Báo lãnh ngân hàng chính là một biện pháp bảo đảm và hạn chế rủi ro cho bên nhận bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng cơ sở. Tuy nhiên, bảo lãnh ngân hàng không thể loại trừ được hoàn toàn những rủi ro về thanh toán và rủi ro về nghiệp vụ. Trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng, bên nhận bảo lãnh gặp một số loại rủi ro nếu ngân hàng phát hành bảo lãnh vì lý do nào đó không thực hiện cam kết bảo lãnh.
1.7.2.1. Rủi ro do ngân hàng phát hành từ chối hoặc không có khả năng thực hiện cam kết bảo lãnh
Rủi ro này được cả người nhận bảo lãnh và người được bảo lãnh quan tâm bởi lẽ người được bảo lãnh muốn người nhận bảo lãnh chấp nhận cam kết bảo lãnh do ngân hàng của mình phát hành. Còn người nhận bảo lãnh thì quan tâm đến uy tín, khả năng tài chính, trình độ nghiệp vụ, mạng lưới của ngân hàng bảo lãnh... Nếu ngân hàng bảo lãnh không có khả năng hoặc không thực hiện đúng cam kết bảo lãnh sẽ gây thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh.
1.7.2.2. Rủi ro do ngân hàng phát hành gặp trường hợp bất khả kháng
Rủi ro do bất khả kháng được hiểu là rủi ro gây ra bởi biến cố mà không thể nào dự đoán hay kiểm soát được. Đây là những rủi ro xuất phát từ các nguyên nhân như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, bạo động... ảnh hưởng đến khả năng thực hiện thực hiện cam kết bảo lãnh. Về nguyên tắc, ngân hàng bảo lãnh không được dựa vào
sự kiện bất khả kháng để từ chối thanh toán hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo lãnh ngân hàng, nhưng rõ ràng về mặt thời gian cam kết bảo lãnh đã không được thực hiện đúng và đây là rủi ro cho bên nhận bảo lãnh.
1.7.2.3. Rủi ro do thay đổi pháp luật tại quốc gia của ngân hàng phát hành
Những thay đổi của pháp luật (chẳng hạn như quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý ngoại hối...) tại quốc gia của ngân hàng phát hành bảo lãnh cũng là một trong các rủi ro đối với người nhận bảo lãnh trong trường hợp những thay đổi pháp lý này làm cho ngân hàng bảo lãnh không thể thực hiện cam kết bảo lãnh đối với người nhận bảo lãnh.