Ở địa bàn nông thôn, do trình độ dân trí người nông dân chưa cao và một số hạn chế trong chính sách tín dụng của Nhà nước, nên nhiều hộ sản xuất chưa tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng do đó không có điều kiện để phát triển sản xuất, đời sống người nông dân còn khổ cực. Chính vì vậy việc mở rộng tín dụng hộ sản xuất là vấn đề hết sức quan trọng.
- Đối với hộ sản xuất: Việc mở rộng tín dụng giúp hộ đáp ứng được nhu cầu vốn cơ bản cho sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hoá tạo công ăn việc làm cho người lao động, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất lao động, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân.
- Đối với ngân hàng: Dư nợ hộ sản xuất của NHNo&PTNT Việt Nam chiếm trên 70%/ tổng dư nợ, nên có thể nói rằng tín dụng hộ sản xuất giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, tạo ra nguồn thu chủ yếu, lớn nhất cho hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam. Hộ sản xuất có nhu cầu vốn lớn, hơn nữa yêu
cầu đòi hỏi của họ không cao vì vậy đây là đối tượng khách hàng đầy tiềm năng để mở rộng và phát triển các hoạt động của ngân hàng. Việc mở rộng tín dụng hộ sản xuất sẽ làm tăng quy mô hoạt động kinh doanh của ngân hàng và ngày càng tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa ngân hàng với hộ sản xuất. Trong những năm qua nhờ xác định đúng cơ cấu đầu tư, lựa chọn đối tượng hộ là đối tượng khách hàng chính nên NHNo&PTNT Việt Nam đã phân tán được rủi ro, đầu tư tín dụng hiệu quả.
- Đối với nền kinh tế: Việc mở rộng tín dụng hộ sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, cải thiện bộ mặt nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm bớt các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, giữ trật tự an toàn xã hội đồng thời làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH - HĐH phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.