1. Lý do chọn đề tài
Ngân hàng là thành phần kinh tế hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới ở Việt Nam hiện nay. Trong điều kiện nước ta, hệ thống Ngân hàng thương mại giữ vai trò quan trọng nhất trong việc làm trung gian giữa tiết kiệm và đầu tư, giữa các tác nhân thừa vốn và thiếu vốn. Vốn là một trong những yếu tố cơ bản đối với doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Với ngân hàng, vai trò của nguồn vốn càng trở nên quan trọng do tính đặc biệt của Ngân hàng là kinh doanh quyền sử dụng tiền tệ, đảm bảo sinh lời. Vốn huy động chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng, là nguồn vốn chủ yếu trong hoạt động kinh doanh. Vì lí do đó mà quản lý và phát triển quy mô nguồn vốn đặc biệt là vốn huy động là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhà quản lý Ngân hàng.
Với vai trò là tiền đề để ngân hàng có thể triển khai mở rộng các hoạt động kinh doanh và đảm bảo khả năng cạnh tranh, nguồn vốn huy động từ khách hàng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng, tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2018, tăng trưởng huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng có sự lệch pha so với tăng trưởng tín dụng. Tạp chí ngân hàng - Cơ quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - số 23/2019 đã công bố mức độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng trung bình của ngành ngân hàng giai đoạn 2013 - 2017 là 18,2%, trong đó, mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2013 với mức tăng 22,2%. Nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Năm 2018, tăng trưởng tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng đạt 11,8%, thấp nhất trong giai đoạn 2013 - 2019. Về cơ bản nguồn vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng vẫn đảm bảo tăng trưởng cân đối việc sử dụng vốn của các ngân hàng, cho thấy, vai trò quan trọng của nguồn tiền gửi từ khách hàng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng đặc biệt là khách hàng cá nhân.
Nguồn lực về vốn trong dân là rất lớn, nhưng để huy động an toàn, phòng ngừa rủi ro trong huy động nguồn vốn đó để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh
tế là rất khó. Một mặt là do thói quen giữ tiền tại nhà để chi tiêu khi cần thiết và người dân chưa hoàn toàn đặt niềm tin vào hệ thống tài chính quốc gia. Vì vậy việc huy động tiền gửi trong dân cư trở nên quan trọng tránh lãng phí một lượng vốn lớn có chi phí rẻ cho phát triển đất nước. Yên Bái là một tỉnh miền núi, mật độ cư dân thấp, thói quen dùng tiền mặt cao, phần nào gây khó khăn cho hoạt động huy động tiền gửi của ngân hàng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Yên Bái với chiến lược trở thành chi nhánh Ngân hàng bán lẻ đứng đầu toàn tỉnh, trong những năm qua đã không ngừng vận động tăng nguồn vốn huy động trong dân cư. Tuy nhiên, so với nhu cầu cấp vốn tín dụng thì nguồn vốn huy động trong dân cư chưa được đáp ứng và sử dụng hợp lý. Xuất phát từ thực tiễn trên, tôi đã lựa chọn đề tài “Quản lý huy động tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Yên Bái” làm đề tài luận văn thạc sĩ.