1.8.1.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Ngân hàng nhân dân Trung Hoa ban hành quy chế bảo lãnh với các quy định sau:
Thứ nhất, người bảo lãnh trước khi nhận bảo lãnh phải nghên cứu tính khả thi của dự án, điều tra tình hình công nợ hiện tại của người xin bảo lãnh, chuẩn bị mọi giấy tờ cần thiết.
Thứ hai, người cho vay có quyền yêu cầu người bảo lãnh báo cáo thu nhập và chi tiêu ngoại hối của mình. Người bảo lãnh phải ký hợp đồng riêng với cả người vay và người cho vay trước khi bảo lãnh. Trong hợp đồng phải ghi rõ quyền lợi và trách nhiệm cảu các bên tham gia.
Thứ ba, nếu người vay và người cho vay muốn sửa đổi một số điều trong hợp đồng bảo lãnh phải được sự đồng ý của người bảo lãnh, nếu không bảo lãnh sẽ không còn giá trị, người bảo lãnh sẽ được giải tỏa khỏi trách nhiệm cảu mình ngay lập tức. Người bảo lãnh có quyền kiện người vay trong trường hợp không trả được nợ và người bảo lãnh bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người cho vay.
Thứ tư, cơ quan quản lý ngoại hối yêu cầu người bảo lãnh phải nộp các giấy tờ bảo lãnh có liên quan trong vụ việc trong vòng 10 ngày sau khi nhận bảo lãnh.
Chỉ cho phép một số ngân hàng được quyền bảo lãnh nước ngoài và danh sách bảo lãnh thay đổi thường kỳ.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc rất hạn chế đối với bảo lãnh vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp và phía nước ngoài trong liên doanh. Với các đối tượng này, họ yêu cầu thế chấp 100% tổng số vốn bảo lãnh.
Nhìn chung, các quy định về bảo lãnh của Trung quốc khá chặt chẽ, thận trọng nhưng hiệu quả.
1.8.1.2. Kinh nghiệm của Đức
Luật bảo lãnh của Đức quy định:
Ngân hàng có quyền ghi nợ khoản tiền bảo lãnh vào tài khoản của người yêu cầu bảo lãnh và tính phí xử lý ngoài các chi phí khác cũng như theo chu kỳ tính lệ phí bảo lãnh.
Ngân hàng sẽ hạch toán các khoản bảo lãnh trực tiếp nếu chúng không thuộc sự điều tiết của luật nước ngoài khi bảo lãnh hết hạn và tính phí bảo lãnh một khi các bảo lãnh này hết hạn tại một thời điểm đã được ghi cụ thể trong hợp đồng bảo lãnh hay qua việc nộp các văn bản cần thiết có xác định việc chấm dứt bảo lãnh và đến thời điểm đó việc bảo lãnh không được sử dụng.
1.8.1.3. Kinh nghiệm của Singapore
Các ngân hàng Singapore chỉ chấp nhận bảo lãnh các khoản bảo lãnh có giá trị lớn khi có sự đồng ý đứng ra của Chính phủ.
Việc thực hiện quy định này đã đảm bảo an toàn ở mức cao nhất đối với những khoản bảo lãnh có giá trị lớn vì trong trường hợp xấu nhất thì ngân hàng cũng sẽ nhận được sự bồi thường của Chính phủ. Tuy nhiên, quy định này cũng hạn chế việc mở rộng khách hàng của các ngân hàng vì có thể bỏ qua các khách hàng lớn có uy tín và hiệu quả phương án rất khả thi nhưng không có sự đồng ý của Chính phủ.