Cốt truyện truyền thống

Một phần của tài liệu đặc điểm nhân vật, cốt truyện trong các tác phẩm sương nguyệt minh (Trang 89)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Cốt truyện truyền thống

Cốt truyện truyền thống là kiểu cốt truyện mà các tình tiết trong đó thường được sắp xếp theo trật tự tuyến tính, các sự kiện được trình bày theo các bước trình bày – thắt nút – phát triển – cao trào – kết thúc.

Truyện ngắn hiện đại không hiếm những tác phẩm triển khai theo kiểu cốt truyện này, song các nhà văn thường tỏ ra linh hoạt hơn khi xây dựng bố cục của truyện.

Khảo sát truyện ngắn Sương Nguyệt Minh, chúng tôi thấy kiểu cốt truyện truyền thống được áp dụng ở nhiều đề tài khác nhau có khi phản ánh những sự kiện lớn, có khi chộp lấy một tình huống éo le mà đứng trước nó con người bộc lộ tính cách rõ ràng. Truyện ngắn Người đàn ông làng Yên Hạ

kể về cuộc đời đầy thăng trầm, biến cố của Trương Hạ với những tình tiết sau: - Hạ cầm côn về làng sau mười năm biệt tích, trả thù tên anh rể, nhưng anh rể đã chết.

- Hạ trả thù Hội Dục – kẻ đã từng làm hắn khổn khổ thời ấu thơ, phải bỏ làng tha hương.

- Hạ làm Chánh Trương, bắt đầu tự tung tự tác.

- Hạ lập mưu với Hội Dục, ăn cắp hài cốt cha của Nhất Cẩn để cưới người vợ bé nhan sắc của hắn, rồi sau đó làm bậy với con gái ông thủ quỹ và cưới cô ta làm vợ bé.

- Hạ được mụ lái chăm sóc và trả ơn mụ.

- Trương Hạ trải qua thời kì sóng gió của cải cách ruộng đất, con trai hắn không được người ta cho học tiếp.

- Cuối đời, Trương Hạ sống thu mình nơi vườn cây ven sông. Đứa con trai bỏ nhà đi thì không được lấy cô bí thư đoàn, cô con dâu hụt cũng bỏ đi cùng đứa con trong bụng mẹ.

- Trương Hạ tự treo cổ lên xà nhà, kết thúc một cuộc đời nổi chìm, đa đoan, đa sự.

Mặc dù dung lượng của truyện không dài, nhưng có khuynh hướng

“tiểu thuyết hóa” đưa người đọc hết sự kiện này đến sự kiện khác. Nhà văn

không dừng lại ở chất truyện làm chủ đạo mà còn muốn tác phẩm của mình có chất tiểu thuyết, khi đưa ra chủ đề có tính chất phức hợp, đề cập tới nhiều mảng hiện thực đời sống không dừng lại ở một góc nhìn, một cách đánh giá nhân vật. Tất cả các tình tiết trong truyện đều nằm trong mạch diễn tiến để phục vụ cho chủ đề tác phẩm. Xây dựng nhân vật Trương Hạ, nhà văn muốn tạo dựng lên một chân dung nhân vật kiểu Chí Phèo mới, song có nhiều nét tính cách phong phú, trái ngược, khi đặt trong môi trường có nhiều tác động của xã hội, của con người hơn.

Trò đời lại là một trong những truyện ngắn được tác giả “chộp” lấy một

tình huống, một khoảnh khắc của nhân vật để phát hiện một nét bản chất trong tâm hồn con người. Truyện có cốt truyện không phức tạp, được phát triển dựa trên một chuỗi sự việc như sau:

- Nhân vật tôi thích đi xem ca nhạc, sân khấu nhưng ông chồng sĩ quan chỉ thích ở nhà. Tôi đành phải đi một mình.

- Ở rạp hát tôi tình cờ gặp lại Hoan - người yêu cũ nay là nghệ sĩ xiếc thú. - Tôi nhớ lại quá khứ đã từng yêu Hoan, nhưng vì Hoan đã có gia đình, nên mối tình bị cấm đoán, chia rẽ.

- Khi biểu diễn trông Hoan thật quyến rũ khiến nhân vật tôi không thể không so sánh với “ông chồng âm lịch” của mình.

- Tôi chạy vào phòng chờ để chúc mừng thành công của Hoan.

- Tôi nhìn thấy Hoan đang gỡ những đồng tiền lẻ trong tay con khỉ nên thất vọng bỏ về.

Cốt truyện nhẹ nhàng, được kể lại ở ngôi thứ nhất, có sự xáo trộn nhỏ về kết cấu thời gian phù hợp với cảm xúc của nhân vật. Dung lượng truyện tuy ngắn nhưng mang một bài học nhân sinh thấm thía về cách nhìn nhận đánh giá con người, hướng con người thực tế hơn trong tình cảm.

