3.2.3.1. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hồi nợ trực tiếp.
Trên cơ sở kết quả việc phân tích và phân loại nợ xấu, VIB cần tiến hành các biện pháp thích hợp đôn đốc khách hàng trả nợ vay trong thời gian ngắn nhất. Để thực hiện được việc này, đòi hỏi ĐVKD/chi nhánh cần rà soát lại toàn bộ các khoản nợ, phân loại, đánh giá khả năng thu hồi để có được chính sách cho từng khách nợ. Đồng thời, VIB phải làm tích cực, quyết liệt hơn nữa việc quy trách nhiệm đòi nợ đích danh cán bộ quản lý khách hàng mà trực tiếp có phát sinh các khoản nợ xấu. Thậm chí nếu trong một hoặc hai quý mà cán bộ QLKH nào để phát sinh tổng số nợ xấu trên 10% tổng số nợ mình đang quản lý thì cũng tạm dừng việc giải ngân các khách hàng mới cho cán bộ đó, thay vào đó chuyển cán bộ đó đi giải quyết toàn bộ các khoản nợ xấu đã phát sinh. Nếu tất cả các khoản nợ đó đã được thanh toán đầy đủ hoặc tỷ lệ cho phép thì mới được cấp hạn mức tiếp. Trường hợp nếu không thể đòi được nợ thì người làm sai sẽ phải nhận các hình thức kỷ luật và phải bồi thường thiệt hại gây ra.
3.2.3.2. Tiếp tục khai thác xử lý các khoản nợ có TSĐB.
Trong thời gian qua, hoạt động mua bán TSBĐ của VIBAMC đã đạt được các kết quả hết sức khả quan. Theo số liệu thống kê từ Phòng TCKT của VIBAMC cho thấy có đến 85-90% các TSBĐ của VIB khi được chuyển sang cho VIBAMC đều được bán toàn bộ, thậm chí là trong thời gian rất ngắn. Điều này dễ hiểu bởi vì bản
thân AMC có chức năng mua bán tài sản, mặt khác, AMC có hẳn Phòng Mua bán và Khai thác tài sản với đội ngũ nhân viên là những người đã từng làm kinh doanh và rất am hiểu thị trường, có mối quan hệ rộng. Vì vậy, để hoạt động bán và khai thác các TSBĐ của VIB thu được kết quả cao hơn, trong thời gian tới VIB nên cân nhắc chuyển toàn bộ khoản nợ có TSBĐ sang cho AMC chịu trách nhiệm xử lý.
Ngoài ra, VIB cũng nên giảm bớt các thủ tục giấy tờ khi chuyển nhượng các tài sản này sang cho AMC xử lý. Có như vậy mới rút ngắn thời gian xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi các khoản nợ cho ngân hàng.
3.2.3.3. Cơ cấu lại nợ cho khách hàng trên cơ sở nguồn thu đảm bảo, chắc chắn và phương án trả nợ cơ cấu khả thi
Trong thời gian tới, khi quyết định cơ cấu lại các khoản nợ cho khách hàng, VIB nên xem xét một cách cẩn thận đến các yếu tố thuộc về khách hàng: lịch sử nợ quá hạn của khách hàng, mối quan hệ với ngân hàng, mối quan hệ giữa khách hàng với các ngân hàng/TCTD khác, các lần trả nợ trước đây cho ngân hàng,…rồi mới quyết định đến việc có cơ cấu khoản nợ hay không. Nếu đánh giá khách hàng thực sự có khả năng phát triển trong tương lai thì ngân hàng có thể xem xét thực hiện việc cơ cấu lại nợ nhằm giảm bớt sức ép trả nợ đến hạn, giúp cho khách hàng có được cơ hội để tiếp tục sản xuất kinh doanh và có nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng. Nhưng nếu ngân hàng đánh giá khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ trong tương lai thì nên chuyển dứt điểm sang nhóm nợ cao hơn hoặc chuyển thẳng sang Trung tâm thu hồi nợ nếu nhận thấy có những dấu hiệu rủi ro có thể gây mất vốn cho ngân hàng.
3.2.3.4. Xử lý nợ xấu bằng Quỹ dự phòng rủi ro
Biện pháp này với đặc thù là có tính chủ động cao, xử lý được các khoản nợ xấu lâu ngày một cách nhanh chóng, góp phần làm sạch bảng tổng kết tài sản và đảm bảo an toàn kinh doanh cho ngân hàng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới VIB không nên quá chú trọng vào biện pháp này mà nên tập trung vào các biện pháp thu hồi nợ có tính triệt để, mang lại hiệu quả
cao hơn. Bởi vì, thực chất ngân hàng vẫn chưa thu được tiền của khách hàng mà còn góp phần làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
3.2.3.5. Bán các khoản nợ xấu
Ngoài việc bán các khoản nợ xấu cho VIBAMC, VIB nên tham gia sâu hơn vào thị trường mua bán nợ và xem xét bán các khoản nợ xấu cho các công ty mua bán nợ, các ngân hàng hoặc các chủ thể kinh tế khác theo quy định hiện hành. Việc bán các khoản nợ xấu cho các TCTD hoặc AMC của các ngân hàng khác sẽ giúp VIB, VIBAMC tập trung cho công việc chính của mình, không mất quá nhiều thời gian cho việc tập trung nhân lực đi đòi nợ, kiện cáo…đồng thời tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa nợ xấu hiệu quả mà không chịu ảnh hưởng từ việc giải quyết nợ tồn đọng với khách hàng.
Để thực hiện tốt biện pháp này, ngoài điều kiện khách quan là thị trường mua bán nợ xấu phải phát triển thì bản thân VIB, VIBAMC cũng phải hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ của các khoản nợ, đặc biệt là giấy tờ của TSBĐ nợ vay, thực hiện các bước chuyển giao tài sản cần thiết…để biến khoản vay thực sự trở thành hàng hóa có tính thị trường.