Đánh giá chung về việc triển khai dịchvụ bảo hiể my tế ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm y tế về chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế ở Việt Nam. (Trang 100 - 106)

3.1.4.1. Một số kết quả đạt được

-Thể chế hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW của bộ Chính trị về phát triển BHXH, BHYT và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 với nhiều quy định mới có tính đột phá, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển chính sách BHYT và sự quyết tâm trong tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Từ chỗ năm 2012, tỉ lệ bao phủ BHYT của cả nước dưới 65% dân số thì đến cuối năm 2020 con số này đạt trên 90% dân số, đạt trên 87 triệu người. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Do đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi.

-Quyền lợi của người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng,

chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tham gia BHYT chiếm tỷ trọng chính trong nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnhviện. Các loại thuốc thuộc quỹ BHYT thanh toán cũng được mở rộng, tốt hơn nhiều so với trước đây. Nhiều danh mục thuốc tốt được sử dụng trong lĩnh vực điều trị ung thư được quỹ BHYT thanh toán; hàng chục loại thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tim mạch đều thuộc quỹ BHYT chi trả. Nói chung, các thuốc tân dược và nhóm thuốc từ dược liệu thuộc phạm vi chi trả từ quỹ BHYT theo danh mục của Bộ Y tế đã đáp ứng được nhu cầu điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như can thiệp tim mạch, mổ tim hở, phẫu thuật bằng dao gamma; tạo hình vòm sọ và thay khớp; keo sinh học điều trị rò dịch não tủy, thoát vị nền sọ, rò mỏm cắt phế quản, phẫu thuật phình tách động mạch chủ; van dẫn lưu nhân tạo; bộ dụng cụ để bít thông liên nhĩ, thông liên thất, v.v… đều được quỹ BHYT thanh toán. Tính đến hết năm 2020 có trên 15.000 cơ sở y tế đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với ngành BHXH, trên 10.000 trạm y tế xã đã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Việc đảm bảo nguồn tài chính cho bệnh viện đã được cơ quan BHXH thực hiện đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (tạm ứng 80% kinh phí khám, chữa bệnh ngay từ đầu mỗi quý).

-Đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nhằm giảm dần việc cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế và chuyển sang hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHYT nhằm thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời bảo đảm tính công bằng trong đánh giá hiệu quả hoạt động giữa các cơ sở y tế trên cả nước, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT và thúc đẩy việc tham gia BHYT.

-Công tác giám định chi phí KCB BHYT và đảm bảo quyền lợi của

người tham gia BHYT được tập trung cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng quản lý, tăng khả năng giám sát, kiểm soát, đã bám sát và phù hợp với định hướng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT, góp phần nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan BHXH,

cơ sở khám, chữa bệnh cũng như tăng cường hiệu quả công tác giám định, thanh toán chi phí và sử dụng quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã hoàn thành chương trình thí điểm giám định tập trung theo tỷ lệ và được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trên toàn quốc, quy trình giám định BHYT được thay thế, phần mềm giám định và thanh toán BHYT được tập trung triển khai. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã chủ động tham gia đầy đủ vào quá trình đấu thầu mua thuốc đã góp phần quản lý giá thuốc, danh mục thuốc BHYT, tích cực giám sát, quản lý quỹ BHYT theo đúng quy định, hạn chế tình trạng lãng phí, lạm dụng quỹ BHYT.

Có thể nói dịch vụ BHYT trong những năm qua đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho người dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp ansinh và phát triển xã hội. Đặc biệt, từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21- NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân và cơ quan BHXH đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương chính sách BHYT. Nhờ đó, công tác BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách BHYT được nâng lên; hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT từng bước được hoàn thiện, thủ tục hành chính trong việc giải quyết các quyền lợi cho người dân ngày được cải tiến và rút gọn; tổ chức bộ máy BHXH các cấp được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả và chuyên nghiệp; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng và thực hiện tốt hơn; Quỹ BHYT đã thanh toán khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT chính thức đi vào hoạt động từ quý 2/2016 là mốc quan trọng của ngành y tế và BHXH trong việc thực hiện chính sách BHYT. Hệ thống hoạt động trực tuyến cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc, giúp việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả, kịp thời; giúp cho việc giám định nhanh chóng, chính xác hồ sơ khám, chữa bệnh; kiểm

soát và ngăn chặn sự lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi và sự hài lòng cho người tham gia BHYT trong khám chữa bệnh BHYT.