Truyện ngắn Đàn bà cũng không nằm ngoài kiểu cốt truyện truyền thống, truyện diễn ra với các tình huống như sau:

- Cô gái trẻ có bầu, đến nhà tìm gặp Nam Lê nhưng không gặp.

- Người vợ của Nam Lê nói dối mình là người giúp việc và mời cô gái vào nhà.

- Người vợ chăm sóc cô gái như con mình.

- Cô gái kể chuyện cho “người giúp việc” nghe câu chuyện tình của mình với Nam Lê.

- Người vợ đưa người tình của chồng đi phá thai. - Người vợ đưa cô gái về nhà làm người giúp việc.

- Ba ngày sau, bạn người vợ đến chơi, cô ta kể chuyện chồng mình ngoại tình và cách trả thù của cô ta.

- Người vợ tưởng tượng ngày chồng về, bắt gặp cô bé giúp việc trong nhà.

Bên dòng Tonlesap là câu chuyện kể về số phận và cuộc đời ba người

lính với mối tình tay ba thông qua cuộc gặp gỡ giữa Kiên và con gái của Saly. Câu chuyện của những năm tháng trước chiến tranh về mối tình vượt biên giới cảm động của hai thanh niên Việt Nam với cô gái tên Saly. Biến cố chiến tranh cùng với biến cố số phận đã tách cả ba xa nhau. Mặc dù thành công

trong công việc hiện tại nhưng Kiên luôn sống bằng hoài niệm. Tình cờ gặp cô gái thông minh, xinh đẹp đến phỏng vấn tại công ty, Kiên cảm giác có một mối liên hệ nào đó giữa họ. Tình tiết cốt truyện phát sáng được đưa ra như là cái cớ, là nguồn cơn cho sự gặp gỡ giữa Kiên và Saly sau này. Mặc dù có những đoạn hồi cố, song về cơ bản, truyện ngắn này phát triển theo các bước của một truyện ngắn truyền thống.

Có thể nhận thấy rằng, kiểu cốt truyện tuy không mang lại những ấn tượng mạnh mẽ, không có chiều sâu của những chiêm nghiệm tâm lý, song vẫn tạo nên sự hấp dẫn bởi tính chân thực, giản dị khi khám phá cuộc sống. Bên cạnh những truyện ngắn nêu trên, kiểu cốt truyện truyền thống còn được thể hiện trong các truyện: Lửa cháy trong rừng hoang, Làng động, Cha tôi, Người đàn ông làng Yên Hạ...

3.2.2. Cốt truyện tâm lý

Nếu như ở những trang có cốt truyện truyền thống, hệ thống sự kiện là cốt lõi của tác phẩm thì ở những trang có cốt truyện tâm lý, truyện thường có cốt truyện lỏng, chất truyện mờ nhạt, phân tích nội tâm trở thành phương tiện nghệ thuật chủ yếu trong cách thức xây dựng cốt truyện. Thay vì các sự kiện được tạo thành bởi một chuỗi liên kết là dòng chảy bất định của tâm trạng, các nhà văn không đi sâu vào những sự kiện của đời sống hàng ngày mà quan tâm tới sự kiện trong tâm hồn nhân vật. Đó là những cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở, niềm hy vọng, sự tuyệt vọng, nỗi đau. Với kiểu cốt truyện này, các tác giả hướng tới miêu tả, phân tích diễn biến tâm lý nhân vật với tham vọng khám phá bí ẩn trong tâm hồn con người ở chiều sâu vô thức, tâm linh.

Nhà nghiên cứu Bích Thu cho rằng: “Truyện ngắn hôm nay ngày càng tăng cường cốt truyện bên trong, bộc lộ trạng thái tâm tưởng của nhân vật chính, giảm bớt cốt truyện miêu tả hành động bên ngoài. Cốt truyện với đầy đủ chi tiết, không còn chiếm vai trò cơ bản mà lùi xuống thứ yếu sau tính cách”.

Trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh kiểu cốt truyện này không có nhiều, bởi nhà văn thường thiên về phản ánh hiện thực qua sự kiện và biến cố. Ngoài tác phẩm Mây bay cuối đường, chỉ có vài truyện có kiểu cốt truyện này

như Đi qua đồng chiều, Đêm thánh vô cùng.

