Do đặc thù của tín dụng nông nghiệp, nông thôn là hoạt động trên địa bàn rộng lớn phân tán, nên ngân hàng cần có tổ chức hệ thống mạng lưới rộng khắp để đáp ứng một cách đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của các tổ chức và cá nhân. Hiện nay, hệ thống chi nhánh của NHNo&PTNT Nghệ An gần như bao phủ địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên do sự phát triển kinh tế của một số vùng trong tỉnh là không đồng đều, một số vùng đang phát triển với tốc độ cao nên thực tế hệ thống chi nhánh của NHNo&PTNT Nghệ An vẫn chưa thực sự đến gần được với người nông dân.
Hiện tại NHNo&PTNT Nghệ An có 69 điểm giao dịch, trong đó có 01 Hội sở tỉnh, 21 Ngân hàng loại III và 47 phòng giao dịch/473 xã, phường và thị trấn, trung bình 6,8 xã, phường có một điểm giao dịch, con số này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nông dân muốn vay vốn vẫn còn phải đi lại vất vả mới đến được ngân hàng.
Thực tiễn hoạt động cho thấy cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và hệ thống các chi nhánh rộng lớn là sự thể hiện tốt nhất về sức mạnh và uy tín, thương hiệu của ngân hàng, đồng thời nó là một biện pháp marketing rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất. Chính vì vậy mở rộng hệ thống chi nhánh mạng lưới là một trong những biện pháp quan trọng để tiếp cận và thu hút khách hàng.
Trong tương lai ngân hàng cần mở rộng thêm mạng lưới chi nhánh của mình, song phải nghiên cứu kĩ đặc điểm kinh tế của các vùng do sự phát triển kinh tế, trên địa bàn tỉnh diễn ra không đồng đều giữa các khu vực, các vùng. Đặc biệt ngân hàng cần mở rộng thêm các phòng giao dịch, khai thác tối đa tính ưu việt của ngân hàng lưu động, bởi vì mô hình này phù hợp với địa bàn hoạt động của ngân hàng là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và những huyện miền núi, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các hộ sản xuất với chi phí rẻ nhất.
Ngoài ra ngân hàng cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kĩ thuật, nâng cấp một số phòng giao dịch hiện có, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ công nhân viên nhằm phục vụ tốt hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Phát huy lợi thế của hệ thống mạng lưới rộng khắp, hoạt động nhiều năm ở khu vực nông thôn, khai thác tối đa các tiện ích công nghệ thông tin hiện có, đẩy nhanh tiến độ phát triển sản phẩm dịch vụ, làm tốt công tác thanh toán, huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, tạo lập uy tín và thương hiệu Agribank, từ đó mở rộng tín dụng có hiệu quả.