Như vậy, việc triển khai dịch vụ BHYT tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Việc nâng tỷ lệ bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng gặp nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm. Với Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ BHYT lên hơn 90% vào năm 2020, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đã giao năm 2013 là 80%, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc chăm lo đời sống nhân dân.

3.1.4.2. Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dịch vụ BHYT tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững, bao gồm cả tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, thu – chi quỹ BHYT và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi, sự hài lòng cho người tham gia BHYT...

-Trong công tác quán triệt, phổ biến Nghị quyết liên quan đến chính sách BHYT,

một số cấp uỷ đảng còn chưa sâu rộng, có nơi mang tính hình thức, chủ yếu mới chỉ đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảng viên trong hệ thống chính trị mà chưa đến đối tượng đóng, hưởng chế độ BHYT, nhất là tại vùng sâu, vùng xa... Cơ quan BHXH một số tỉnh, thành phố, quận, huyện chưa thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của bộ Chính trị. Một số cấp uỷ đảng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa cập nhật thông tin về chính sách BHYT.

-Công tác truyền thông về chính sách, pháp luật BHYT đạt hiệu quả

chưa cao: việc tổ chức thực hiện chưa có tính chiến lược; đôi khi còn thụ động,

thật sự chặt chẽ, thiếu đồng bộ; phương pháp thực hiện còn thiếu tính chuyên nghiệp, chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông xã hội. Nhiều đối tượng chưa biết đến các chế độ chính sách BHYT, đây là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng tham gia BHYT chưa như mong muốn. Người lao động ở khu vực phi chính thức, nhân dân vùng sâu, vùng xa ít được tiếp cận các chính sách BHYT. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân trong ngành BHXH về công tác truyền thông còn hạn chế, thậm chí xem nhẹ hoặc coi đó là nhiệm vụ của lãnh đạo ngành và cơ quan chuyên môn. Sự quan tâm của một số đơn vị trong ngành về công tác thông tin, tuyên truyền chưa đúng mức, hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức cán bộ truyền thông còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chậm được củng cố, kiện toàn. Công tác nắm bắt dư luận, định hướng chính trị tư tưởng, đấu tranh, phản biện trước các quan điểm, thông tin, phát ngôn sai trái, lệch lạc về chính sách BHYT còn hạn chế, chưa phát huy vai trò chủ động, tích cực.

-Các quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa

đồng bộ: Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014 có hiệu

lực, một số thủ tục hành chính lần đầu tiên áp dụng trong triển khai BHYT theo hộ gia đình đã phát sinh vướng mắc nhất định về thủ tục tham gia, BHYT đối với học sinh, sinh viên gây bức xúc trong xã hội (do việc đầu năm học, học sinh phải đóng nhiều khoản cùng lúc). Theo Thông tư liên bộ số 41/2014/TTLT-BYT- BTC về việc hướng dẫn thực hiện BHYT, học sinh, sinh viên có thể đóng 6 tháng hoặc 1 năm một lần, do đó, tại một số tỉnh, nhà trường quy định học sinh phải nộp 1 lần 15 tháng BHYT là chưa phù hợp. Mặt khác, do đến đầu năm học, học sinh phải đóng nhiều khoản nên chỉ tăng chút ít cũng gây tâm lý không tốt.

- Thủ tục hành chính về BHYT còn nhiều bất cập: Trong quá trình KCB

BHYT, người bệnh phải nộp tiền tạm ứng nhiều lần trước khi khám, trong khi khám và sau mỗi lần được chỉ định xét nghiệm. Biểu mẫu thanh toán giữa bệnh viện với người bệnh có nhiều chữ ký xác nhận, trung bình lên tới 5 chữ ký/ phiếu thanh toán ra viện. Người bệnh phải tựphoto nhiều giấy tờ trước và trong khi

khám bệnh như: thẻ BHYT, chứng minh nhân dân / căn cước công dân, giấy chuyển viện, v.v. Nhiều cơ sở KCB BHYT thiếu thông tin hướng dẫn hoặc bộ phận hướng dẫn quy trình KCB BHYT. Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến thời gian chờ đợi kéo dài khi làm thủ tục KCB BHYT. Với những cơ sở KCB BHYT tại tuyến Trung ương, tình trạng chen lấn khi làm thủ tục KCB BHYT còn diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra, người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong chuyển tuyến, thanh toán BHYT như: thủ tục giấy tờ phức tạp, thời gian xử lý thủ tục mất nhiều thời gian, v.v…

