Bản chất của bảo hiể my tế

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm y tế về chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế ở Việt Nam. (Trang 53 - 55)

Xuất phát từ các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như khái niệm mà tác giả đề xuất thì bản chất của BHYT thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

-Bảo hiểm y tế là nhu cầu khách quan và đa dạng của xã hội, đặc biệt là trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Nền kinh tế càng phát triển thì BHYT càng phát triển và đa dạng hơn. Vì vậy, sự phát triển của nền kinh tế chính là nền tảng vững chắc cho BHYT phát triển.

-Bảo hiểm y tế luôn được coi là chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách ASXH của mỗi quốc gia, cùng với BHXH và trợ giúp xã hội. Sở dĩ, BHYT được coi là chính sách trụ cột bởi nó có độ bao phủ rất lớn, số lượng người tham gia hết sức đông đảo, trong đó có một bộ phận rất lớn là những người lao động - lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất, là động lực phát triển của xã hội. Hơn nữa, BHYT là một chính sách bền vững nhờ có nguyên tắc đóng - hưởng. Người tham gia BHYT phải đóng góp vào quỹ BHYT thì mới được hưởng quyền lợi chi trả chi phí y tế khi ốm đau, bệnh tật; nhờ đó mà quỹ BHYT luôn có tính ổn định và bền vững. Một khi BHYT phát triển, số người tham gia đông đảo thì giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước.

- Bảo hiêm y tế góp phần vào quá trình tái phân phối lại thu nhập giữa những người tham gia. Quỹ BHYT được sử dụng chủ yếu để chi trả chi phí y tế cho những người tham gia khi họ gặp phải những rủi ro về mặt sức khỏe. Theo nguyên tắc cộng đồng chia sẻ rủi ro, tổng số người tham gia đóng góp chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với số người ốm đau, bệnh tật. Chia sẻ rủi ro và san sẻ tài chính là nội dung quan trọng nhất thể hiện bản chất BHYT.

- Mối quan hệ trong BHYT là mối quan hệ phức tạp, nhiều bên. Đại đa số các nước trên thế giới khi triển khai BHYT đều thành lập ra một cơ quan, đơn vị sự nghiệp quản lý BHYT. Người tham gia BHYT đóng góp vào quỹ BHYT do cơ quan này quản lý. Sau đó, khi bệnh tật, ốm đau, họ sẽ được cơ quan quản lý BHYT trực tiếp chi trả chi phí khám chữa bệnh, hoặc cơ quan quản lý

BHYT sẽ chi trả cho cơ sở khám chữa bệnh. Như vậy, trong BHYT ít nhất sẽ có mối quan hệ giữa ba bên: người tham gia, cơ quan

BHYT và cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Đối với BHYT bắt buộc, mối quan hệ phức tạp hơn khi người tham gia BHYT bao gồm cả người lao động và chủ sử dụng lao động.

-Bảo hiểm y tế không chỉ là một chính sách ASXH, mà còn là một dịch vụ bảo hiểm công do Nhà nước tổ chức thực hiện. BHYT là một dịch vụ đặc biệt (Michael, 2007). Thứ nhất, BHYT là một dịch vụ không mong đợi. Mặc dù đã tham gia nhưng người tham gia hoàn toàn không mong muốn những rủi ro về sức khỏe xảy ra. Bởi lẽ khi rủi ro xảy ra thì đồng nghĩa với đó là những thương tích, thiệt hại về sức khỏe mà số tiền bảo hiểm khó có thể bù đắp được. Nói cách khác, dù đã mua BHYT nhưng người tham gia BHYT không mong muốn rủi ro xảy ra để hưởng quyền lợi từ BHYT. Thứ hai, BHYT có chu trình hạch toán đảo ngược. Không giống như trong các lĩnh vực kinh doanh khác, giá cả của sản phẩm, dịch vụ được xác định dựa trên cơ sở chi phí thực tế phát sinh. Đối với BHYT, mức đóng góp của người tham gia bảo hiểm được xác định dựa theo những số liệu ước tính về các chi phí y tế có thể phải chi trả trong tương lai. Cơ quan BHYT không thể xác định chính xác chi phí thực tế phát sinh tại thời điểm người dân tham gia BHYT. Do đó, nhiều người dân có thể cho rằng mức đóng góp là quá cao so với số tiền chi trả BHYT họ nhận được. Cuối cùng, BHYT có hiệu quả không xác định. Điều này có nghĩa là không phải bất cứ đối tượng nào tham gia BHYT cũng đều nhận được số tiền chi trả BHYT. Họ chỉ được chi trả BHYT khi gặp những rủi ro về sức khỏe và sử dụng dịch vụ KCB BHYT. Do đó, nếu người dân nghĩ rằng tình trạng sức khỏe của họ là rất tốt, không ốm đau bệnh tật họ sẽ ngần ngại trong việc tham gia BHYT. Đây chính là rào cản về mặt tâm lý trong quá trình mở rộng diện bao phủ BHYT.

- Mục tiêu của BHYT là cải thiện tình trạng sức khỏe, chia sẻ rủi ro, san sẻ tài chính giữa những người tham gia, giảm các khoản chi y tế từ tiền túi mà họ phải bỏ ra, góp phần đảm bảo ASXH. Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước

trên thế giới còn xác định rõ, mục tiêu của BHYT là phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm y tế về chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế ở Việt Nam. (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w