Nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản trị nợ xấu của NHTM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản trị nợ xấu tại ngân hàng TMCP quốc tế việt nam (VIB) (Trang 36 - 41)

1.2.3.1. Nhân tố từ phía ngân hàng

Quan điểm của ban lãnh đạo Ngân hàng cũng là một nhân tố quyết định trong quản trị nợ xấu nói chung và xử lí nợ xấu nói riêng. Khi ban lãnh đạo có quan điểm rõ ràng và kiên quyết trong kiểm soát và xử lí nợ xấu thì công tác quản trị nợ xấu sẽ đạt hiệu quả tốt hơn và thuận lợi hơn.

Chiến lược phát triển của Ngân hàng:

Hoạt động tín dụng của Ngân hàng luôn đi kèm với rủi ro có thể xảy ra. Nếu các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận lên quá cao, gia tăng dư nợ tín dụng trong khi chưa hoàn thiện được các chính sách tín dụng hoặc chính sách tín dụng không phù hợp, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ thì sẽ làm nợ xấu gia tăng. Vì vậy, việc quản trị nợ xấu cũng phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển trong từng giai đoạn của NHTM.

Đạo đức và trình độ chuyên môn của cán bộ quản trị nợ xấu:

Đội ngũ cán bộ quản trị nợ xấu trong NHTM bao gồm: đội ngũ cán bộ quản trị cấp cao, đội ngũ người làm chính sách, đội ngũ thực hiện (tín dụng, thẩm định, quản lí và xử lí nợ, hỗ trợ kinh doanh,…). Đạo đức và trình độ của đội ngũ cán bộ quản trị nợ xấu là một trong những yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề hạn chế rủi ro tín dụng. Đội ngũ cán bộ quản trị nợ xấu vừa có đạo đức, phẩm chất vừa có trình độ chuyên môn trong việc đánh giá, ra quyết định, thẩm định, xử lí các khoản vay thì khả năng xảy ra nợ xấu là rất thấp. Một cán bộ kém về năng lực có thể bồi dưỡng thêm, nhưng một cán bộ tha hóa về đạo đức mà lại giỏi về mặt nghiệp vụ thì thật vô cùng nguy hiểm khi được bố trí trong đội ngũ cán bộ quản trị nợ xấu.

Công nghệ ngân hàng:

Hệ thông công nghệ rất quan trọng trong công tác điều hành phát triển ngân hàng và quản trị rủi ro. Công nghệ hiện đại sẽ tạo ra đột phá trong khai thác sản phẩm, dịch vụ cả về số lượng và chất lượng, gián tiếp khẳng định được đẳng cấp tên tuổi hình ảnh của ngân hàng. Dưới góc độ quản lí, nhờ có công nghệ mà việc quản lí nội bộ trong ngân hàng sẽ chặt chẽ hiệu quả hơn, quản trị rủi ro tốt hơn, giảm nợ xấu. Nhưng nếu công nghệ ngân hàng mà lạc hậu, không theo kịp ngân hàng trong nước cũng như quốc tế thì sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, cũng là nguyên nhân phát sinh nợ xấu.

Sự phối kết hợp giữa các bộ phận chức năng có liên quan trong ngân hàng:

Sự phối kết hợp giữa các bộ phận chức năng có liên quan trong ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản trị nợ xấu trong NHTM. Nếu các bộ phận chức năng đó có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau dựa trên một quy trình làm việc thông nhất thì sẽ làm giảm nợ xấu trong quy trình tín dụng, giảm thiệt hại cho ngân hàng. Ngược lại, nếu sự phối kết hợp tổ chức lỏng léo giữa các bộ phận chức năng có liên quan sẽ tạo điều kiện cho cán bộ lợi dụng làm giả mạo giấy tờ, hợp thức hóa hồ sơ, làm phát sinh nợ xấu, qua đó cũng ảnh hưởng đến công tác quản trị nợ xấu trong NHTM.

Công tác tổ chức kiểm tra, kiểm soát

Nhiệm vụ của công tác kiểm tra, kiểm soát là phát hiện sớm những sai phạm trong hoạt động cho vay đề ngăn ngừa rủi ro. Tuy nhiên, công tác tổ chức, kiểm tra, kiểm soát của các NHTM nếu quá yếu kém và lỏng lẻo sẽ dẫn đến việc phát hiện và xử lý không kịp thời những trường hợp vi phạm, lợi dụng trong hoạt động cho vay, và nợ xấu phát sinh là điều tất yếu.

1.2.3.2. Nhân tố từ phía khách hàng vay

Khi khách hàng vay tiền ngân hàng để triển khai, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, với một dự án đầy khả thi và với tư duy quản lí, kinh doanh tiên tiến thì sẽ mang lại hiệu quả cho dự án, đảm bảo trả đủ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Còn với tư duy kinh doanh hạn chế thì dù với một dự án đầy triển vọng thì cũng sẽ thất bại làm gia tăng nợ xấu cho ngân hàng.

