàn hoạt động của Cục Hải quan gồm:
+ Thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK, chuyển cửa khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của pháp luật.
+ Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động.
+ Phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngoài phạm vi địa bàn hoạt động của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật và Tổng cục Hải quan.
+ Thực hiện pháp luật về thuế và thu khác đối với hàng hóa XK, NK; đảm bảo thu đúng, thu đủ và nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước.
+ Thực hiện thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý của Cục Hải quan theo quy định của Tổng cục.
Hai là: Thanh tra, kiểm tra các đơn vị thuộc Cục Hải quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hải quan.
Ba là: Xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi tố đối với các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của pháp luật.
Bốn là: Kiến nghị với Tổng cục Hải quan những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Nhà nước đối với hoạt động XK, NK, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chính sách thuế đối với hàng hóa XK, NK; các quy định của Tổng cục Hải quan về chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng lực lượng; kịp thời báo cáo với Tổng cục trưởng những vướng mắc phát sinh, những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của Cục Hải quan.
Năm là: Tổ chức nghiên cứu, tiếp nhận, và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương pháp quản lý hải quan hiện đại vào các hoạt động của Cục Hải quan.
Sáu là: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan, đơn vị trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bảy là: Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về Hải quan trên địa bàn.
Tám là: Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về hải quan theo phân cấp hoặc ủy quyền của Tổng cục trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Chín là: Tổng kết, thống kê, đánh giá tổng hợp tình hình và kết quả các mặt công tác của Cục Hải quan; thực hiện báo cáo theo quy định của Tổng cục Hải quan.
Mười là: Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý đội ngũ CBCC của Cục Hải quan theo quy định của Nhà nước và theo phân cấp quản lý cán bộ.