3.2.2.1. Hoàn thiện bộ máy quản trị nợ xấu
Hiện tại VIB đang triển khai mô hình xử lý và thu hồi nợ đầu – cuối trực thuộc Khối Quản trị rủi ro, tập trung tại Hội sở. Hai trung tâm xử lý nợ và thu hồi nợ sẽ là đầu mối phối hợp với các ĐVKD trên toàn hệ thống trong việc quản lý và xử lý các nhóm nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5. Đây là một điểm hạn chế trong bộ máy quản trị nợ xấu của VIB, cần được xây dựng và hoàn thiện. Bởi vì Trung tâm Quản lý nợ Hội sở là đầu mối quản lý một khối lượng công việc khổng lồ tất cả các khoản nợ từ nhóm 2 trở đi của toàn bộ hệ thống. Điều này chắc chắn dẫn đến tình trạng quá tải, cán bộ QLN không kiểm soát được hết các khoản vay khi đến hạn thanh toán, dẫn đến không có các giải pháp nhắc nợ khách hàng kịp thời. Đó là chưa kể đến đặc thù
vị trí địa lý, nếu cán bộ QLN muốn đi kiểm tra, gặp gỡ khách hàng nhằm phục vụ cho việc tái cấp/chuyển nhóm nợ khi khách hàng đến hạn trả nợ thì rất khó khăn.
Theo tác giả, VIB nên hoàn thiện hơn Bộ máy quản trị rủi ro của mình bằng cách tại mỗi vùng kinh doanh nên bố trí thêm một phòng QLN, quản lý toàn bộ các khoản dư nợ nhóm 1, nhóm 2 của vùng mình, đồng thời sẽ chịu trách nhiệm trình cơ cấu, tái cấp cho các khoản nợ đó. Phòng này gồm một bộ phận quản lý về nợ của khách hàng doanh nghiệp và một bộ phận quản lý về nợ của khách hàng cá nhân và chịu trách nhiệm quản lý, giám sát của Giám đốc vùng. Như vậy, công việc của Trung tâm Quản lý nợ Hội sở mới bớt đi gánh nặng, tập trung nhiều hơn cho các khoản nợ từ nhóm 3 trở đi.
3.2.2.2. Hoàn thiện hệ thống chuẩn mực chấm điểm và xếp hạng tín dụng
Như tác giả đã trình bày trong các phần trên, kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân loại nợ và xác định nợ xấu. Để đảm bảo công tác quản trị nợ xấu có hiệu quả, ngân hàng phải thực hiện ngay từ đầu việc xác định nợ xấu một cách chuẩn xác.
Vấn đề lớn nhất mà VIB cần hoàn thiện và giải quyết đối với công tác chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ trong điều kiện hiện nay là mức độ chuẩn xác của các thông tin đầu vào. Định kì hàng tháng hoặc hàng quý, VIB cần cung cấp cho cán bộ tín dụng các báo cáo chính thống phân tích tổng thể những ngành chiếm tỷ trọng tài trợ lớn như ngành thép, ngành xây dựng,…giúp cho việc nhận định những tác động từ phía nền kinh tế vĩ mô được chuẩn xác hơn.
Bên cạnh đó, VIB cần có quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với những trường hợp cố tình đưa thông tin sai lệch vào hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Tăng cường giám sát chất lượng chấm điểm xếp hạng tín dụng của cán bộ tín dụng bằng việc thực hiện chấm điểm xếp hạng tín dụng đồng thời và/hoặc đột xuất kiểm tra trực tiếp mức độ xác thực của thông tin thông qua tiếp xúc, trao đổi với khách hàng do một bộ phận/phòng ban độc lập thực hiện.
3.2.2.3. Nâng cao chất lượng kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, tích cực theo dõi thu hồi nợ gốc, nợ lãi
Thực hiện đúng quy trình cho vay: QL QHKH trước khi tiến hành giải ngân hoặc tái cấp khoản vay cho khách hàng cần phối hợp với Phòng thẩm định thực hiện quy trình thẩm định, tìm hiểu thông tin về khách hàng. Tuy nhiên tại VIB trong thời gian qua, các ĐVKD/chi nhánh đã không thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình cho vay. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì khách hàng chính là “nguồn nuôi sống” chủ yếu của các ĐVKD/chi nhánh, thậm chí còn là khách hàng thân quen, cho nên khi thực hiện cho vay, các ĐVKD/chi nhánh rất dễ bỏ qua các bước thẩm định, tìm hiểu thông tin. Thậm chí khi khách hàng thế chấp bằng TSBĐ, ĐVKD/chi nhánh cũng không quan tâm quản lý.
Từ năm 2010, khi VIBAMC được thành lập, toàn bộ TSBĐ của khách hàng thế chấp đều được giao sang AMC quản lý, vì vậy VIB cũng đã tránh được một phần rủi ro nếu khách hàng không còn khả năng thanh toán. Tuy nhiên, mặc dù AMC quản lý hàng hóa nhưng đơn giá và chất lượng hàng hóa lại do các ĐVKD thẩm định và cung cấp, do đó vẫn phát sinh yếu tố rủi ro dẫn đến nợ xấu. Vì vậy, lãnh đạo các ĐVKD/chi nhánh cần phải giám sát chặt chẽ việc chấp hành đúng quy trình nghiệp vụ cho vay của các cán bộ QL QHKH. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất việc thẩm định bao gồm: thẩm định các dự án, thẩm định các TSBĐ…phía VIB nên có cơ chế giao cho Phòng Thẩm định tài sản của VIBAMC hoặc công ty định giá độc lập bên ngoài thực hiện để tránh trường hợp các Chi nhánh “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay.
