5. Kết cấu luận văn
3.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
3.3.2.1 Hạn chế
Thứ nhất, công tác lập dự toán ở huyện Thanh Oai vẫn chưa được chú trọng một cách thích đáng, việc lập dự toán đôi khi chỉ mang tính hình thức, dự toán được lập ra không bám sát với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội hiện tại của địa phương dẫn đến phải bổ sung thay đổi dự toán nhiều lần. Có thể thấy việc lập dự toán khai thác một số nguồn thu tại địa phương còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó lập dự toán không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đến lập dự toán thu NSNN không bao quát được hết các khoản thu. Có một số đơn vị dự toán thuộc huyện lập và nộp dự toán đến cơ quan tổng hợp còn chậm, dẫn đến tổng hợp dự toán ngân sách huyện thiếu chính xác vì theo quy định dự toán ngân sách huyện phải được xây dựng từ dự toán của các đơn vị trực thuộc gửi lên (quy trình lập dự toán là từ dưới lên). Điều này làm cho dự toán ngân sách được giao chưa sát với đặc điểm tình hình KT-XH của từng địa phương.
Thứ hai, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ở huyện còn nhiều bất cập. - Một số đối tượng nộp thuế chưa chấp hành nghiêm túc các chính sách thuế quy định, chưa chấp hành nghiêm chế độ kế toán thống kê, kê khai thuế không đầy đủ và quản lý hoá đơn chưa tốt dẫn đến việc quản lý thu chưa chặt chẽ và triệt để.
- Các khoản thu số thu không ổn định và vững chắc, biến động nhiều qua các năm và có xu hướng giảm, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng và tình hình sản xuất kinh doanh chung của huyện.
- Việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh còn chưa chặt chẽ, chưa điều chỉnh mức thuế kịp thời so với doanh số phát sinh; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch phát triển chưa nhiều, hộ kinh doanh công thương nghiệp có tăng về diện hộ nhưng quy mô nhỏ, việc khai thác tài nguyên nhỏ lẻ không tập trung... từ thực tế trên dẫn đến việc chưa tạo ra nguồn thu vững chắc cho ngân sách. Do vậy phần nào ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách của địa phương.
Thứ ba, công tác quản lý chi chưa được hiệu quả.
- Chưa chủ động trong việc sắp xếp, bố trí các nhiệm vụ chi trong kế hoạch được giao, còn đề nghị xin bổ sung thêm kinh phí.
- Một số cán bộ làm công tác quản lý NSNN trên địa bàn huyện Thanh Oai chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý tài chính kế toán theo quy định của luật NSNN và các chế độ kế toán hiện hành. Do vậy việc quản lý chi tiêu theo chế độ, định mức chưa tốt dẫn đến việc thực hiện các thủ tục, chứng từ chi trong mua sắm, sửa chữa tài sản, chi thường xuyên chưa đúng và chưa đủ theo quy định.
Thứ tư, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chưa cao. Công tác quyết toán chi ngân sách nhà nước chủ yếu là quyết toán theo số cấp phát. Việc thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước chưa đảm bảo theo quy định do khối lượng quyết toán khá nhiều, trong khi đó đội ngũ cán bộ có số lượng rất ít. Tại Bộ phận Tài chính – Kế hoạch huyện Thanh Oai chỉ có một cán bộ chuyên quản ngân sách. Vì vậy, trong khâu quyết toán không thể kiểm tra hết các nội dung, chứng từ chi ngân sách nhà nước dẫn đến tình trạng quyết toán theo số cấp phát và không thể kiểm soát được việc thực hiện các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.
Mặc dù công tác tổ chức bộ máy quản lý ngân sách đã được củng cố và tăng cường nhưng việc phân công quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên trong Ban tài chính cũng như chức năng, nhiệm vụ của Ban tài chính chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và hiệu lực quản lý Nhà nước ở cơ sở.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước đã được chú trọng, tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Cán bộ chuyên quản ở phòng Tài chính – Kế hoạch huyện khá mỏng, mỗi người phụ trách nhiều đơn vị nên không có điều kiện đi từng cơ sở và kiểm tra thường xuyên mà chỉ có thể thẩm tra, quyết toán một lần. Trong khi đó, việc thẩm tra chưa sâu sát, chưa nêu ra được những thiếu sót, khuyết điểm để các đơn vị khắc phục, rút kinh nghiệm.
Mặc khác, sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan Thanh tra tài chính, Thanh tra Nhà nước, Uỷ ban kiểm tra dẫn đến những khó khăn, phiền phức cho một số đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
Thứ sáu, việc quản lý ngân sách nhà nước ở huyện Thanh Oai từ khâu lập kế hoạch đến thu – chi và quyết toán còn khá “thủ công”. Huyện vẫn chưa có phần mềm chuyên dụng để thực hiện việc nhập dữ liệu, kiểm tra, kiểm soát khiến cho công việc quản lý nhiều hơn và kém hiệu quả hơn so với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Cơ sở vật chất kỹ thuật của huyện còn khá sơ sài, chưa hỗ trợ nhiều cho công tác quản lý ngân sách chi tiết tới từng đơn vị.
