Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội và THÁCH THỨC TRONG hợp tác GIỮA NGÂN HÀNG và DOANH NGHIỆP FINTECH tại VIỆT NAM TRƯỜNG hợp của TIMO với NGÂ (Trang 90 - 92)

Hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hoạt động Fintech, bao gồm:

Thứ nhất, xây dựng đầy đủ và đồng bộ các quy định về Fintech: Thiết lập các quy tắc và quy định cho hệ sinh thái Fintech. Trong đó:

(i) Quy định rõ các mô hình kinh doanh của công ty Fintech, các loại hình hoạt động của công ty đầu tư và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; xác định cụ thể địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, hoạt động, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan đến hoạt động của các công ty này và các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Quy định chi tiết về các điều kiện thành lập và hoạt động, nguyên tắc đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của công ty và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo bao gồm các yêu cầu về tài chính, tiêu chuẩn người đại diện theo pháp luật của công ty, nguồn nhân lực, điều lệ, tổ chức quản lý và hoạt động đặc biệt là hoạt động cung ứng dịch vụ xuyên biên giới,…

(ii) Quy định cho phép các công ty Fintech tham gia thử nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính trong một thời gian nhất định trước khi được cấp phép chính thức, nhằm tạo điều kiện cho các công ty Fintech hội đủ các điều kiện, chứng minh được khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Fintech tiện ích và hiệu quả; đồng thời, đảm bảo có đủ vốn, hệ điều hành và nhân sự để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ này.

(iii) Quy định đầy đủ về sản phẩm và dịch vụ, thiết lập các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ để các công ty Fintech hoạt động một cách minh bạch, bao gồm các hoạt động người đi vay và người cho vay giao dịch trực tiếp với nhau; các dự án cần huy động vốn để nhà đầu tư lựa chọn góp vốn vào dự án; các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trong và ngoài nước trực tuyến cho doanh nghiệp và cá nhân; kết nối trực tiếp trong hoạt động đầu tư, bảo hiểm, tư vấn tài chính, giao dịch bất động sản; phân tích dữ liệu, chấm điểm tín dụng; sử dụng công nghệ để thúc đẩy việc tuân thủ các quy định của pháp luật,..

Thứ hai, thiết lập chính sách, bao gồm thiết lập các mục tiêu kinh tế và các chính sách tổng thể cho hệ sinh thái Fintech: Hình thành mục tiêu kinh tế và các chính sách phát triển kinh tế tổng thể, theo ngành và địa phương, tạo định hướng cho hoạt động Fintech cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Bên cạnh đó, có các chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài trợ, tổ chức sự kiện miễn phí; hỗ trợ việc xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối với chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế; hỗ trợ trong đào tạo nhân lực và cố vấn kỹ thuật, xây dựng môi trường thân thiện và ổn định cho các bên tham gia vào hoạt động Fintech ngày càng phát triển.

Thứ ba, hình thành các trung tâm và Hiệp hội Fintech: Bên cạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech, cần hình thành các trung tâm Fintech tại các khu vực, thành phố lớn với vai trò là trung tâm nâng cao nhận thức, nuôi dưỡng, trực tiếp hỗ trợ các điều kiện chuyên môn, kỹ thuật và hướng dẫn chính sách cho sự phát triển của Fintech. Đồng thời, thành lập Hiệp hội Fintech là tiếng nói của cộng đồng Fintech, tạo liên kết giữa các tổ chức, cá nhân tham gia với các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách.

Thứ tư, các Bộ, ngành liên quan (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...) cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý/quản lý đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của Fintech nhằm thúc đẩy sự phát triển năng động, bền vững và ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ năm, cần nghiên cứu thấu đáo để hiểu rõ và làm chủ các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo (như blockchain, công nghệ sổ cái phân tán - DLT...) trước khi áp dụng ở Việt Nam, đảm bảo tránh rủi ro và mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.

Thứ sáu, cần tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế như ADB, WBG... và hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong quản lý các doanh nghiệp Fintech.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội và THÁCH THỨC TRONG hợp tác GIỮA NGÂN HÀNG và DOANH NGHIỆP FINTECH tại VIỆT NAM TRƯỜNG hợp của TIMO với NGÂ (Trang 90 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)