1.1.4.1. Các yếu tố khách quan
- Cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. XKLĐ có tính cạnh tranh gay gắt không những giữa các quốc gia XKLĐ mà chính với lao động tại nước tiếp nhận vì hai lý do: 1) XKLĐ mang lại lợi ích kinh tế khá to lớn cho các nước đang có khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Do vậy, nó buộc các nước XKLĐ phải cố gắng tối đa để chiếm lĩnh thị trường ngoài nước nghĩa là họ phải đầu tư nhiều hơn cho chương trình marketing, cho chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao giá trị sử dụng của sức lao động; 2) Đối với lao động bản địa, lao động nước ngoài là mối đe dọa đối với công ăn việc làm của họ. Vì thế, công đoàn tại các quốc gia tiếp nhận lao động thường tạo sức ép đối với chính phủ để hạn chế số lượng lao động nước ngoài được nhận vào làm việc.
Như vậy, các chính sách của Nhà nước cần phải lường trước tính gay gắt trong cạnh tranh XKLĐ để có chương trình dài hạn cho marketing, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để xuất khẩu.
- Quan hệ cung – cầu về lao động trên thị trường thế giới và khu vực. Các nước phát triển có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhưng tốc độ tăng dân số thấp, dẫn đến thiếu hụt về nguồn nhân lực, có nhu cầu về NKLĐ trong khi các nước chậm phát triển hoặc đang phát triển cần đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, giải quyết nạn thất nghiệp, bổ sung nguồn thu ngân sách và thu nhập cho người lao động, rất cần đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Do vậy, quan hệ cung – cầu lao động của thị trường phụ thuộc nhiều vào sự phát triển và các chính sách kinh tế của các nước như thu nhập, đầu tư, thuế, lãi suất của nền kinh tế khu vực và thế giới.
Cung – cầu trên thị trường lao động quốc tế sàng lọc những lao động không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Điều này thúc đẩy người lao động tự giác rèn luyện, nâng cao tay nghề tạo cơ hội cho chính mình trong quá trình tuyển
chọn của các doanh nghiệp vì những doanh nghiệp XKLĐ không đảm bảo uy tín trong cung ứng dịch vụ của mình cũng bị sàng lọc bởi thị trường lao động thế giới.
- Sự chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa nước tiếp nhận và nước XKLĐ.
Tại các nước có nền kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập của người dân và phúc lợi xã hội tương đối cao, họ có thể tự do lựa chọn công việc mà mình muốn làm. Vì thế, tại các nước này luôn thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực có tính chất nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại. Trong khi đó ở những nước có nền kinh tế - xã hôi chưa phát triển nhu cầu tìm kiếm một công việc có thu nhập cao trở thành mục tiêu của người dân, đặc biệt là cơ hội làm việc ở nước ngoài với mức lương cao hơn nhiều lần so với trong nước. Một nghịch lý là sự kém phát triển về kinh tế thường đi đôi với sự gia tăng dân số, bởi vậy các nước nghèo thường có một nguồn nhần lực dồi dào, trong khi đó quy mô nền kinh tế không đáp ứng đủ nhu cầu về việc làm, điều này tất yếu dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong nước rất cao. Do đó, giá thành lao động tại các nước này cũng thấp hơn tại các nước phát triển do vậy, cần thiết phải giải quyết tình trạng thất nghiệp đã dẫn đến việc xuất khẩu và NKLĐ.
- Yếu tố về giới tính. Phụ nữ có xu hướng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ngoài nước bởi yếu tố văn hóa truyền thống và văn hóa xã hội tác động trực tiếp và gián tiếp lên các kỹ năng và tâm lý của họ trong công việc.
Về phương diện văn hóa xã hội, nhiều nơi vẫn quan niệm phụ nữ gắn liền với gia đình nên họ có ít cơ hội tham gia vào đào tạo kỹ năng hơn nam giới, cả trong hệ thống trường học, hay trong các trung tâm đào tạo việc làm. Hoặc khi được tham gia và đào tạo kỹ năng, do quan điểm về tính phù hợp cũng như sức khỏe, họ có khuynh hướng được đào tạo về những kỹ năng cho nữ giới như may mặc, dệt, làm tóc, nấu ăn,…thì thị trường kể cả trong và ngoài nước đều có ít nhu cầu.
