Tiếp tục tập trung đẩy nhanh thực hiện việc hình thành và hoạt động của các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Trên thực tế, những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt tỷ trọng cao vẫn còn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguồn nguyên liệu. Ví dụ như ngành dệt may dù là một những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta nhưng cũng chỉ mới tập trung và phát triển ở khâu may, trong khi chuỗi sản xuất của ngành là dệt – nhuộm – may, trong khi đó phát triển ngành dệt và nhuộm gặp nhiều khó khăn về vốn và vướng ở một số quy định nước thải ra môi trường. Chính vì thế mà nhiều năm qua, ngành dệt may và da giày Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho
nước ngoài và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy, chỉ khi ngành phụ liệu phát triển thì ngành sản xuất mới phát triển tốt. Các doanh nghiệp ở các nước có ngành phụ trợ phát triển tốt khi đi đầu tư ra nước ngoài họ luôn tạo áp lực cho các doanh nghiệp tại nơi họ đến trong khi các doanh nghiệp phụ trợ các nước đó cũng luôn ưu tiên bán sản phẩm cho các doanh nghiệp nước họ. Nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đang rất nhiều triển vọng, nếu làm chủ được công nghệ, quy trình và hội nhập sâu vào các chuỗi sản xuất thì rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu. Bên cạnh đó, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước có ý nghĩa rất quan trọng về nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa đặc biệt khi xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường mà Việt Nam đã kí kết các hiệp định thương mại tự do, yếu tố nguyên liệu trong nước giúp thỏa mãn yêu cầu về các quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Dù khó khăn trong việc phát triển các ngành phụ trợ nhưng nội địa hóa các nguồn nguyên liệu gần như là giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển bền vững của các ngành hàng xuất khẩu.
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải tiến quy trình, thủ tục hải quan, đơn giản hoá thủ tục thu thuế, hoàn thuế và kiểm tra hải quan. Công tác cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan nói riêng cần được Bộ Tài chính ưu tiên quan tâm hàng đầu. Hai năm gần đây, với những nỗ lực của Bộ Tài chính, toàn ngành, cả lĩnh vực thuế và hải quan thì công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt nhiều kết quả tốt. Nhiều cải cách đã đề xuất triển khai trong một thời gian ngắn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận. Cụ thể trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính tập trung triển khai toàn diện trên nhiều mặt công tác từ các giải pháp cải cách về chính sách, thủ tục hành chính và các quy định, đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế, góp phần giảm thời gian nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với việc quyết liệt triển khai các giải pháp về chính sách và ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2015, đến nay số giờ nộp thuế đã cắt giảm được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế chỉ còn 117 giờ (đã đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19 của chính phủ đặt ra trong việc cắt giảm số giờ nộp thuế), đồng thời giảm được 8 lần
khai và nộp thuế GTGT, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính. Song song với các công việc nói trên, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ, ngành đo lường thời gian thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu nhằm xác định thời gian xử lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan khác để cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu. Mặc dù các kết quả cải cách này sẽ được Ngân hàng Thế giới ghi nhận đầy đủ vào Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 và 2018 nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng lợi ngay các cải cách này tại thời điểm văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành. Các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế của Bộ Tài chính đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá khá tốt. Như vậy, với những kết quả khả quan như trên thì Bộ Tài chính và các ban ngành liên quan cần liên tục rà soát và đổi mới hơn nữa công tác cải tiến quy trình, thủ tục hải quan, đơn giản hoá thủ tục thu thuế, hoàn thuế và kiểm tra hải quan … tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Ngoài ra việc tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi trong thanh toán quốc tế, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, dịch vụ hỗ trợ thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa.