6. Cấu trúc của luận văn
3.3.1.2. Tình huống nghiêng về tâm trạng
Tình huống tâm trạng là một sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật có một biến động trong thế giới tình cảm. Loại tình huống này tạo nên kiểu nhân vật tình cảm và tạo nên kiểu truyện ngắn trữ tình. Tình huống này không đẩy nhân vật tới hành động và những xung đột bên ngoài mà khêu gợi những tâm trạng, những nỗi lòng.
Trong truyện Đàn bà, tác giả đưa ra tình huống cô gái đến nhà gặp chồng nhân vật tôi nhưng anh ta đi công tác nên không gặp được. Qua cuộc nói chuyện chị biết đó chính là nhân tình của chồng mình. Từ đây nhà văn đi sâu vào miêu tả tâm trạng của người vợ khi gặp phải tình cảnh trớ trêu: bồ nhí của chồng đến nhà để cầu cứu và chị phải giơ tay cứu vớt cô ta. Tâm lí của
người vợ này vừa có cái đắng cay tột cùng bị phụ bạc, vừa có sự căm hận người con gái đang đứng trước mặt mình đã cướp đi chồng mình, lại có sự đồng cảm của những người đàn bà với nhau. Cũng nằm trong kiểu tình huống tâm trạng nhưng ở Đêm thánh vô cùng lại để câu chuyện diễn ra từ từ trước khi bước vào đỉnh điểm của câu chuyện. Bắt đầu là tâm trạng sợ hãi trên chuyến bay trở về nhà và nỗi khao khát mong chờ sự quan tâm từ người vợ và các con của nhân vật tôi. Nhưng trái ngược với những điều mong mỏi của anh là bữa cơm tối nhạt nhẽo, không ai quan tâm đoái hoài đến nhau khiến nhân vật tôi bị cô lập hoàn toàn. Anh cảm thấy cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình. Tình huống trở nên gay gắt khiến cho nhân vật tôi phải “bỏ chạy” về quê để mong tìm sự ấm áp từ những kỉ niệm xa xôi.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng mỗi tình huống tiêu biểu phải cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ nghệ thuật “1. Gắn kết các nhân vật vốn xa lạ cùng tham gia một sự kiện. 2. Bộc lộ quan hệ và tính cách các nhân vật. 3. Thể hiện chủ đề”. Nếu dựa vào các tiêu chí này, thì có thể đánh giá rằng Sương Nguyệt Minh đã thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong các tác phẩm của mình.