6. Cấu trúc của luận văn
3.2.3. Truyện lồng trong truyện
Với truyện ngắn Việt Nam cuối thế kỷ XX, truyện lồng trong truyện là một lối viết mới mẻ, thể hiện sự tiếp nhận ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây rõ nét. Những tác phẩm có kết cấu truyện lồng trong truyện là những câu chuyện trong một truyện đan xen vào nhau một cách linh hoạt, tạo ấn tượng về sự chân thực của câu chuyện được kể, kéo độc giả lại gần với thế giới nghệ
thuật của tác phẩm hơn, đồng thời tạo ra sự linh động cho truyện. Ở Sương Nguyệt Minh kiểu truyện này được thể hiện rõ trong Nơi hoang dã đồng
vọng, Chuyến đi săn cuối cùng, Đồi con gái.
Trong truyện ngắn Nơi hoang dã đồng vọng, tác giả kể liên tiếp những mạch truyện khác nhau, lúc đầu là chuyện người đàn bà giúp việc (tên là Lài) trong nhà hàng Tiểu Hổ do sơ ý để con Miêu chạy mất nên bị lão chủ chuẩn bị biến thành “món ăn” thay thế cho bọn khách hàng, sau đó xen vào câu chuyện về bà chủ nhà bị rắn cắn cụt mất chân qua lời kể của cô Tâm nấu bếp cho người đàn bà giúp việc nghe: “Một đêm giông gió. Cây đổ vật vào bể nuôi rắn. Chúng sổng chuồng túa ra khắp vườn, rúc vào gầm cầu thang, chui vào gầm giường. Một con rắn răng vẫn còn rất sắc nhằm vào chân bà chủ mà bổ… Bà chủ không chết, nhưng chân bị rắn cắn cứ teo dần. Bà nằm bẹp,
đành phải để nhà hàng Tiểu Hổ cho chồng và chị quản bếp lo liệu” [17,
Tr.117]. Trong quá trình chạy trốn, người đàn bà giúp việc được người làm nghề bắt rắn cứu khi bị rắn độc cắn. Nhà văn lại mở tiếp một câu chuyện nữa về cái chết oan ức của người mẹ và cuộc đời người cha của Lài.
Chuyến đi săn cuối cùng có cốt truyện xoay quanh sự thay lòng đổi dạ
của giới nữ. Trong đó Mại – người thanh niên có bố làm nghề thợ săn, ngay từ nhỏ anh đã được cha dạy cho cách săn bắn và chỉ toàn bắn những con cái, bởi theo ông thì “giống cái là giống bạc tình”. Truyện là sự đan xen của nhiều câu chuyện khác nhau nhưng cùng có chung chủ đề nói về sự bạc tình, không giữ được chữ trinh tiết của người phụ nữ. Đó là câu chuyện của người cha suốt đời dằn vặt về sự thiếu trọn vẹn của người vợ khi ông lấy về. Đến khi người cha chết đi sự thật về người mẹ thiếu trinh tiết vẫn được giữ kín. Đó là câu chuyện tình dở dang của Mại với Sim. Đó là câu chuyện về mối tình phụ bạc của cô bé Chíp hôi mà Mại đã cưu mang trong suốt một thời gian dài. Và, đó còn là câu chuyện về những loài vật sống trong khu rừng – nơi Mại đi săn.
Chuyện cứ lồng trong truyện, các sự kiện diễn ra chồng chéo như sự phức tạp bộn bề cố hữu của cuộc sống, những mối quan hệ con người với con người, giữa loài vật với loài vật, giữa con người với loài vật vẫn cứ đan xen với nhau gợi lên một thông điệp ứng xử của con người với đồng loại và với thiên nhiên mà mình đang sống.
Với vốn kiến thức phong phú, và luôn muốn tìm tòi, khám phá những vùng đất mới lạ, kiểu cốt truyện lồng trong truyện đã tạo nên cho tác phẩm của Sương Nguyệt Minh ngồn ngộn những chi tiết. Trong khi các nhà văn khác rất dè sẻn trong việc đưa các tình tiết, sự kiện vào sáng tác của mình thì Sương Nguyệt Minh sẵn sàng tung ra nhiều tình tiết cho tác phẩm. Với kiểu cốt truyện lồng trong truyện đã chứng tỏ sự nỗ lực tìm tòi về hình thức nghệ thuật của Sương Nguyệt Minh. Thực tế chứng minh, nỗ lực này đã được đền đáp khi các tác phẩm của anh chạm đến trái tim bạn đọc.
Có thể nói, sự đan cài những câu chuyện vào nhau là cách thức tạo sự luân phiên điểm nhìn, góp phần làm cho nhân vật (nhất là thế giới nội tâm của họ) được xem xét dưới nhiều góc độ và được xây dựng một cách tự nhiên hơn. Đó chính là thế mạnh của kết cấu truyện lồng trong truyện, góp phần tạo dựng cho truyện một nghệ thuật trần thuật hiện đại.