Tăng cường tính hiệu quả của công tác kiểm tra giám sát trong và sau khi cho vay. Tại VIB, nợ xấu phát sinh tăng trong thời gian vừa qua một phần cũng do tính hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát các khoản vay sau khi đã giải ngân là chưa cao, đặc biệt là việc nhắc nợ khách hàng khi đến hạn trả nợ.
3.2.2.4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ
VIB cũng cần củng cố, kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Hệ thống kiểm tra nội bộ chuyên trách và các cán bộ kiểm tra hoạt động độc lập với các bộ phận nghiệp vụ và được độc lập đánh giá, kết luận, kiến nghị trong hoạt động kiểm tra kiểm toán.
Xây dựng hoàn chỉnh các quy chế, quy trình kiểm tra. Xây dựng chương trình kiểm tra định kì (kể cả hệ thống giám sát từ xa) để giám sát phòng ngừa mọi sai sót, mọi hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh toàn hệ thống và từng đơn vị thành viên. Chủ động kiểm tra kiến nghị xử lý các trường hợp sai phạm, đảm bảo mọi hoạt động của Ngân hàng đều được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ.
Hệ thống kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và việc kiểm tra giám sát đảm bảo thông suốt, an toàn và đúng pháp luật mọi hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Trên cơ sở xây dựng các hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chung của ngân hàng, xây dựng và phát triển hệ thống thu thập, quản lý và cung cấp thông tin quản lý rủi ro trên tất cả các mặt hoạt động phục vụ cho việc kiểm tra kiểm soát đạt hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cũng cần chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện những kiến nghị của kiểm tra NHNN.
3.2.2.5. Nâng cao chất lượng thông tin tín dụng
Ngày nay, với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin, việc lưu trữ, cập nhật thông tin về khách hàng, khoản vay có thể được thực hiện trên phạm vi toàn hệ thống cuả VIB. Với tính ưu việt đó, Khối QTRR cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu về các khoản nợ xấu đã phát sinh cũng như đang tồn tại trên hệ thống VIB. Bên cạnh các thông tin về khách hàng, khoản vay, thời hạn trả nợ, nhóm nợ,…Khối QTRR nên bổ sung thêm các cột thông tin khác có liên quan như: quá trình quản trị nợ xấu đã thực hiện, các nhận định đánh giá về quá trình quản trị nợ xấu tại từng thời điểm, những vấn đề lưu ý khác liên quan đến tính đặc thù và mối quan hệ với các bên liên quan… Tuy nhiên, để được sử dụng và khai thác các thông tin này, các cán bộ thuộc các bộ phận liên quan sẽ được phân thành từng cấp theo User truy nhập, vì vậy sẽ đảm bảo được tính bảo mật, theo đúng phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm.
Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thông tin, dữ liệu về nợ xấu sẽ giúp cho công tác quản trị nợ xấu được thuận tiện hơn, cán bộ quản lý các cấp có thể
theo dõi thường xuyên và đưa ra những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác quản trị nợ xấu thực hiện có hiệu quả và khách quan.
3.2.2.6. Nâng cao trình độ nghiệp vụ và tiêu chuẩn hóa cán bộ
Để phát huy hơn nữa vai trò của Khối QTRR trong hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, VIB cần hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, VIB cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro tín dụng có kinh nghiệm, có kiến thức và khả năng nhanh nhạy khi xem xét, đánh giá các đề xuất tín dụng.
VIB cũng nên hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với các cán bộ quản lý rủi ro tín dụng về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh lựa chọn nhân sự tốt cho bộ phận thì việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng cần được tiến hành thường xuyên và đồng bộ. Khối nghiệp vụ tổng hợp của VIB nên tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn, các buổi hội thào nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, quan điểm rủi ro, cách thức tiếp cận và xử lý thông tin hiệu quả.
Bên cạnh đó, VIB nên có chính sách cụ thể khuyến khích cũng như quy định đối với những cán bộ tham gia các chương trình học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn nằm ngoài chương trình đào tạo của ngân hàng. Định kì thực hiện kiểm tra, đánh giá trình độ chuyên môn, kiến thức của các cán bộ quản lý rủi ro tín dụng, trên cơ sở đó lựa chọn, thay thế nhân sự cho phù hợp.
3.2.2.7. Tăng cường hơn nữa việc tổ chức phân tích, phân loại nợ xấu theo định kì
Cán bộ tín dụng phải coi việc phân tích, phân loại nợ xấu là một công việc trọng yếu. Khi các khoản nợ được chuyển sang nợ xấu (nhóm 3,4,5), cán bộ QL QHKH phối hợp với cán bộ QLN phân tích chi tiết thực trạng, tình hình tài chính của khách hàng, tìm ra nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khả năng tài chính của khách hàng có thể thu nợ đến đâu, tìm hiểu rõ đạo đức và gia cảnh của con nợ. Từ đó giúp cán bộ quản lý nợ nắm được nguyên nhân phát sinh để có cách giải quyết cho từng đối tượng cụ thể.
Việc phân tích, phân loại nợ xấu phải tiến hành thường xuyên, liên tục, định kì, khi phát hiện ra một sự thay đổi nào phải báo cáo lên trên và phải báo cáo về tình hình xử lý nợ, những khó khăn trong quá trình thực hiện lên ban lãnh đạo để lấy ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Trung tâm QLN phải tiến hành phân tích các khoản nợ xấu trên nhiều góc độ khác nhau: Theo thành phần kinh tế, theo phương thức cho vay, theo tài sản đảm bảo, theo mức độ rủi ro,…để xác định đúng hướng xử lý các khoản nợ đó. Đồng thời kiểm tra tính pháp lý hồ sơ đề nghị xử lý nợ của các phòng tín dụng chuyển đến và tập hợp trình lên ban xử lý nợ cấp trên. Trình tự này sẽ giúp cho công tác đánh giá chính xác, khả thi.