-Chi phí KCB BHYT có xu hướng ngày càng tăng cao, dẫn đến bội chi quỹ BHYT trong 4 năm liên tiếp từ năm 2016 đến năm 2019. Sự gia tăng chi phí

KCB BHYT do nhiều nguyên nhân: (i) Do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mức đóng BHYT thấp nhưng quyền lợi mở rộng. Hiện nay, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán hơn 18.000 dịch vụ kĩ thuật, hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm nhưng rất ít dịch vụ, thuốc trong số này có quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán. Bên cạnh đó, quy định người bệnh được hưởng quyền lợi không cùng chi trả khi tham gia BHYT 5 năm liên tục cũng làm mất cơ chế cùng kiểm soát chi phí KCB BHYT. (ii) Quy định thông tuyến dẫn đến việc một số cơ sở y tế tìm cách thu hút người dân đến khám chữa bệnh hoặc người có thẻ BHYT đi khám nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng tại nhiều cơ sở y tế. (iii) Phương thức thanh toán theo giá dịch vụ cũng “khuyến khích” cơ sở khám chữa bệnh tăng chỉ định dịch vụ kĩ thuật, lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, dẫn đến gia tăng chi phí và trục lợi quỹ từ phía cơ sở khám chữa bệnh cũng như người tham gia BHYT.

-Quy định về danh mục thuốc và vật tư y tế được quỹ BHYT chi trả vẫn còn một số bất cập: một số thuốc rất cần thiết và điều trị bệnh hiệu quả cao

nhưng chưa được đưa vào danh mục BHYT như thuốc Rituximab điều trị bệnh Waldenstrom, thuốc Mycophenolat và Tacrolimus điều trị lupus ban đỏ, v.v. Một số loại kháng sinh chỉ được quỹ BHYT thanh toán khi có kết quả kháng sinh đồ đã làm chậm trễ quá trình điều trị của các bệnh nhân nặng. Một số loại thuốc đặc trị chỉ được quy định cho một số bệnh lý nhất định, trong khi thuốc được chỉ

định sử dụng hiệu quả cho nhiều bệnh lý khác nhau. Chẳng hạn, quỹ BHYT không thanh toán thuốc Zoledronic acid cho người bệnh bị đau tủy xương mà chỉ thanh toán cho người bệnh ung thư có bằng chứng di căn xương, mặc dù thuốc Zoledronic acid điều trị tổn thương xương rất hiệu quả trong bệnh đau tủy xương.

-Về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Mặc dù đã có những

chuyển biến rất rõ nét, nhưng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT vẫn cần được tiếp tục cải tiến để đáp ngày càng tốt hơn với sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Cơ sở vật chất của cơ sở KCB BHYT tại tuyến quận, huyện còn nghèo nàn, lạc hậu, khôngthực hiện được những phẫu thuật, thủ thuật, xét nghiệm phức tạp. Nơi ngồi chờ KCB BHYT bất tiện, nóng nực. Trình độ y, bác sĩ tại các cơ sở này cũng còn nhiều hạn chế. Điều này tạo ra tâm lý không tốt của người dân về chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.

- Về công tác phát triển đối tượng và tăng tỷ lệ bao phủ BHYT. Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT mới chiếm khoảng trên 90% dân số, vẫn còn gần 10% dân số chưa tham gia BHYT (tương đương với khoảng 10 triệu người). Đến nay, đa số các đối tượng chưa tham gia BHYT là những đối tượng sống ở khu vực nông thôn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; thân nhân của người lao động; xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… Đó là các nhóm đối tượng khó vận động hơn vì họ phải tự bỏ tiền túi để tham gia BHYT. Vì vậy cần có các giải pháp quyết liệt, tổng thể, toàn diện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới có thể thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân theo quy định.

3.2.Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng về chất lượngdịch vụ bảo hiểm y tế ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm y tế về chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế ở Việt Nam. (Trang 100 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w