Ngược lại nam giới thường có khuynh hướng được đào tạo các nghề mà thị trường có nhu cầu như nề, mộc, điện tử, xây dựng, sản xuất,…kết quả là lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài có ít các cơ hội lựa chọn về nghề nghiệp, thường họ hay tham gia vào giúp việc, dệt may,…
- Chính sách của các quốc gia. Chính sách quốc gia là một yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, mỗi chính sách lại có một tác động với các chiều hướng khác nhau vì vậy, cần đưa ra một chính sách mang tính chiến lược đúng đắn. Đặc biệt, chính sách giải quyết việc làm tác động đến công tác XKLĐ, đưa được nhiều người dân đi làm việc ở nước ngoài hơn, khuyến khích ưu đãi và tạo điều kiện cho người lao động có thể tăng thu nhập cho cá nhân và gia đình họ từ những công việc ở nước ngoài. Để làm được điều này thì cần phải có sự phối kết hợp các chính sách khác nhau như chính sách đào tạo nghề, đào tạo tiếng nước ngoài, chính sách cho vay vốn đối với lao động có nhu cầu đi XKLĐ.
Hầu hết các quốc gia đều nhận thấy vai trò của hoạt động XKLĐ nằm trong chương trình việc làm quốc gia và luôn mong muốn chiếm lĩnh thị trường XKLĐ nhằm giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, trong hoạt động này cần có sự giám sát, điều hành, quản lý của Nhà nước nếu không các công ty, doanh nghiệp được phép hoạt động trong lĩnh vực này vì lợi nhuận thì mà có những hoạt động vi pháp. Hoạt động XKLĐ là một hoạt động mang tính chất mở, không phải là tình trạng tự cung tự cấp của một quốc gia, nó là hoạt động mang tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Vì thế, quan hệ đối ngoại hay quan hệ kinh tế, chính trị của các quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động này.
- Yếu tố ngôn ngữ, phong tục tập quán của các quốc gia. Các quốc gia hầu như rất coi trọng điều này, họ thường tiếp nhận những lao động ở những nước có nền văn hóa khá tương đồng với nước mình. Điều này sẽ khiến họ thuận lợi hơn trong công việc và giảm lo lắng về tình trạng lao động ngoài nước có những hành vi đi ngược lại đạo đức xã hội. Tuy nhiên, khả năng ngôn ngữ lại mang tính quyết định, nhưng khả năng chuyên môn cũng không kém phần quan trọng do đó, những năm qua Hoa Kỳ nhập hàng chục nghìn người mỗi năm từ Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu về máy tính và các ngành kinh doanh khác vì các lập trình viên Ấn Độ giỏi hơn mà họ có khả năng tiếng Anh tốt hơn Trung Quốc.
- Yếu tố pháp luật. Xuất khẩu lao động chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường chính trị và pháp luật của các nước xuất, nhập khẩu lao động và luật pháp
quốc tế. Đối tượng tham gia XKLĐ là người lao động và các tổ chức kinh doanh XKLĐ, XKLĐ không còn là việc làm của một cá nhân, mà liên quan đến nhiều người, nhiều tổ chức cung ứng lao động, đến các nước XKLĐ, NKLĐ. Vì vậy, quản lý XKLĐ ngoài việc phải tuân thủ những quy định, những chính sách, những hình thức, quy luật của quản lý kinh tế, còn phải tuân thủ những quy định về quản lý nhân sự của cả nước xuất cư và nhập cư.
- Chất lượng nguồn cung lao động và cơ cấu ngành nghề cần nhập khẩu. Cơ cấu ngành nghề mà nước NKLĐ có nhu cầu tuyển chọn lao động nước ngoài cũng làm ảnh hưởng đến cung của nước xuất khẩu. Có thể nước XKLĐ họ thừa nhân lực lao động nhưng không phải là loại hình lao động mà nước nhập khẩu cần thì họ cũng không thể xuất khẩu được, đó cũng là lý do tại sao nói XKLĐ là hoạt động mang tính chất hai chiều, nó phải xuất phát từ nhu cầu của nước nhập khẩu và khả năng có của nước xuất khẩu. Đối với lao động có tay nghề thì nhu cầu ở mỗi nước cũng khác nhau, vì thế lao động có nghề có lợi thế hơn trong việc tuyển chọn đi lao động nước ngoài.
1.2. Tiêu chí đánh giá thực trạng xuất khẩu lao động