Khái niệm và phân loại bảo hiể my tế

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm y tế về chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế ở Việt Nam. (Trang 49 - 53)

Bảo hiểm y tế là một trong những loại hình bảo hiểm có lịch sử lâu đời. Bộ Luật BHYT đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1883 tại nước Phổ (ngày nay là CHLB Đức). Sau đó, nhiều quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu cũng ban hành và triển khai chính sách BHYT. Sự ra đời của BHYT bắt nguồn từ nhu cầu thiết yếu của con người về một cơ chế xã hội trên diện rộng với sự hỗ trợ từ Nhà nước để chia sẻ những chi phí tổn thất khi bệnh tật, ốm đau. Đó là một công cụ tương trợ cộng đồng văn minh và hữu hiệu nhất để nhân loại phòng ngừa, chống đỡ lại với rủi ro về mặt sức khỏe - loại rủi ro xảy ra thường xuyên với con người. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hệ thống BHYT và nó trở thành một trong những chính sách xã hội quan trọng để đảm bảo ASXH cho người dân.

Có rất nhiều khái niệm khác nhau về BHYT. Theo công ước số 102 ngày 28/06/1952 của Tổ chức Lao động thế giới ILO (International Labor Organization) về Những tiêu chuẩn tối thiếu của một chế độ ASXH, BHYT chính là chế độ chăm sóc y tế trong hệ thống ASXH. ILO đã đưa ra định nghĩa về BHYT: BHYT (chế độ chăm sóc y tế) là loại hình bảo hiểm do Nhà nước đứng ra tổ chức và quản lý, nhằm huy động sự đóng góp từ các thành viên trong xã hội để khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế cho người dân.

Các nhà nghiên cứu và học giả ở Việt Nam cũng đưa ra khá nhiều khái niệm khác nhau về BHYT. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (2011), BHYT là “loại bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, quản lý nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội để chăm lo sức khỏe, khám bệnh và chữa

bệnh cho nhân dân”. Cụ thể hơn, BHYT là một chính sách xã hội của Nhà nước nhằm huy động nguồn tài chính từ Ngân sách nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động và các nguồn khác. Nguồn lực tài chính này hình thành nên quỹ BHYT, quỹ này được sử dụng chủ yếu vào mục đích chi trả chi phí khám chữa bệnh cho những người tham gia BHYT. Theo Nguyễn Văn Định (2014), BHYT là chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện với mục tiêu huy động sự đóng góp của các cá nhân và tập thể để thanh toán những chi phí y tế cho người tham gia BHYT.

Những khái niệm nêu trên đều đề cập đến BHYT Nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BHTM cũng triển khai nghiệp vụ BHYT tư nhân. BHYT tư nhân là nghiệp vụ bảo hiểm cho những chi phí y tế liên quan đến những rủi ro về sức khỏe và tính mạng của người mua bảo hiểm.

Như vậy, BHYT bao gồm có hai hình thức khác nhau đó là BHYT xã hội và BHYT tư nhân. BHYT xã hội là hình thức bảo hiểm do Nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, còn BHYT tư nhân là hình thức bảo hiểm được tổ chức triển khai bởi các doanh nghiệp BHTM. BHYT xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà có mục tiêu là chăm sóc sức khỏe cho người dân, giúp họ thanh toán những chi phí y tế phát sinh khi gặp phải những rủi ro về mặt sức khỏe, từ đó đảm bảo ASXH. Do đó, quỹ BHYT xã hội ngoài sự đóng góp của những người tham gia BHYT còn có sự hỗ trợ và bù thiếu từ Ngân sách Nhà nước. Nhà nước thường hỗ trợ mức tham gia đóng góp cho những đối tượng yếu thế trong xã hội như: các hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, vv... Ngược lại, BHYT tư nhân hoạt động với mục tiêu chủ yếu là lợi nhuận. Chính vì vậy, quỹ BHYT tư nhân do những người tham gia bảo hiểm đóng góp và không có sự hỗ trợ từ NSNN. Nguyên tắc hạch toán của quỹ BHYT tư nhân là nguyên tắc hạch toán kinh doanh có lãi.

Đứng trên góc độ tài chính y tế và vấn đề công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, BHYT xã hội lại được chia thành ba loại (Trần Quang Lâm, 2016), đó là: BHYT tự nguyện, BHYT bắt buộc và BHYT xã hội dựa vào cộng

đồng.

+ Bảo hiểm y tế tự nguyện: với loại hình này, việc tham gia BHYT là tự nguyện, người dân có quyền lựa chọn việc tham gia BHYT. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, loại hình bảo hiểm này thường không tồn tại được lâu bởi hai lý do. Thứ nhất, người dân thường ít quan tâm tham gia BHYT vì mức phí BHYT tự nguyện cũng thường khá cao so với thu nhập của họ. Thứ hai, tỷ lệ tham gia của những người bị ốm cao hơn nhiều lần so với những người bình thường, dẫn đến kết quả mất cân bằng quỹ BHYT.

