Xác định mức lãi suất cho vay linh hoạt và hợp lý

Một phần của tài liệu 0112 giải pháp mở rộng cho vay hộ sản xuất tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 102 - 104)

Trong thực tế mỗi một món vay hàm chứa một mức độ rủi ro tín dụng khác nhau, do đó ngân hàng không nên áp dụng một mức lãi suất cứng nhắc cho mọi đối tượng mà nên áp dụng nhiều mức lãi suất khác nhau dựa trên đánh giá về mức độ rủi ro các món vay. Ngân hàng chỉ nên qui định một khung lãi suất dao động trong một khoảng nào đó đối với một nhóm khách hàng, giao cho cán bộ tín dụng căn cứ vào mức độ rủi ro của từng khách hàng, để đưa ra quyết định mức lãi suất nhưng phải phù hợp với khung lãi suất qui định. Thực tế cho thấy đối với khách hàng hộ sản xuất trên địa bàn Nghệ An, thì nhu cầu về sử dụng các dịch vụ kèm theo như thanh toán, chuyển tiền, ngân quỹ.. .là rất ít. Chính vì vậy, đối với khách hàng là hộ sản xuất, lãi suất là nhân tố có sức cạnh tranh rất lớn và là nhân tố mang tính quyết định trong chiến lược mở rộng thị phần của ngân hàng đối với khách hàng là hộ sản xuất, các hộ sản xuất quan tâm đến mức lãi suất nhiều hơn các dịch vụ tiện ích. Do đó ngân hàng cần xây dựng và vận hành một cơ chế lãi suất linh hoạt, chính sách lãi suất phù hợp và có tính cạnh tranh. Để thực thi điều này ngoài việc tiết kiệm các chi phí hoạt động ngân hàng còn phải có các chính sách thu hút những nguồn vốn có chi phí thấp để tài trợ cho việc hạ lãi suất. Những nguồn vốn này gồm tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán của các tổ chức, nguồn vốn ủy thác, vốn từ các chương trình dự án của Chính phủ.

Có nhiều cách khác nhau mà ngân hàng có thể áp dụng trong việc thiết lập một cơ chế lãi suất linh hoạt:

+ Với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay trung bình, do hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, rủi ro tín dụng thấp.

+ Với khách hàng khác đủ điều kiện vay vốn thì cho vay với lãi suất cao hơn do khả năng rủi ro cao hơn.

Như vậy mấu chốt của căn cứ này là dựa trên phân loại khách hàng, lựa chọn khách hàng vay vốn của ngân hàng. Ngân hàng cần xây dựng được các tiêu chí phân loại khách hàng khoa học, hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn.

* Dựa vào nguồn huy động để cho vay.

+ Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước theo các chương trình tín dụng chỉ định: Do không mất phí huy động, ngân hàng có thể cho vay với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng theo yêu cầu của bên cung cấp vốn.

+ Nguồn vốn uỷ thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước:

Đối với nguồn vốn này ngân hàng phải cho vay đúng đối tượng theo lãi suất được uỷ thác để giữ uy tín với đối tác cho vay. Mức lãi suất uỷ thác thường thấp hơn so với lãi suất huy động của ngân hàng. Tuy khó có thể hạ quá thấp mức lãi suất cho vay từ nguồn vốn này vì thực chất ngân hàng cũng phải trả phí cho nguồn vốn này nhưng nhìn chung đây là một nguồn vốn tốt, chi phí thấp và qui mô khá lớn.

+ Nguồn vốn huy động của ngân hàng:

Nguồn vốn này ngân hàng phải trả lãi suất huy động bằng với lãi suất huy động trên thị trường, nhìn chung khó có thể dùng nguồn vốn này để cho vay với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn huy động này để cho vay các hộ sản xuất với lãi suất thương mại nhưng nên thấp hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng khác cùng cho vay hộ sản xuất nếu có thể. Do đó ngân hàng cần tiết kiệm chi phí hoạt động để có thể thực hiện được mục tiêu hạ lãi suất.

* Sử dụng lãi suất cho vay thả nổi

Lãi suất cho vay đối với các khoản tín dụng trung và dài hạn ngân hàng nên áp dụng mức lãi suất thả nổi theo thị trường. Do giá cả thị trường có những biến đổi

khó có thể lường trước được và lãi suất cũng giao động và thay đổi theo. Bên cạnh đó hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ của lạm phát và thực tế cho thấy lạm phát có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển nếu lạm phát dừng ở mức độ vừa phải. Do đó lạm phát là điều tất yếu sẽ xảy ra đối với bất kì nền kinh tế nào trong cơ chế thị trường, song chúng ta lại không biết nó xảy ra ở mức độ như thế nào, với tỉ lệ bao nhiêu phần trăm. Vì vậy ngân hàng nên thỏa thuận với khách hàng mức lãi suất thả nổi theo thị trường, có thể đó là mức lãi suất thị trường vào thời điểm đó. Qui định như vậy sẽ là khách quan và hợp lý cho cả khách hàng và ngân hàng, bởi vì do thời gian vay trung hạn và dài hạn dài cho nên nếu qui định một mức lãi suất cố định, thì sẽ có một lúc nào đó khách hàng phải chịu mức lãi sất cao hơn lãi suất thực tế trên thị trường và ngược lại có một lúc nào đó lãi suất cho vay của ngân hàng không đáp ứng đủ chi phí huy động và chi phí hoạt động của ngân hàng. Như vậy qui định một mức lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường, sẽ giúp ngân hàng giảm bớt rủi ro lãi suất và khách hàng giảm thiểu được chi phí vốn.

Một phần của tài liệu 0112 giải pháp mở rộng cho vay hộ sản xuất tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 102 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(124 trang)
w