3.2.4.1. Đổi mới trong tư duy về quản trị rủi ro cũng như tư duy về quản trị doanh nghiệp
Điểm mấu chốt của quản trị rủi ro là sự nhận thức của chính lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp về tầm quan trọng của quản trị rủi ro và sự chuyển tải các nhận thức đó đến toàn bộ cấp quản lý bên dưới. Nếu không có sự quyết tâm này, thì mọi quy trình xây dựng đều không được thực thi. Thông thường tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp là mạnh mẽ, có thể chấp nhận rủi ro để đạt được mục tiêu cao hơn. Như vậy thì doanh nghiệp càng cần đảm bảo thực hiện quản trị rủi ro và gắn quản trị rủi ro vào với quản trị doanh nghiệp.
3.2.4.2. Tạo văn hóa quản trị rủi ro trong doanh nghiệp
Một bước quan trọng trong quản trị rủi ro là xây dựng văn hóa quản trị rủi ro cho toàn thể nhân viên bởi vì rủi ro đến từ mọi hoạt động, từ mọi quy trình, từ bất cứ ai tham gia vào các hoạt động đó. Vì vậy, văn hóa quản trị rủi ro phải được đồng nhất trong một doanh nghiệp. Văn hóa quản trị rủi ro không phải là né tránh toàn bộ mọi nguy cơ gây ra rủi ro mà cần có văn hóa chấp nhận rủi ro. Văn hóa chấp nhận rủi ro không phải là dám chấp nhận
nhiều rủi ro mà là tránh việc phát triển và thực hiện những quy trình và khuôn khổ quản trị rủi ro đến độ làm mất đi tinh thần dám chịu rủi ro, tinh thần đổi mới để đạt đuợc thành công mới.
Trước hết văn hóa quản trị rủi ro xuất phát từ động thái của ban lãnh đạo được truyền đến cấp dưới. Ban lãnh đạo sẽ xác định khung giới hạn hay những chỉ số mục tiêu mà doanh nghiệp có thể chấp nhận và chịu đựng rủi ro, từ đó sẽ đuợc cụ thể hóa tới mức độ là các huớng dẫn hành động cho nhân viên mà nằm ngoài các quy định, chính sách nhưng vẫn trong phạm vi có thể kiểm soát rủi ro đuợc. Sau đó việc xây dựng nền tảng, huấn luyện kỹ thuật, làm sao để quảng bá đồng bộ văn hóa quản trị rủi ro, thì doanh nghiệp có thể nhờ nhà tư vấn rồi từ đó doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển hệ thống của mình.
3.2.4.3. Nâng cao năng lực nhân viên trong quản trị rủi ro
Doanh nghiệp phải thường xuyên có chính sách đào tạo và chú trọng đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên nhập khẩu trong tình hình mới với sự bùng nổ về thông tin, xu hướng hội nhập mạnh mẽ và sự thay đổi và biến động của thị trường khu vực thế giới đối với ngành mình liên quan. Chính sách nâng cao năng lực không chỉ là tạo điều kiện, hỗ trợ tài chính để các nhân viên tham gia các khoá học chuyên môn mà phải có cơ chế khuyến khích họ tham gia vào các diễn đàn, hội thảo về kinh tế hay các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế.
Đối với nhân viên của bộ phận quản trị rủi ro, doanh nghiệp tạo điều kiện để tham gia các khóa học về quản trị rủi ro, khóa học áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản trị rủi ro,… hoặc có các chế độ khuyến khích cho nhân viên làm việc ở bộ phận quản trị rủi ro bởi hoạt động quản trị rủi ro còn khá mới với các doanh nghiệp nhập khẩu ở Việt Nam nên cần sự tự nghiên cứu và sáng tạo của nhân viên.
Với toàn bộ nhân viên, doanh nghiệp có thể xem xét việc thưởng, phạt theo công việc để tăng cường trách nhiệm đạo đức trong công việc nhằm hạn chế các rủi ro chủ quan từ phía nhân viên.