Ở truyện ngắn Mây bay cuối đường, tác giả không chú ý nhiều vào các tình tiết mang tính sự kiện mà chủ yếu đặt Mây vào một số cảnh huống để từ đó khai thác những suy nghĩ của cô về cuộc sống nơi thôn quê, những trăn trở của cô về sự lựa chọn đi ra nơi thị thành hay ở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Sự bộn bề trong tâm trạng nhân vật làm mờ đi những tình tiết, các khoảng thời gian bị đảo chiều theo dòng tâm sự của nhân vật, khi thì mây nhớ Toàn, khi thì nhớ tới chị gái, lúc thì hình dung cảnh người cha già còm cõi trong gian nhà trống không. Có khi sức tưởng tượng đưa nhân vật tới một miền đất thị thành đầy hứa hẹn gợi lên những khát khao, có khi những hình ảnh thôn quê bình dị yên bình lại gợi lên cảm giác ấm áp không muốn rời xa… Triển khai truyện theo dòng tâm trạng, cho nên mối liên kết hệ thống các sự kiện thường diễn ra không chặt chẽ mà chủ yếu dựa trên một số trạng huống tâm lý nhất định. Ở những truyện kiểu này, người đọc bị cuốn vào dòng tâm trạng nhân vật nhiều hơn là mong đợi sự phát triển cao trào của tình huống.

Đêm thánh vô cùng miêu tả tâm trạng cô đơn lạc lõng của nhân vật tôi

trước cuộc sống tiện nghi hiện đại với đủ thứ giải trí: tivi, internet, sàn nhảy, quán Bar..., khiến con người ngày càng xa nhau tạo nên sự rời rạc, lạnh lùng đến phi lý. Không hòa nhập với cuộc sống hiện đại nơi phố thị, nhân vật tôi mang tâm trạng thất vọng, buồn chán và cô đơn “chẳng lẽ lại khóc. Đàn ông đã khóc là xảy ra một cái gì đó đổ vỡ, nát tan lắm. Vợ tôi không bỏ tôi. Con tôi không có lỗi. Tôi sống ngay ngắn, tử tế trong nhà ngoài đường. Hà cớ gì, nguồn cơn nào vợ chồng, bố con không gần gũi được nhau. Tôi muốn vạch cơn trời xanh hỏi cho ngọn ngành. Tôi cố kìm tiếng lòng tấm tức khỏi bật ra.

Chẳng lẽ chốn này không có chỗ cho tôi dung thân?” Và, để giải cứu cho tâm trạng cô đơn của mình nhân vật tôi đã: “gọi taxi đi về ngay trong đêm”. Trái với tâm trạng khi ở nơi thành thị, “về đến đầu làng, tôi như người chết sống lại, bồi hồi, kỉ niệm xưa cũ dạt dào hiện về. Cứ như vừa mới hôm qua, tôi

đang sống những năm tháng tuổi thơ ở làng”. Trong truyện ngắn Đi qua đồng

chiều, người đọc cũng thấy tâm sự ngổn ngang của Na, một người con gái nông thôn đầy mặc cảm tự ti về nguồn gốc xuất thân. Những bài thơ của cô mang nỗi day dứt, nửa như luyến tiếc, nửa như muốn vứt bỏ cái thế giới ao làng tù đọng, ruộng làng, xóm mạc nhỏ bé ngột ngạt và lầm lụi.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu truyện ngắn Sương Nguyệt Minh, chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt của ông trong việc xây dựng kiểu cốt truyện tâm lý. Đó là, nếu như ở nhiều nhà văn đương thời, trong quá trình xây dựng cốt truyện tâm lí chỉ tập trung khai thác yếu tố nội tâm và bỏ qua yếu tố tình tiết thì nhà văn Sương Nguyệt Minh lại ngược lại, ông ý thức rất cao về vai trò của tình tiết, đa số những truyện ngắn mang kiểu cốt truyện tâm lý đều không dừng lại ở việc khai thác yếu tố tình tiết. Nghĩa là ngay sau khi đi sâu vào khai thác dòng tâm trạng của nhân vật, nhà văn vẫn thể hiện thế mạnh của mình trong việc tạo dựng cả thế giới nhân vật cũng như không gian, thời gian cho nhân vật tồn tại. Điều này tạo ra sự hài hòa giữa cảnh với tình, giữa nhân vật với không gian, thời gian, sự phát triển tính cách nhân vật và sự phát triển của cốt truyện.

3.2.3. Truyện lồng trong truyện

Với truyện ngắn Việt Nam cuối thế kỷ XX, truyện lồng trong truyện là một lối viết mới mẻ, thể hiện sự tiếp nhận ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây rõ nét. Những tác phẩm có kết cấu truyện lồng trong truyện là những câu chuyện trong một truyện đan xen vào nhau một cách linh hoạt, tạo ấn tượng về sự chân thực của câu chuyện được kể, kéo độc giả lại gần với thế giới nghệ

thuật của tác phẩm hơn, đồng thời tạo ra sự linh động cho truyện. Ở Sương Nguyệt Minh kiểu truyện này được thể hiện rõ trong Nơi hoang dã đồng

vọng, Chuyến đi săn cuối cùng, Đồi con gái.

Trong truyện ngắn Nơi hoang dã đồng vọng, tác giả kể liên tiếp những mạch truyện khác nhau, lúc đầu là chuyện người đàn bà giúp việc (tên là Lài) trong nhà hàng Tiểu Hổ do sơ ý để con Miêu chạy mất nên bị lão chủ chuẩn bị biến thành “món ăn” thay thế cho bọn khách hàng, sau đó xen vào câu chuyện về bà chủ nhà bị rắn cắn cụt mất chân qua lời kể của cô Tâm nấu bếp cho người đàn bà giúp việc nghe: “Một đêm giông gió. Cây đổ vật vào bể nuôi rắn. Chúng sổng chuồng túa ra khắp vườn, rúc vào gầm cầu thang, chui vào gầm giường. Một con rắn răng vẫn còn rất sắc nhằm vào chân bà chủ mà bổ… Bà chủ không chết, nhưng chân bị rắn cắn cứ teo dần. Bà nằm bẹp,

đành phải để nhà hàng Tiểu Hổ cho chồng và chị quản bếp lo liệu” [17,

Tr.117]. Trong quá trình chạy trốn, người đàn bà giúp việc được người làm nghề bắt rắn cứu khi bị rắn độc cắn. Nhà văn lại mở tiếp một câu chuyện nữa về cái chết oan ức của người mẹ và cuộc đời người cha của Lài.

Chuyến đi săn cuối cùng có cốt truyện xoay quanh sự thay lòng đổi dạ

của giới nữ. Trong đó Mại – người thanh niên có bố làm nghề thợ săn, ngay từ nhỏ anh đã được cha dạy cho cách săn bắn và chỉ toàn bắn những con cái, bởi theo ông thì “giống cái là giống bạc tình”. Truyện là sự đan xen của nhiều câu chuyện khác nhau nhưng cùng có chung chủ đề nói về sự bạc tình, không giữ được chữ trinh tiết của người phụ nữ. Đó là câu chuyện của người cha suốt đời dằn vặt về sự thiếu trọn vẹn của người vợ khi ông lấy về. Đến khi người cha chết đi sự thật về người mẹ thiếu trinh tiết vẫn được giữ kín. Đó là câu chuyện tình dở dang của Mại với Sim. Đó là câu chuyện về mối tình phụ bạc của cô bé Chíp hôi mà Mại đã cưu mang trong suốt một thời gian dài. Và, đó còn là câu chuyện về những loài vật sống trong khu rừng – nơi Mại đi săn.

Chuyện cứ lồng trong truyện, các sự kiện diễn ra chồng chéo như sự phức tạp bộn bề cố hữu của cuộc sống, những mối quan hệ con người với con người, giữa loài vật với loài vật, giữa con người với loài vật vẫn cứ đan xen với nhau gợi lên một thông điệp ứng xử của con người với đồng loại và với thiên nhiên mà mình đang sống.

Với vốn kiến thức phong phú, và luôn muốn tìm tòi, khám phá những vùng đất mới lạ, kiểu cốt truyện lồng trong truyện đã tạo nên cho tác phẩm của Sương Nguyệt Minh ngồn ngộn những chi tiết. Trong khi các nhà văn khác rất dè sẻn trong việc đưa các tình tiết, sự kiện vào sáng tác của mình thì Sương Nguyệt Minh sẵn sàng tung ra nhiều tình tiết cho tác phẩm. Với kiểu cốt truyện lồng trong truyện đã chứng tỏ sự nỗ lực tìm tòi về hình thức nghệ thuật của Sương Nguyệt Minh. Thực tế chứng minh, nỗ lực này đã được đền đáp khi các tác phẩm của anh chạm đến trái tim bạn đọc.

Có thể nói, sự đan cài những câu chuyện vào nhau là cách thức tạo sự luân phiên điểm nhìn, góp phần làm cho nhân vật (nhất là thế giới nội tâm của họ) được xem xét dưới nhiều góc độ và được xây dựng một cách tự nhiên hơn. Đó chính là thế mạnh của kết cấu truyện lồng trong truyện, góp phần tạo dựng cho truyện một nghệ thuật trần thuật hiện đại.

3.3. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện

3.3.1. Tình huống truyện

Cách lựa chọn tình huống là một trong những khâu then chốt tạo nên thành công cho tác phẩm. Đánh giá về vai trò của tình huống, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định: “Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đó. Từ tình huống nổi bật một tính cách nhân vật, bộc lộ

Một phần của tài liệu đặc điểm nhân vật, cốt truyện trong các tác phẩm sương nguyệt minh (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)