2.2.2.1. Rủi ro trong thanh toán
Rủi ro trong thanh toán quốc tế là những rủi ro về kinh tế phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế xuất phát từ các bên tham gia như nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngân hàng của nhà xuất khẩu, ngân hàng của nhà nhập khẩu, ngân hàng trung gian hoặc từ các nhân tố bên ngoài như chính trị, hacker,…
- Rủi ro với phương thức thanh toán bằng tín dụng thư
Xét đến các phương thức thanh toán quốc tế thì thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) là một phương thức thường được sử dụng và cũng thường gặp rủi ro.
Về phía nhà xuất khẩu, việc giao hàng hàng hóa muộn hơn thời hạn giao hàng được quy định trong L/C và thậm chí muộn hơn thời hạn của L/C khiến nhà nhập khẩu phải thông báo ngân hàng của mình thực hiện tu chỉnh L/C và trả cho ngân hàng chi phí tu chỉnh này.
Về phía ngân hàng phát hành L/C, họ thực hiện thanh toán cho nhân hàng hưởng thụ chỉ căn cứ vào bộ chứng từ nhận được từ ngân hàng hưởng thụ mà không căn cứ vào việc kiểm tra hàng hoá. Như vậy sẽ không có sự đảm bảo nào cho nhà nhập khẩu rằng hàng hoá sẽ đúng như đơn đặt hàng hay không? Nhà nhập khẩu có thể nhận được thiếu hàng hoặc hàng bị hư hại trong quá trình vận chuyển mà vẫn phải trả đầy đủ tiền thanh toán cho ngân hàng phát hành.
Về phía nhà nhập khẩu, công ty cũng gặp phải rủi ro với phương thức thanh toán L/C là hàng hóa đến cảng đích trước khi ngân hàng mà công ty chọn để mở L/C nhận được bộ chứng từ. Không có bộ chứng từ gốc thì công ty không thể làm thủ tục Hải quan và thông quan cho hàng hoá, do đó công ty phải chịu một khoản phí lưu kho cho lô hàng. Tùy từng lô hàng và thời gian lưu kho mà công ty đã phải trả các khoản phí lưu kho khác nhau. Trường hợp phí lưu kho cao nhất lên đến 20 triệu đồng do sản phẩm phải bảo quản lạnh.
Ngoài ra, công ty cũng đã gặp phải các rủi ro như nhà xuất khẩu không cung cấp hàng hóa dù công ty đã ký quỹ ở ngân hàng để mở L/C, bộ chứng từ thanh toán sai chính tả hoặc không khớp nhau nên công ty mất thêm thời gian chờ nhà xuất khẩu hoàn thiện bộ chứng từ.
- Lừa đảo công nghệ cao
Bên cạnh phương thức thanh toán L/C thì chuyển tiền bằng điện (T/T) cũng là phương thức hay được sử dụng trong thanh toán quốc tế bởi sự tiện lợi, nhanh gọn và phí ngân hàng của phương thức T/T thấp hơn của phương thức L/C. Sự tiện lợi của phương thức T/T là do chuyển tiền theo hệ thống SWIFT code hoặc IBAN code nhưng cũng chính vì sử dụng hai hệ thống này mà đã làm phát sinh hành vi lừa đảo công nghệ cao trong thanh toán quốc tế với chiều hướng ngày càng gia tăng.