+ Bảo hiểm y tế bắt buộc: ở loại hình này, việc tham gia BHYT là bắt buộc đối với những người lao động có hợp đồng lao động theo quy định của luật pháp. Nhà nước cũng đưa ra quy định cụ thể về mức phí tham gia BHYT cho người lao động và người sử dụng lao động. Do có tính bắt buộc và cưỡng chế của pháp luật, nên loại hình BHYT này được triển khai dễ dàng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.

+ Bảo hiểm y tế xã hội dựa vào cộng đồng: đây là loại hình có sự kế hợp giữa cả hai loại hình BHYT nói trên. Pháp luật quy định một số nhóm đối tượng nhất định bắt buộc tham gia BHYT, các nhóm đối tượng còn lại tham gia BHYT trên tinh thần

tự nguyện. Ở loại hình này, số người tham gia BHYT chiếm tỷ trọng cao trong dân số, nhờ đó nguồn thu của quỹ BHYT lớn và ổn định. Như vậy, cả người ốm và người có sức khỏe tốt đều tham gia BHYT, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cũng trở nên công bằng hơn. Nhờ những ưu điểm vượt trội nói trên, hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều xây dựng chính sách theo loại hình BHYT này.

Phạm vi nghiên cứu của luận án này là BHYT xã hội, bởi lẽ ở Việt Nam tính đến hết năm 2020, tỷ lệ bao phủ của BHYT xã hội đã đạt khoảng 90% dân số. Mặc dù loại hình BHYT tư nhân đã xuất hiện ở nước ta và có sự phát triển nhanh chóng, tuy nhiên nó chỉ hướng tới một bộ phận nhỏ dân cư có thu nhập cao. Để có sự thống nhất trong nghiên cứu, tác giả luận án cho rằng “BHYT là một chính sách ASXH do Nhà nước tổ chức thực hiện, mang tính chất

cộng đồng và chia sẻ rủi ro, dựa trên sự đóng góp của những người tham gia và sự hỗ trợ, bù thiếu từ Ngân sách Nhà nước, nhằm chi trả chi phí khám chữa bệnh cho những người tham gia khi họ gặp phải những rủi ro về mặt sức khỏe”.

Khái niệm nói trên đã thể hiện rất rõ những đặc trưng của BHYT như sau: + Bảo hiểm y tế là một chính sách ASXH của Nhà nước, do đó cũng là một chính sách xã hội. Không những thế, đây còn là một chính sách xã hội trụ cột nằm trong hệ thống các chính sách ASXH ở mỗi quốc gia. BHYT hết sức quan trọng vì có độ bao phủ rất lớn, số lượng người tham gia hết sức đông đảo, trong đó có một bộ phận rất lớn là những người sử dụng lao động và những người lao động - lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất và dịch vụ, là động lực phát triển của xã hội. Nhờ có BHYT, người lao động sẽ được chi trả những chi phí khám chữa bệnh nếu gặp những rủi ro về mặt sức khỏe, giúp họ ổn định tâm lý, yên tâm lao động sản xuất, tái sản xuất sức lao động, nâng cao năng suất lao động cá nhân và năng suất lao động xã hội.

+ Bảo hiểm y tế có tính cộng đồng, tính chia sẻ rủi ro rất cao giữa những người tham gia: chia sẻ rủi ro giữa những người khỏe mạnh với những người bệnh tật, ốm đau; chia sẻ rủi ro giữa người có thu nhập thấp và người có thu nhập cao; giữa các thành viên trong xã hội với Nhà nước, vv....

+ Quỹ BHYT - hạt nhân, nội dung vật chất của BHYT, được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của những người tham gia và có sự hỗ trợ, bù thiếu của Ngân sách Nhà nước khi cần thiết. Mục đích sử dụng chủ yếu và quan trọng nhất của quỹ BHYT là chi trả những chi phí y tế, chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia khi họ bệnh tật, ốm đau. Nguyên tắc hạch toán của quỹ BHYT là cân bằng thu - chi. BHYT hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

+ BHYT vừa có tính kinh tế, tính xã hội, vừa có tính dịch vụ. Tính kinh tế thể hiện chính ở sự đóng góp của người tham gia, là hình thức chi trả trước các chi phí KCB của họ. Tính xã hội thể hiện ở độ bao phủ của BHYT. Có lẽ không có loại hình bảo hiểm nào có độ bao phủ và người tham gia đông đảo như BHYT. Tính dịch vụ của BHYT thể hiện rõ nhất ở chỗ, ở đâu có BHYT thì ở

đó có đông đảo người tham gia. Ngoài ra, BHYT còn có tính nhân đạo và nhân văn cao cả.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm y tế về chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế ở Việt Nam. (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w