Thứ nhất, cần kiểm soát và theo dõi chặt chẽ trong quá trình bảo lãnh. Các RM không nên nghĩ rằng bảo lãnh có thể được cung cấp dễ dàng mà không ảnh hưởng đến vốn ngân hàng. Trên thực tế, RM khá lơ là trong việc kiểm soát chặt chẽ khách hàng về việc tuân thủ hợp đồng kinh tế đã ký kết với bên thụ hưởng. Vì vậy, khi rủi ro phát sinh, bên thụ hưởng không tin tưởng vào ngân hàng, điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.
Thứ hai, đề cập đến vấn đề nhân sự không thể không nhắc tới đào tạo nội bộ. Đào tạo nội bộ không chỉ gói gọn trong các khóa đào tạo online hay ngắn ngày tại Trung tâm đào tạo mà là một chiến lược dài hạn nhằm xây dựng đội ngũ nhân sự tinh nhuệ và đồng đều về trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Đối tượng tham gia trong chương trình đào tạo nội bộ bao gồm nhân viên mới tuyển dụng, nhân viên đang công tác và đội ngũ quản lý các cấp. Các hình thức đào tạo nội bộ MB có thể triển khai như: buổi họp nội bộ định kỳ, đào tạo qua công việc thực tế cụ thể và kèm cặp lẫn nhau. Phương pháp đào tạo này không chỉ kinh tế, mà còn thiết thực và phù hợp với đặc điểm của từng ngân hàng nhất định.
Thứ ba, cần phải tách riêng phòng ban về nghiệp vụ bảo lãnh ra khỏi phòng phát triển kinh doanh tín dụng. Phòng bảo lãnh cần được thành lập và hoạt động độc lập, đồng thời cán bộ ngân hàng đảm nhiệm mảng công việc này phải được đào tạo chuyên sâu về hoạt động bảo lãnh.
Thứ tư, để có một đội ngũ nhân viên ngân hàng có trình độ, kỹ năng và chuyên môn cao, MB cần đặc biệt chú ý khâu tuyển dụng. Đề án tuyển dụng cần khách quan và đúng đắn. Tiếp theo, việc phân bổ công việc cho nhân viên phải hợp lý và phù hợp với năng lực của từng cấp độ để tận dụng lợi thế, điểm mạnh của từng nhân viên.
Cuối cùng, thông qua các luật thi đua khen thưởng để khích lệ và tăng thêm động lực làm việc cho các nhân viên. Những người có đóng góp đáng kể xứng đáng được khen thưởng và những người vi phạm kỷ luật hay gây thiệt hại cho ngân hàng phải chịu trách nhiệm bằng hình thức kỷ luật nghiêm khắc.