Vào tháng 10 năm 2016, công ty DOHA có đặt hai đơn hàng với nhà máy ở Romania, đối tác uy tín đã làm việc lâu năm. Đó là hai đơn hàng cuối của 2 mặt hàng trước khi hết hạn Giấy phép nhập khẩu nên công ty đã đặt
với số lượng gấp bốn lần đơn hàng bình thường, tổng giá trị của hai đơn hàng lên tới 800,000 EUR và số tiền đặt cọc cho 2 đơn hàng là 55,000 EUR và 45,000 EUR. Chính vì thói quen làm việc quen thân nên có sự tin tưởng, nhiều khi đọc mail của nhau không có sự cảnh giác và các email cũng chỉ được gửi cho một người phụ trách ở mỗi bên. Nhưng không may email của nhân viên phụ trách kinh doanh bên nhà máy bị hacker tấn công và sự chủ quan trong thói quen làm việc đã được hacker theo dõi kĩ càng. Hacker kiểm soát và chặn lại mọi email của nhà máy gửi cho công ty, sau đó hacker gửi một email giả thông báo tài khoản của công ty đang trong quá trình kiểm tra nên đề nghị công ty chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản khác ở Sweden với tên và địa chỉ của người thụ hưởng không thay đổi hoặc chờ đến khi tài khoản của công ty được phục hồi. Do phải đặt cọc gấp để nhà máy mua nguyên vật liệu cho kịp sản xuất và vận chuyển hàng hóa về Việt Nam trước khi hết hạn nhập khẩu nên công ty đã chuyển trước món 45,000 EUR vào tài khoản ở Sweden như hướng dẫn ở trong email, còn món 55,000 EUR cần thêm thời gian thu xếp và được chuyển sau một tuần. Sau mỗi lần chuyển tiền, công ty đều gửi điện chuyển tiền vào email của nhà máy để thông báo và nhận được email phản hồi là món 45,000 EUR đã nổi trong tài khoản còn món 55,000 EUR phải bị chuyển lại do giới hạn hàng tháng của tài khoản Sweden này. Sau khi nhận lại món 55,000 EUR thì đề nghị công ty chuyển sang tài khoản Sweden khác hoặc tài khoản khác của nhà máy ở Malaysia. Trong khi chờ món 55,000 EUR được chuyển lại, công ty lại nhận được email từ một nhân viên kế toán bên nhà máy nói rằng mãi chưa nhận được tiền đặt cọc nên không thể bắt đầu đơn hàng được. Công ty rất ngạc nhiên và nói đã chuyển tiền đặt cọc cũng như gửi email thông báo cho người phụ trách kinh doanh của nhà máy. Sau quá trình trao đổi với nhân viên kế toán thì cả hai bên phát hiện ra rằng email của nhân viên kinh doanh kia đã bị hacker tấn công. Công ty ngay lập tức làm việc với ngân hàng để tra soát hai món đặt cọc trên nhưng món 45,000 EUR đã bị hacker rút khỏi tài khoản còn món 55,000 EUR bị treo do hacker đóng tài khoản trước khi tiền được chuyển vào nên
món này được chuyển lại cho công ty DOHA. Sau khi cân nhắc mối quan hệ kinh doanh lâu năm của hai công ty, nhà máy đã chấp nhận chịu rủi ro này nên công ty DOHA đã không phải chịu tổn thất của món đặt cọc 45,000 EUR. Nếu nhà máy không hợp tác, không chịu tổn thất này thì công ty DOHA vừa bị mất 45,000 EUR vừa có thể không đặt tiếp được đơn hàng này.
Sự việc này xảy ra vừa do sự bảo mật kém của nhà máy cũng vừa do nhân viên của công ty DOHA thấy thông tin tài khoản thay đổi so với thường lệ mà không gọi điện cho nhà máy xác nhận lại vấn đề này. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng ở các nước châu Âu chỉ chuyển tiền theo số IBAN mà không quan tâm tới tên và địa chỉ của người hưởng lợi có đúng không nên tiền vẫn được chuyển vào tài khoản dù thông tin của người hưởng lợi không khớp với số IBAN. Đây chính là hình thức BEC (Business Email Compromise) – lừa đảo doanh nghiệp qua email đang ngày càng lan rộng và gây ra thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Các vụ lừa đảo thường liên quan tới các nước ở châu Âu và các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Theo tìm hiểu của công ty DOHA, hình thức lừa đảo này đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2013 nhưng số lượng rất ít và không được cảnh báo trên mạng thông tin ngay thời điểm đấy để các doanh nghiệp khác nắm bắt. Khi các doanh nghiệp ngày càng tăng cường giao dịch bằng các phương thức điện tử thì tình trạng lừa đảo thông qua email ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.
2.2.2.2. Rủi ro ngoại hối
Rủi ro ngoại hối là rủi ro phát sinh do sự biến động của tỷ giá làm ảnh hưởng tới giá trị kỳ vọng tương lai và luôn gắn liền với hoạt động kinh doanh quốc tế nhưng rủi ro này không chỉ mang đến tổn thất mà cũng có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp tham gia hoạt động ngoại thương. Hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam thanh toán bằng USD và EUR, trong đó đồng USD chiếm tỷ trọng nhiều hơn nhưng sự biến động lại nhiều hơn và khó đoán hơn đồng EUR.
Với doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá tăng làm chi phí đầu vào tăng, gây bất lợi cho hoạt động nhập khẩu và thực tế thì tỷ giá hối đoái diễn ra theo
chiều hướng này. Vào tháng 11 năm 2016, đồng USD trên thế giới liên tục tăng kéo theo tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh trên thị trường, thậm chí tỷ giá tăng liên tục theo từng giờ. Thời điểm đấy cũng đang trong giai đoạn dược phẩm được nhập khẩu nhiều nhất trong năm, công ty DOHA cần mua USD từ ngân hàng để thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp. Do đó, công ty đã phải mất nhiều tiền VND hơn để thực hiện thanh toán so với dự tính tài chính tại thời điểm ký kết hợp đồng ngoại thương. Vào giai đoạn đó, có ngày tỷ giá buổi chiều cao hơn buổi sáng gần 100 điểm nên khi buổi chiều công ty thực hiện thanh toán 50,000 USD là đã lỗ gần 5 triệu đồng nếu thanh toán được làm vào buổi sáng. Thậm chí có ngày tỷ giá tăng mạnh, khi công ty mua USD để thanh toán thì ngân hàng báo tỷ giá thực tế là cao hơn tỷ giá niêm yết nhưng tỷ giá niêm yết không thể tăng lên nữa do đã chạm mức trần.
Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cũng là một nhân tố trong việc xác định giá bán buôn kê khai của dược phẩm. Theo quy định của Cục Quản lý Dược, thuốc nhập khẩu vào Việt Nam phải làm kê khai giá và bệnh viện chỉ chấp nhận mua những sản phẩm mà đã được Cục chấp nhận giá kê khai. Từ lúc nộp kê khai giá cho tới khi được Cục Quản lý Dược chấp nhận giá kê khai thường mất ít nhất ba tháng nên công ty sẽ nộp kê khai giá luôn trong khi chờ hàng hóa được sản xuất và vận chuyển về Việt Nam. Cụ thể, sau khi phát sinh hợp đồng ngoại thương đặt hàng với nhà cung cấp, công ty khẩu nộp luôn kê khai giá bán buôn dựa trên giá CIF trên hợp đồng và tỷ giá tại thời điểm kê khai giá. Nhưng khoảng 4 tháng sau, khi hàng hóa được sản xuất xong và vận chuyển về Việt Nam, công ty phải thanh toán tiền hàng và các chi phí khai thác hàng hóa theo tỷ giá tại thời điểm đó và tỷ giá lúc này lại cao hơn tỷ giá được tính để làm kê khai giá bán buôn. Mặc dù sự chênh lệch tỷ giá giữa hai thời điểm này thường không quá lớn, nhưng sự thay đổi của tỷ giá đã khiến giá bán buôn được công ty kê khai với Cục Quản lý dược không thể phản ánh đầy đủ được chi phí mà công ty phải chi trả cho mặt hàng đấy. Trong khi tỷ giá thì tăng theo thời gian mà công ty lại rất khó để xin tăng giá bán buôn kê khai đã được Cục chấp nhận trong suốt thời hạn 5
năm của Giấy phép nhập khẩu, như vậy nếu không tính toán đến lượng biến động của tỷ giá thì công ty chắc chắn sẽ gặp tổn thất.
2.2.2.3. Rủi ro trong vận chuyển hàng hóa quốc tế
- Hàng bị hư hại hoặc thất lạc trong quá trình vận chuyển
Rủi ro trong vận chuyển hàng hóa quốc tế có thể xảy ra do yếu tố thiên nhiên, con người và cơ sở vật chất dẫn đến rất nhiều trường hợp hàng hóa bị hư hại hay thất lạc trong quá trình vận chuyển từ nước này sang nước khác.
Vì thời gian vận chuyển lâu hơn và hàng hóa đi giữa biển nên tình trạng lô hàng bị hư hại xuất hiện nhiều hơn ở vận chuyển đường biển. Dù vận chuyển bằng đường biển hay đường hàng không thì cả hai hình thức này vẫn thường xảy ra tình trạng hàng hóa tới Việt Nam bị hư hại, hoặc chỉ bị ướt, rách, bọp méo thùng carton bên ngoài hoặc hư hại từ thùng carton bên ngoài, vỏ hộp chứa dược phẩm đến cả vỉ thuốc bên trong. Trong trường hợp có tình trạng hàng hóa bị hư hại khi tới Việt Nam, công ty khai thác hàng ở sân bay sẽ lập Biên bản hàng hóa bất thường hoặc công ty giám định ở cảng biển như Vinacontrol sẽ lập Biên bản giám định. Hai loại biên bản này mô tả tình trạng hàng hóa bị hư, số lượng thùng carton bị hư hại cũng như thời gian giám định để làm bằng chứng cho nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu khiếu nại với hãng vận chuyển.
