2.4.1.1. Nhận dạng rủi ro
Để nhận dạng rủi ro, công ty đã có một số biện pháp sau:
- Kết hợp tìm hiểu môi trường kinh doanh của đối tác và xác định các rủi ro của thị trường đó.
Khi xây dựng chiến lược phát triển của hoạt động kinh doanh nhập khẩu dược phẩm, công ty quyết định lựa chọn hợp tác với một đối tác mới không chỉ dựa trên các tiêu chí như danh tiếng, giá cả, sản phẩm chủ lực,… của đối tác mà còn đánh giá cả tính an toàn của môi trường kinh doanh tại nước của đối tác. Đối tác tốt nhưng nằm trong khu vực bất ổn về môi trường kinh doanh thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh.
Để xác định tính an toàn hay rủi ro của môi trường kinh doanh tại nước của đối tác, công ty dựa theo các tiêu chí dưới đây để nhận dạng và dự đoán các rủi ro có thể xảy ra với thị trường đó:
+ Môi trường chính trị - luật pháp: tình hình chính trị ổn định hay bất ổn, sự thay đổi trong chính trị có khả năng gây ảnh hưởng tới các nước khác hay dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị trên thế giới, đất nước theo xu hướng hội nhập hay hạn chế hoạt động ngoại thương,…
+ Môi trường kinh tế: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái, sự phát triển của nền công nghiệp dược phẩm,…
+ Môi trường tự nhiên: vị trí địa lý có thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa hay không, phù hợp với vận chuyển đường biển hay đường hàng không,…
Công ty đánh giá mức độ rủi ro bằng phương pháp bán định lượng, cụ thể với từng tiêu chí được đánh giá và cho điểm trong mức thang điểm, mức độ rủi ro của tiêu chí càng cao thì cho điểm càng cao. Như vậy, thị trường có tổng điểm đánh giá cao thì thị trường đó dễ xảy ra rủi ro. Từ đó, công ty có thể nhận dạng được đâu là thị trường khả năng lớn sẽ gặp rủi ro, rủi ro có thể xuất phát từ lĩnh vực nào và các loại rủi ro có thể xảy ra.
- Tổng hợp các biến cố đã xảy ra trong quá khứ.
Ban lãnh đạo yêu cầu bộ phận nhập khẩu và các bộ phận khác có liên quan tổng hợp lại các sự vụ đã xảy ra liên quan tới hoạt động nhập khẩu dược phẩm của công ty và của một số công ty nhập khẩu dược phẩm khác trên thị trường vừa để làm tư liệu cho quá trình xây dựng quy trình quản trị rủi ro vừa là căn cứ cho các nhân viên nhập khẩu tham khảo, lưu ý và rút ra kinh nghiệm cho công việc của bản thân.
Công ty đã tạo một bảng dữ liệu mà các bộ phận liên quan có thể xem, chỉnh sửa và cập nhật như sau:
Mô tả rủi ro Thời gian xảy ra Loại rủi ro Nguyên nhân gây ra rủi ro Hệ quả của rủi ro Mức độ xuất hiện của rủi ro Xử lý rủi ro Kết quả của việc xử lý rủi ro Đánh giá Rủi
ro A Rủi ro B ...
Các bộ phận có liên quan sẽ cập nhật thông tin về rủi ro đã gặp phải và bổ sung thêm nếu xảy ra rủi ro mới vào các cột trong bảng dữ liêu. Cột Đánh giá sẽ do ban lãnh đạo công ty nhận xét sau khi rủi ro đã được giải quyết.
Sự tổng hợp này sẽ giúp hình thành bản danh mục các rủi ro xảy ra trong các giai đoạn của quá trình nhập khẩu dược phẩm, khả năng xảy ra đối với từng rủi ro, nguyên nhân của rủi ro và biện pháp xử lý rủi ro đó. Điều này giúp cả nhân viên cũ có thể xem lại và cảnh giác hơn trong công việc hằng ngày cũng như giúp nhân viên mới có sẵn một số kinh nghiệm trong nhận dạng, phát hiện rủi ro mà bình thường phải làm một thời gian mới nắm bắt được.
Với các biện pháp trên, công ty vẫn còn hạn chế trong nhận dạng các loại rủi ro của hoạt động kinh doanh nhập khẩu vì mới chỉ thu thập rủi ro trong phạm vi công ty và qua tìm hiểu ở các công ty nhập khẩu khác đã biết. Để có được lượng thông tin đa dạng hơn thì công ty có thể thuê công ty chuyên về khảo sát, thu thập thông tin để xây dựng bảng khảo sát để điều tra và tổng hợp thông tin.
2.4.1.2. Phân tích rủi ro
Trong quá trình tổng hợp các rủi ro đã xảy ra tại công ty, ngoài việc liệt kê các rủi ro với hoạt động nhập khẩu dược phẩm thì doanh nghiệp cũng đưa ra đánh giá khả năng xảy ra rủi ro đó bằng phương pháp định tính như khả năng xảy ra rủi ro này trong một số điều kiện nhất định là cao hay trung bình hay thấp. Từ đó, với mỗi trường hợp thực tế thì nhân viên nhập khẩu sẽ đặc biệt chú ý đến các rủi ro có khả năng cao sẽ xảy ra và nguyên nhân gây ra rủi ro đó để có hành động né tránh hoặc phòng ngừa rủi ro kịp thời.
2.4.1.3. Định mức rủi ro
Định mức rủi ro là so sánh mức độ rủi ro thấy được trong quá trình phân tích rủi ro với tiêu chí rủi ro đã được thiết lập. Tuy nhiên, công ty chưa xây dựng được các tiêu chí rủi ro mà chỉ xác định rằng rủi ro nào cũng phải xử lý ngay lập tức khi phát hiện ra và nếu không thể chuyển giao được rủi ro
cho bên khác thì mới chấp nhận rủi ro. Do đó, nhân viên nhập khẩu phụ trách công việc của mình luôn phải trong tâm thế sẵn sàng đối phó với tất cả rủi ro, khi có nhiều sự vụ xảy ra cùng lúc thì bị quá tải trong xử lý công việc.