3.3.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Thứ nhất, công tác lập dự toán còn hạn chế là do hiện nay, tiêu chí phân bổ ngân sách chưa khoa học, thiếu tính tự chủ và linh hoạt. Thực tế có một số cơ quan như: Phòng Nội vụ, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng TC-KH, Phòng Kinh tế Hạ tầng với khối lượng công việc khá lớn nên phải chi tiêu nhiều hơn so với các phòng ban khác trong khi đó lại có cùng một định mức chi tiêu nên cần phải điều chuyển từ nguồn khác để bổ sung. Việc phân bổ dự toán cho các đơn vị mang tính định mức theo quy định nên chưa phát huy tính tự giác, năng động, sáng tạo trong mỗi cán bộ, công chức và từng tập thể đơn vị vì họ mang tính ỷ lại, thụ động “làm nhiều cũng như không làm”, định mức như nhau. Công tác lập dự toán và điều hành ngân sách trong năm chưa hướng mạnh vào việc tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để xây dựng nguồn thu ngân sách huyện đảm bảo cân đối chi.
Thứ hai, việc thu ngân sách chưa đạt được hiệu quả cao bởi hai lý do. Trước hết, bộ phận có trách nhiệm thu ngân sách chưa triển khai một cách chặt chẽ, thống nhất từ việc kiểm soát khai nộp thuế của các tổ chức, cá nhân tới việc cập nhật, điều chỉnh mức thuế cho các hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong những năm qua, việc
chuyển đổi cách thức quản lý khai báo thuế đã được tập huấn, hướng dẫn chi tiết cho cán bộ thu nhưng việc quản lý thông tin bằng hệ thống phần mềm thông qua internet vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chưa chú ý tới việc khai thác, mở rộng các nguồn thu NSNN mới trên địa bàn. Điều này khiến cho ngân sách chưa được tận thu.
Thứ ba, các khoản chi ngân sách mặc dù được tính toán và phê duyệt trên dự toán nhưng thực tế và định mức chi ngân sách vẫn có những khoảng cách nhất định. Bởi định mức chi được áp dụng cho tất cả các huyện thuộc thành phố Hà Nội. Nhưng tuỳ theo từng khoản mục, đặc điểm địa phương mà các khoản chi này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. UBND huyện Thanh Oai vẫn chưa linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm các phương thức lựa chọn phương án chi hữu hiệu trên cơ sở tiết kiệm và đạt được mục tiêu sử dụng NSNN. Những phương án như đấu thầu, nhờ tư vấn… vẫn còn chưa được thực hiện một cách triệt để và khách quan.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ tài chính làm công tác quản lý NSNN trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, còn yếu về nghiệp vụ và thiếu lý luận thực tiễn nên khi nghiên cứu các văn bản pháp luật tài chính chưa nắm bắt được toàn bộ nội dung để vận dụng vào nhu cầu thực tế, tình hình hiện tại của địa phương phục vụ cho công tác quản lý. Thủ trưởng của đơn vị sử dụng NSNN chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý tài chính kế toán.
Cán bộ kế toán của các cơ sở kinh doanh còn yếu về trình độ chuyên môn nên việc sử dụng hoá đơn, chứng từ kế toán, việc kê khai, thu nộp thuế còn nhiều sai phạm dẫn đến gây khó khăn cho công tác quản lý ngân sách và ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách trên địa phương. Cán bộ làm việc chưa có tinh thần trách nhiệm cao nên việc công khai ngân sách cũng chưa thực hiện tốt và đầy đủ.
Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động NSNN trên địa bàn huyện còn hạn chế. Nên đã dẫn tới tình trạng thực hiện công tác quản lý ngân sách đôi lúc còn lỏng lẻo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đề ra.
Qua phân tích như trên có thể thấy, tình hình quản lý ngân sách nhà nước ở huyện Thanh Oai năm 2015-2019 mặc dù có chuyển biến tích cực từ khâu lập dự toán đến quyết toán ngân sách, nhưng trong quá trình quản lý còn nhiều điểm bất cập. Trong đó, khâu yếu nhất trong quy trình quản lý ngân sách nhà nước là khâu chấp
hành dự toán với nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Để hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước ở huyện Thanh Oai trong thời gian tới, việc duy trì các điểm tích cực là cần thiết nhưng việc khắc phục các điểm hạn chế cũng mang ý nghĩa quan trọng. Và trong công cuộc đó cần nhiều giải pháp và sự tham gia của nhiều cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội.
CHƯƠNG 4
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI HUYỆN THANH OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI