Thứ nhất, Nhà nước cần nghiên cứu ban hành những quy tắc cơ bản nhất trong giao dịch phái sinh, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ phù hợp với điều kiện thị trường của Việt Nam hiện nay, nhằm xây dựng một hành lang pháp lý chung cho hoạt động của các NHTM, tránh để các NHTM thực hiện nghiệp vụ mới một cách riêng lẻ, dẫn đến tình trạng không thống nhất, dễ gây ra tranh chấp khi có sự cố xảy ra; đồng thời hạn chế những rủi ro có thể có cho các NHTM và cho cả doanh nghiệp. Việc thống nhất các luật lệ liên quan đến công cụ phái sinh đã được ban hành trước đó thành một bộ luật dành riêng cho các công cụ phái sinh cũng là việc làm cần thiết nhằm tạo điều kiện để NHNN cũng như các NHTM có thể phát huy hết tính sáng tạo của mình trong việc phát triển nghiệp vụ phái sinh. Các ngân hàng thương mại có kinh doanh ngoại hối đều cần được cho phép thực hiện các nghiệp vụ phái sinh đầy đủ, nhằm tạo được một thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng, và cung cấp các sản phẩm tiện ích nhất cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Môi trường pháp lý cho thị trường phái sinh cần đảm bảo những yêu cầu sau:
- Phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể, các định hướng phát triển thị trường Việt Nam, tương thích với môi trường pháp lý quốc tế, nhằm đáp ứng quá trình đã và đang hội nhập
- Đảm bảo tính công khai, công bằng cho tất cả các nhà đầu tư, các bên tham gia giao dịch, trong đó cần có những biện pháp để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, tránh tình trạng lũng đoạn của các nhà đầu tư lớn. Nhà nước cần có những chính sách cung cấp các thông tin hữu ích, kịp thời đến các nhà đầu tư, các định chế tài chính có mặt trên thị trường. Trước mắt, nên thành lập các tổ chức chuyên nghiên cứu và phát triển các công cụ dự báo giá và công bố kết quả dự báo giá cả, đặc biệt là giá của một số mặt hàng quan trọng như vàng, ngoại tệ, ... qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua các tạp chí chuyên ngành để các nhà đầu tư có cơ sở phân tích và đưa ra các quyết định kinh doanh hay phòng ngừng rủi ro.
- Tăng cường, khuyến khích các thành viên tham gia thị trường phái sinh bằng các chính sách ưu đãi.
- Mở rộng mạnh mẽ quyền tham gia thị trường phái sinh đối với các đối tác nước ngoài
Thứ hai, Nhà nước cần hoàn thiện chế độ kế toán và quy định cụ thể về các giao dịch phái sinh. Cụ thể, Nhà nước cần có các hướng dẫn quy định cách tính toán thu nhập, chi phí, cách tính giá hạch toán, cách định giá, ... phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm giúp các NHTM, các doanh nghiệp thực hiện tốt việc theo dõi, quản lý nghiệp vụ phái sinh trong quá trình áp dụng.
Thứ ba, Nhà nước cần phát triển sâu hơn nữa thị trường tài chính - tiền tệ: Cần tăng quy mô của thị trường chứng khoán, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết và phát hành chứng khoán huy động vốn, đồng thời phát hành nhiều loại trái phiếu chính phủ với nhiều kỳ hạn đa dạng. Bên cạnh đó, sớm sửa đổi ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, theo kinh nghiệm từ các nước có thị trường tài chính phát triển: Loại trái phiếu của Chính phủ cũng như trái phiếu của chính quyền địa phương được miễn toàn bộ các loại thuế thu nhập. Ở Việt Nam, theo quy định của luật thuế, đối với các khoản thu nhập phát sinh từ trái phiếu chính phủ thì không phải chịu thuế thu nhập. Đối với trái phiếu chính quyền địa phương, các cá nhân đầu tư chứng khoán được miễn thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao cho phần thu nhập từ cổ tức, lãi trái phiếu, chênh lệch mua bán chứng chứng khoán, tuy nhiên, nhà đầu tư có tổ chức thì không được hưởng ưu đãi này. Thiết nghĩ, khi quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ thì việc áp dụng ưu đãi về thuế cho các loại chứng khoán sẽ không gây những biến động lớn. Vì vậy, Nhà nước nên sớm xem xét miễn toàn bộ thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập phát sinh từ trái phiếu, tạo nên động lực kinh tế khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đến loại trái phiếu này, thúc đẩy thị trường trái phiếu địa phương phát triển. Điều này, góp phần làm tăng lượng hàng hóa cho thị trường tài chính. Mặt khác, cho phép các công ty đầu tư chứng khoán mở rộng chức năng kinh doanh các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường. Là những định chế tài chính kinh doanh chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán, lợi thế về quy mô vốn và nắm rõ thông tin trên thị trường, vì vậy, việc mở rộng các nghiệp vụ phát sinh của các công ty kinh doanh chứng khoán sẽ vừa làm tăng quy mô giá trị giao dịch, vừa tạo ra sự an toàn và ổn định cho thị trường.
Đồng thời, theo diễn biến phát triển của nền kinh tế, trong quá trình tự do hóa tài chính, Nhà nước cần đẩy mạnh điều chỉnh chính sách quản lý ngoại hối thông thoáng nhằm tạo ra sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự đa dạng hóa các hình thức và quy mô các giao dịch phái sinh trên thị trường ngoại hối.
Thêm vào đó, cần thành lập các sàn giao dịch hàng hóa tập trung, quy định những tiêu chuẩn chất lượng cần đạt được, chuẩn hóa các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam nhằm tạo điều kiện trong việc định giá sản phẩm và định giá các hợp đồng phái sinh hàng hóa.
Có thể chắc chắn rằng, một khi thị trường tài chính tiền tệ phát triển sẽ tạo điều kiện phát triển những thị trường mới có tổ chức như thị trường giao dịch tương lai, ... Từ đó, các ngân hàng có thể phát triển các nghiệp vụ phái sinh, đa dạng hóa sản phẩm, hoàn thiện hơn nữa những biệp pháp phòng ngừa rủi ro tài chính của mình