Bên cạnh việc hàng hóa bị hư hại, trường hợp thất lạc một phần lô hàng cũng đã từng xảy ra ở cả đường biển và đường hàng không. Tháng 01 năm 2015, công ty DOHA có lô hàng đi đường biển từ Thái Lan về cảng Hải Phòng nhưng khi tới cảng thì phát hiện bị thiếu 9 thùng hàng so với chứng từ hàng của nhà xuất khẩu và số thùng hàng đó đã bị sót lại ở cảng Singapore khi chuyển tải do sự sai sót của công ty vận tải. Sau đó 2 tuần thì 9 thùng hàng này mới được vận chuyển tới cảng Hải Phòng. Tháng 08 năm 2016, công ty cũng có một lô hàng đi đường hàng không từ Ukraine về sân bay Nội Bài bị chia ra về Việt Nam làm 3 lần và vẫn bị thiếu 21 thùng hàng. Do không biết 21 thùng hàng này có về nữa không hay bị thất lạc nên công ty khai thác hàng ở sân bay chưa thể lập Biên bản hàng hóa bất thường và công ty DOHA cũng không thể thông quan cho số hàng đã tới sân bay. Cuối cùng phải tới một tháng sau, số thùng hàng bị thất lạc mới đến được sân bay Nội Bài. Với cả hai sự vụ này, công ty DOHA đều phải làm việc với công ty khai thác hàng ở sân
bay và cảng biển để linh động cho thông quan số lượng hàng đã tới Việt Nam nhằm tránh phí lưu kho và có hàng để kịp cung cấp cho bệnh viện. Nếu chờ đến khi hàng về đủ mới làm thông quan thì phí lưu kho sẽ rất nhiều và công ty DOHA bị đứt hàng với các bệnh viện. Nếu hàng hóa là loại dược phẩm cần phải bảo quản lạnh thì phí lưu kho lạnh cao hơn gấp 3 lần lưu kho thường và mức phí này tăng lên mỗi ngày. Sau đó, công ty yêu cầu bên người bán làm việc với hãng hàng không để bồi thường các chi phí mà công ty đã trả nhằm lấy hàng ra nhanh.
- Hàng hóa bị chậm trễ trong quá trình vận chuyển quốc tế
Bên cạnh việc hư hại, thất lạc trong khi vận chuyển hàng giữa các nước thì tình trạng hàng hóa về chậm hơn so với kế hoạch cũng hay xảy ra vào các mùa cao điểm của xuất nhập khẩu hoặc mùa mưa bão. Vào 3 tháng cuối năm là thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh nên nhu cầu về vận chuyển hàng hóa cũng tăng cao. Hầu hết hàng hóa về Việt Nam bằng đường biển được chuyển tải ở cảng Singapore do hạ tầng cơ sở của Việt Nam chưa đủ khả năng để tiếp nhận tàu lớn và Singapore cũng là nơi chuyển tải của rất nhiều lô hàng đi các nước khác nên vào những tháng cuối năm luôn gặp tình trạng hàng về chậm do bị tắc ở cảng Singapore. Hoặc vào mùa mưa bão tàu chở hàng cũng sẽ đi chậm hơn so với bình thường do vấn đề thời tiết làm ảnh hưởng tới sự di chuyển trên biển. Nếu nhân viên bộ phận nhập khẩu không biết tình hình để đặt hàng sớm hơn thì sẽ bị chậm hàng so với kế hoạch ban đầu và có thể tác động tiêu cực đến kế hoạch bán hàng, đặc biệt là các hàng rất quan trọng về vấn đề thời gian như hàng dược phẩm cung ứng cho bệnh viện. Thực tế, công ty đã có vài lần nhận được nhắc nhở của bệnh viện và một lần bị bệnh viện phạt 10 triệu do không cung cấp hàng hóa đúng hạn, bên cạnh đó còn làm giảm uy tín của công ty với bệnh viện.
- Hãng vận chuyển phá sản
Vào 31 tháng 8 năm 2016, tập đoàn Vận tải Hanjin đứng thứ 7 thế giới về dịch vụ vận chuyển quốc tế tuyên bố phá sản. Tập đoàn Hanjin vận