So với các chi nhánh thuộc VIB và các chi nhánh ngân hàng bạn thì nợ quá hạn tại VIB Hai Bà Trưng không quá lớn nhưng tỷ lệ nợ quá hạn cũng đang ở mức khá cao. Con số nợ quá hạn của chi nhánh cho thấy: Chất lượng tín dụng tại VIB Hai Bà Trưng chưa thực sự tốt. Chi nhánh phải thường xuyên giám sát khoản vay, kiểm tra hạn mức tín dụng, thường xuyên gặp gỡ khách hàng và thẩm định thực tế.
Cần coi trọng hơn nữa vào khâu thẩm định và đầu tư vào những khoản vay vốn một cách tốt hơn nữa, làm tốt được khâu này có nghĩa là phải giảm nhẹ cho các khâu theo dõi quá trình cho vay cũng như quá trình thu hồi nợ. Làm tốt công tác thẩm định không có nghĩa là làm cho thủ tục vay trở nên phức tạp lên mà ở đây phải nâng cao chất lượng của khâu này. Thế chấp và tín chấp phải được phát huy trên cơ sở đã làm tốt của chi nhánh. Chỉ có như thế chi nhánh mới giảm nợ quá hạn trên tổng dư nợ của mình xuống một mức độ cho phép.
Để thực hiện tốt những khâu trong quá trình ngăn chặn sự gia tăng của nợ quá hạn, ta cần phải có những giải pháp cụ thể như sau:
Một là,VIB Hai Bà Trưng cần nhìn đúng thực trạng dư nợ để có biện pháp thích hợp xử lý nợ quá hạn phát sinh, quá trình xử lý phải tuân thủ đúng cơ chế hiện hành kết hợp với các biện pháp xử lý linh hoạt vừa tránh tổn thất cho chi nhánh, đồng thời giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn. VIB Hai Bà Trưng cần tìm hiểu nguyên nhân khách hàng vay vốn không trả được nợ vay đúng hạn.Từ đó chi nhánh có thể phân tích nguyên nhân nợ quá hạn phát sinh và đánh giá thực trạng nợ của từng hồ sơ nợ tín dụng theo loại hình kinh tế và thời hạn cho vay, về khả năng thu hồi vốn để có biện pháp xử lý.
Hai là, tư vấn cho khách hàng nhằm khôi phục tình hình tài chính. Nhân viên chi nhánh có thể cùng trao đổi hoặc bàn bạc về những vấn đề khách hàng đang gặp phải, có thể đưa ra lời khuyên cho khách hàng về cách thức bán hàng, cách thức tổ chức quản lý, giới thiệu cho khách hàng các chuyên gia trong lĩnh vực mà khách hàng còn gặp khó khăn.
Ba là, khuyến khích thu hồi các khoản nợ trả chậm, sự trả chậm tiền hàng từ phía các đối tác làm khách hàng bị thiếu hụt vốn trong kinh doanh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đế sự an toàn và ổn định nguồn vốn cũng như hoạt động của khách hàng, chi nhánh có thể tư vấn cho khách hàng các cách thức thu hồi nợ, làm giảm giá trị các khoản phải thu để doanh nghiệp có nguồn vốn đảm bảo cho SXKD.
Bốn là, gia hạn nợ cho khách hàng, giúp khách hàng có thể duy trì uy tín trong hoạt động kinh doanh của mình, giúp khách hàng tránh được kiện tụng, giảm bớt các chi phí cho hoạt động pháp lý. Việc áp dụng các biện pháp này có thể giúp cho chi nhánh thu hồi đầy đủ khoản tín dụng sau này, khi khách hàng có cơ hội để khôi phục lại điều kiện kinh doanh để có điều kiện trả nợ.
Năm là, trong trường hợp không thể gia hạn nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ thì chi nhánh động viên, thuyết phục khách hàng tự nguyện bán tài sản để trả nợ thì được giảm trừ lãi suất quá hạn và lãi suất trong hạn. Đối với những trường hợp khách hàng cố tình trây ì thì ngân hàng cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cơ
quan pháp luật, kiên quyết buộc con nợ giao tài sản cho ngân hàng quản lý để cho thuê hoặc phát mại nhằm thu hồi vốn.
Sáu là, chi nhánh cần cử cán bộ tín dụng đi xem xét lại tình hình thực tế của khách hàng để đưa ra quyết định xiết nợ khi khoản nợ của khách hàng bị chuyển sang khoản nợ nhóm 3.
Bảy là, một cơ chế tín dụng thích hợp với từng loại hình doanh nghiệp trong từng lĩnh vực ngành nghề sẽ làm giảm nợ quá hạn. Cơ chế tín dụng phải phù hợp với đặc điểm sản xuất của các đơn vị có nhu cầu vốn thường xuyên sẽ tránh được ứ đọng hay nợ quá hạn.
Tám là, giao chỉ tiêu thu hồi nợ quá hạn đến từng cán bộ tín dụng, khuyến khích trả lương kinh doanh, để đạt danh hiệu thi đua thì buộc các cán bộ tín dụng phải hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ quá hạn. Đồng thời định kỳ xét thưởng cho các cá nhân có thành tích trong xử lý nợ quá hạn.