Nâng cao chất lượng công tác xử lý TSBĐ.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng bảo đảm tín dụng tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh cầu giấy khoá luận tốt nghiệp 070 (Trang 79 - 80)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO ĐẢM TÍN DỤNG TẠI NHNo&PTNT CHI NHÁNH CẦU GIẤY.

3.2.1.6. Nâng cao chất lượng công tác xử lý TSBĐ.

Trong trường hợp khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng sử dụng đến nguồn thu nợ thứ hai là TSBĐ. Tài sản bảo đảm được xử lý theo phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo đảm tài sản. Trong trường hợp các bên không xử lý được tài sản theo phương thức đã thỏa thuận thì ngân hàng có quyền chủ động áp dụng các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật như ngân hàng có thể bán, chuyển nhượng tài sản để thu nợ, ngân hàng nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, ngân hàng có thể ủy quyền việc bán đấu giá tài sản cho Trung tâm bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Việc phát mại TSBĐ nếu được thực hiện một cách đơn giản, nhanh chóng đảm bảo được quyền lợi của các bên thì sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc thu hồi khoản nợ cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí. Trong trường hợp lợi ích của các bên mâu thuẫn với nhau thì rất dễ xảy ra tranh chấp, trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì cần có sự can thiệp của tòa án, biện pháp này dễ gây tổn thất cho ngân hàng, khoản nợ có thể không được thu hồi đầy đủ mà lại tốn thời gian. Chi nhánh cần linh hoạt trong mỗi tình huống để lựa chọn phương án xử lý tốt nhất nhằm tối thiểu hóa chi phí và hạn chế tổn thất.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng xử lý tài sản, chi nhánh cần thực hiện:

Trong công tác phát mại TSBĐ cần quy định rõ cách thức áp dụng đối với từng đối tượng khách hàng và TSBĐ. Nếu khách hàng có thiện chí trong việc trả nợ, họ đã tận thu mà vẫn không trả được nợ thì chi nhánh nên tạo điều kiện cho họ tự phát mại tài sản, thu hồi đúng và đủ giá trị thực của tài sản, từ đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho chi nhánh. Biện pháp này vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí cho chi nhánh, vừa

đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp khách hàng có thiện chí hợp tác trong việc xử lý tài sản. Trong trường hợp tài sản là máy móc, dây chuyền thiết bị không đồng bộ chi nhánh cần tham khảo ý kiến chuyên môn từ đó chọn giải pháp bán trọn bộ hay xé lẻ sao cho có lợi nhất.

Để khắc phục hạn chế về thời gian xử lý TSBĐ, chi nhánh có thể thành lập một bộ phận chuyên về xử lý nợ quá hạn cũng như xử lý TSBĐ để trong trường hợp cần thiết bộ phận này có thể áp dụng các biện pháp vừa mang tính thuyết phục vừa mang tính cưỡng chế để thu hồi nhanh chóng các khoản nợ quá hạn, tiết kiệm được thời gian, chi phí.

Việc thành lập ban thu hồi nợ và xử lý rủi ro tại chi nhánh đã giúp cho việc xử lý TSBĐ được thực hiện thuận lợi hơn. Vì vậy chi nhánh cần đẩy mạnh hiệu quả của ban này hơn nữa để góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm tài sản. Ban xử lý, thu hồi nợ cần xác định mục tiêu trong từng giai đoạn; trong việc xử lý thu hồi nợ, cần thực hiện nhanh chóng việc phát mại TSBĐ; tăng cường mối quan hệ với các cơ quan hữu quan , các tổ chức kinh tế để tạo điều kiện xử lý thu hồi nợ được thuận lợi.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng bảo đảm tín dụng tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh cầu giấy khoá luận tốt nghiệp 070 (Trang 79 - 80)