Từ các kinh nghiệm quản trị nợ xấu ở một số quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu trong quản trị nợ xấu của Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Chính phủ đóng vai trò chỉ đạo và định hướng thống nhất cho các NHTM trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu. Chính phủ có thể ban hành các văn bản, quy định tạo ra hành lang pháp lý phù hợp cũng như hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nằm ngoài tầm kiểm soát, điều tiết xử lý của NHTM.
Thứ hai, việc xử lý nợ xấu nhìn chung đều thông qua một tổ chức trung gian là Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản của chính bản thân Ngân hàng và công ty mua bán nợ hoặc xử lý nợ trực thuộc Chính phủ. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi nước mà tổ chức này có cách thức tổ chức này có cách thức tổ chức, cơ chế và quy mô hoạt động khác nhau, nhưng tất cả đều có nhiệm vụ chung là mua lại nợ của các NHTM đang bị tồn đọng để xử lý, bán ra thu hồi vốn về.
Thứ ba, việc xử lý nợ xấu cần có lộ trình cụ thể và phải tuân thủ thời hạn đã đề ra. Nếu thời gian xử lý nợ xấu càng dài thì kết quả thu được càng hạn chế, nếu xử lý nợ xấu càng nhanh thì hệ thống Ngân hàng cũng như nền kinh tế càng có lợi.
Thứ tư, khi phân loại các khoản tín dụng, có thể dựa trên cơ sở khả năng trả nợ và dòng tiền thuần, thiện trí trả nợ, tài sản đảm bảo, trách nhiệm pháp luật về thanh toán nợ vay của khách hàng, tình hình quản lý tín dụng của ngân hàng,…giống như các NHTM Trung Quốc đã áp dụng.
Thứ năm, trích lập dự phòng rủi ro được thực hiện 6 tháng 1 lần để có thể quản trị tốt nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng của mình giống như các NHTM Thái Lan đã áp dụng.
Thứ sáu, việc xử lý nợ xấu phải đi đôi với ngăn chặn nợ xấu tái diễn trong tương lai. Việc ngăn chặn nguy cơ nợ xấu đối với các Ngân hàng đòi hỏi có các giải pháp tổng thể và các chính sách kinh tế vĩ mô phải lành mạnh.
Thứ bảy, một vấn đề nữa có thể thấy, đó là trong khi xử lý nợ xấu các NHTM phải chấp nhận tổn thất khá lớn, song với mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại và thu hồi vốn nhanh nhất.
Việc xử lý nợ xấu của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia, tuy nhiên, việc vận dụng các kinh nghiệm trên phải tính đến điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: (1) kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; (2) hoạt động cho vay phần lớn dựa trên tài sản bảo đảm là bất động sản trong khi thị trường này chưa thể phục hồi ngay; (3) xử lý nợ xấu không được gây tổn thất quá lớn cho Chính phủ và bản thân các NHTM.