5. Kết cấu luận văn
3.1. Khái quát về huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội
3.1.1.Điều kiện tự nhiên
Thanh Oai là huyện đồng bằng thuần nông, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hà Nội, có diện tích gần 142km2, với dân số năm 2019: trên 185.400 người. Vị trí địa lý Huyện Thanh Oai, phía Bắc và phía Tây Bắc giáp quận Hà Đông; phía Tây giáp huyện Chương Mỹ; phía Tây Nam giáp huyện Ứng Hòa; phía Đông Nam giáp huyện Phú Xuyên; phía Đông giáp huyện Thường Tín và phía Đông Bắc giáp huyện Thanh Trì. Huyện Thanh Oai có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Kim Bài (huyện lỵ) và 20 xã: Bích Hòa, Bình Minh, Cao Dương, Cao Viên, Cự Khê, Dân Hòa, Đỗ Động, Hồng Dương, Kim An, Kim Thư, Liên Châu, Mỹ Hưng, Phương Trung, Tam Hưng, Tân Ước, Thanh Cao, Thanh Mai, Thanh Thùy, Thanh Văn, Xuân Dương.
Thanh Oai là vùng đất có lợi thế phát triển nông nghiệp. Do có độ chênh lệch của đồng đất nên đặc điểm đất nông nghiệp của Thanh Oai là hình thành 03 vùng. Vùng 1: Đất bãi ven sông Đáy có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi, có diện tích khoảng 32,4 km2. Vùng 2: Đất nằm ven quốc lộ 21B thuộc đất đồng vàn có thuận lợi cho cả cấy lúa và trồng hoa màu 45,4 km2. Vùng 3: Đồng chiêm trũng chiếm phần lớn diện tích canh tác chỉ gieo cấy lúa trong hai vụ và nay có điều kiện phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản, diện tích 51,8 km2. Nhìn chung đồng đất Thanh Oai có nhiều khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, hiệu quả, bền vững, phù hợp quy hoạch xây dựng vành đại xanh của Thủ đô Hà Nội trong những năm tới.
3.1.2.Tình hình kinh tế - xã hội
Về kinh tế, người dân Thanh Oai sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Cây lúa là lương thực chủ yếu ở Thanh Oai. Bên cạnh trồng ngô, khoai rau màu ở vùng ven sông Đáy, thì cây khoai tây thâm nhập vào Thanh Oai cũng rất sớm nhất là các làng Thanh Mai, Thượng Thanh, Cao Mật, Thanh Thần.
Huyện Thanh Oai có 51 làng nghề. Hầu hết các làng nghề đều có sản phẩm nổi tiếng, được định vị và có thị trường tiêu thụ nhất định. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, kinh tế huyện Thanh Oai duy trì mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất bình quân 5 năm ước đạt 16.961 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân 13,65%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp -xây dựng chiếm 55,64%, thương mại - dịch vụ 33,48%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 10,88%).
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người, đạt 112% kế hoạch, tăng 12% so với Nghị quyết Đại hội XXII đề ra và tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ (27,5 triệu đồng/người )
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân 5 năm ước đạt 661,51 tỷ đồng/năm, tăng 33%/năm và tăng 8% so với chỉ tiêu Đại hội.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất tập trung và triển khai thực hiện một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã có 14 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 11 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao được thành phố công nhận.
Về xã hội, giai đoạn 2015 – 2020, thực hiện hơn 1.200 công trình với tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 3.338 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường giao thông liên xã, liên thôn, đường truc chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa; Trạm y tế và Nhà văn hóa giữ vững đạt chuẩn; 81,1% trường học đạt chuẩn quốc gia; đường trục phía nam được thông toàn tuyến đưa vào khai thác sử dụng; hoàn thành mở rộng đường đôi QL 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài kết hợp với xây dựng công viên, cây xanh huyện Thanh Oai. Huyện đã thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Thanh Oai đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng đề ra.
Chương trình phát triển văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, năm 2020 có 86% làng và 90% cơ quan, đơn vị văn hóa; 90% hộ gia đình văn hóa, có 2 làng văn hóa sức khỏe; 4 làng văn hoá kiểu mẫu, Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 2; tỷ lệ người dân tham gia BHYT 90,1% (chỉ tiêu đại hội là 80%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,52% (đã trừ BTXH – ĐH 22 đề ra là dưới 2%); làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt phòng chống đại dịch Covid-19.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng được tăng cường, củng cố, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân và đưa công an chính quy về làm việc tại các xã, thị trấn.