Việc thu hồi được nợ vay còn phụ thuộc lớn vào thiện chí trả nợ của khách hàng. Nhìn chung, các nhân tố từ phía khách hàng có ảnh hưởng trực tiếp, chi phối đến hoạt động quản trị nợ xấu của Ngân hàng. Việc quản lí, thu hồi nợ xấu chỉ có thể đạt kết quả khi khách hàng có ý thức trả nợ đồng thời phải có khả năng hoàn trả.

1.2.3.3. Nhân tố môi trường

Môi trường thiên nhiên:

Thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, mất mùa, dịch bệnh… Đây là những nguyên nhân khách quan do sự biến đổi của môi trường thiên nhiên đã gây ra sự hoạt động thất

bại của khách hàng vay, nhất là các khoản cho vay nông nghiệp, dẫn đến nợ xấu phát sinh.

Nguyên nhân này nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của cả NHTM và các khách hàng vay. Đây là nguyên nhân gây ra rủi ro không thể tránh được, những mất mát do nguyên nhân này gây ra cần được sự sẻ chia của nhà nước, và của cả xã hội.

Môi trường kinh tế:

Nền kinh tế thị trường với sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế đã tạo động lực cho sự tăng trưởng ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Hoạt động ngân hàng luôn chịu tác động mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế tăng trưởng kéo theo nhu cầu đầu tư cũng gia tăng, từ đó thúc đẩy hoạt động cho vay phát triển. Cùng với mở rộng hoạt động cho vay, tăng dư nợ tín dụng là những vấn đề về rủi ro tín dụng, nợ xấu. Hoạt động cho vay nếu không được kiểm soát tốt, tăng trưởng quá nóng sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngân hàng. Chính vì thế khi nền kinh tế tăng trưởng và hoạt động cho vay được mở rộng quá mức, nằm ngoài kế hoạch của ngân hàng thì việc quản trị nợ xấu cần được đặc biệt chú trọng và triển khai kịp thời. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần phải tính toán phần bù rủi ro hợp lí để không vì thế mà mất đi cơ hội gia tăng hoạt động cho vay của mình.

Môi trường pháp lý:

Hệ thống luật và hành lang pháp lý: Bất cứ hoạt động nào của nền kinh tế nếu muốn vận hành tốt cũng cần được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và đươc pháp luật điều tiết. Hoạt động ngân hàng cũng vậy, việc thực hiện các quy định của nhà nước sẽ giúp ngân hàng hoạt động có định hướng và tránh được những rủi ro pháp lý.

Hệ thống pháp luật nói chung và các quy định về việc quản trị nợ xấu, xác định nợ xấu buộc ngân hàng phải tuân thủ. Theo đó, các NHTM sẽ phải xác định, xử lí nợ xấu trong một khuôn khổ nhất định, theo tiến trình và những biện pháp mà Nhà nước cho phép. Bên cạnh đó, trên cơ sở giám sát thực hiện các quy định về nợ

xấu, Nhà nước có thể hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc nằm ngoài chức năng xử lí của NHTM.

Việc nhận diện nợ xấu nói riêng và quản lý nợ xấu nói chung là một trong những vấn đề quan trọng trong quản trị NHTM. Kể từ năm 2005 đến nay các NHTM thực hiện việc quản lý và phân loại nợ theo các văn bản sau:

- Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của NHNN qui định về phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý RRTD trong hoạt động kinh doanh của TCTD.

- Quyết định số 18/2007QĐ-NHNN ngày 25/4/2007 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của qui định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý RRTD trong hoạt động ngân hàng của TCTD ban hành theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN.

- Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Thông tư số 09/2014/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013.

- Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.

- Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 16/6/2016 sửa đổi Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Quản lý tài sản).

Trên cơ sở các văn bản của NHNN, các TCTD sẽ ban hành các văn bản nội bộ phù hợp để thực hiện công tác quản lý nợ xấu của mình.

Các quy định của Nhà nước: các quy định của Nhà nước có liên quan đến từng ngành, lĩnh vực cũng như từng thành phần kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới

việc hoạch định chính sách tín dụng nói chung và quản trị nợ xấu nói riêng cho từng ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế tương ứng. Để việc quản trị nợ xấu đạt hiệu quả thì bản thân các Ngân hàng không thể không quan tâm đến chính sách, quy định hiện hành của Nhà nước đối với những lĩnh vực đã và đang tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Sự cạnh tranh của các NHTM khác:

Đôi khi do quá mải cạnh tranh giành giật thị trường nên các NHTM đã không để ý đến chất lượng đầu tư mà hạ thấp các điều kiện tín dụng, bỏ qua các quy trình tín dụng, không chú ý đúng mức đến tình hình tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ, nguồn trả nợ của khác hàng vay nên nảy sinh nhiều sai phạm, gây khó khăn rất lớn cho công tác quản trị nợ xấu.

Sự cạnh tranh còn khiến cho một số Ngân hàng không cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các số liệu, thông tin về dư nợ khách hàng cho trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Từ đó dẫn đến tình trạng các NHTM thiếu thông tin tín dụng hoặc có nhưng không chính xác. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác quản trị nợ xấu tại các ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản trị nợ xấu tại ngân hàng TMCP quốc tế việt nam (VIB) (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)