Việt Nam
Thị trường dược Việt Nam đang hội tụ rất nhiều yếu tố hấp dẫn, như tốc độ tăng trưởng dân số ổn định, sự nhận thức về sức khỏe của tầng lớp trung lưu và khả năng tiếp cận thuốc ngày càng được cải thiện. Đó là những yếu tố giúp ngành dược Việt Nam giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, dược phẩm nhập khẩu vẫn được dự báo vẫn sẽ lấn át sản phẩm nội địa, do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ yêu cầu, đặc biệt với các loại thuốc đặc trị, có giá trị cao như thuốc gây mê, thuốc giải độc đặc hiệu, thuốc chống ung thư… Cùng với đó, tâm lý của người Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng ngoại cũng tác động đến hoạt động nhập khẩu thuốc. Theo một số liệu thống kê cho thấy, bác sỹ Việt Nam chỉ kê 20-30% thuốc sản xuất trong nước trên tổng số thuốc cho bệnh nhân. Về mặt chính sách thì ngày càng nhiều mã hàng dược phẩm không phải chịu thuế nhập khẩu. Theo biểu thuế nhập khẩu được áp dụng từ tháng 9 năm 2016, tới 67% mã hàng thuộc nhóm dược phẩm có mức thuế suất nhập khẩu 0%.
Bên cạnh những cơ hội trên thì lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu dược phẩm ở Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức. Các doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý tới các rủi ro về sự thay đổi của chính sách, rủi ro về sự biến động về giá thuốc do
thay đổi tỷ giá, phụ thuộc nguồn hàng từ nhà cung cấp, đặc biệt là các chủng loại thuốc đặc trị, rủi ro của quá trình thực hiện hợp đồng nhập khẩu hay các rủi ro đặc thù của ngành dược. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có các biện pháp đối phó với những thách thức về sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn hay tình trạng thuốc giả được bán ở các chợ thuốc trung tâm và hiệu thuốc.