CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HUY ĐỘNG TIỀN GỬI CÓ KỲ HẠN CỦA KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG
1.3.2 Các nhân tố thuộc về môi trường bên ngoài chi nhánh ngân hàng thương mạ
thương mại
Ngoài các yếu tố thuộc về ngân hàng và chi nhánh ngân hàng thương mại thì các yếu tố bên ngoài cũng có tác động đến hoạt động của chi nhánh ngân hàng như ảnh hưởng của Hội sở chính, yếu tố pháp lý, yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế và yếu tố văn hóa xã hội… cụ thể như sau:
Ảnh hưởng của Hội sở chính: Hội sở chính là cơ quan cao nhất đối với mỗi chi nhánh ngân hàng. Hội sở có trách nhiệm quyết định đến các hoạt động huy động vốn, quy mô của các chi nhánh. Bên cạnh đó, bằng các quy định cụ thể, hội sở cũng tác động đến việc huy động vốn của từng chi nhánh ngân hàng. Mặc dù chi nhánh NHTM cấp I, II hoạt động độc lập nhưng vẫn phụ thuộc về những quy định chung do Hội sở chính đề ra. Do đó mọi hoạt động của chi nhánh NHTM đều bị ảnh hưởng bởi hình ảnh, uy tín, quy mô, các quy định chung của Hội sở chính.
Yếu tố pháp lý: chính sách huy động vốn của NHTM và chi nhánh chịu tác động trực tiếp từ các bộ luật cũng như các chính sách của nhà nước như luật các tổ chức tín dụng, luật ngân hàng nhà nước, các văn bản pháp lý về ngân hàng, chính sách tài chính tiền tệ, chính sách tỷ giá hối đoái... Ngân hàng nhà nước đưa ra các quy định về tỷ lệ huy động vốn của các ngân hàng phải theo một tỷ trọng hợp lý với tổng vốn chủ sở hữu, quy định về lãi suất trần-sàn, đối tượng khách hàng được gửi tiền có kỳ hạn, ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách huy động tiền gửi có kỳ hạn của KHCN tại chi nhánh NHTM.
Yếu tố chính trị: Tình hình chính trị ổn định hay bất ổn, chính sách ngoại giao mở rộng hay thắt chặt và các quan hệ hợp tác song phương, đa phương đều ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của ngân hàng thương mại trong đó có công tác huy động tiền gửi có kỳ hạn của KHCN. Trong môi trường chính trị ổn định, người dân an tâm gửi những khoản tiền nhàn rỗi của mình với kỳ hạn dài vào ngân hàng để an toàn và sinh lãi. Người có tiền luôn chọn những nơi an toàn, đó là những quốc gia ổn định về chính trị, pháp luật được duy trì để gửi tiền. Ngược lại, sự bất ổn về chính trị sẽ làm mất lòng tin trong nhân dân, tạo ra làn sóng chạy trốn khỏi tiền tệ
để đầu tư vào tài sản thực, hiện kim hay gửi tiền ở quốc gia khác. Điều này đồng nghĩa với việc các chi nhánh ngân hàng khó khăn trong huy động vốn.
Yếu tố kinh tế: Động thái của nền kinh tế chính là cơ sở đầu tiên để người gửi tiền ra quyết định nên gửi tiền vào ngân hàng, tích trữ vàng, ngoại hối hay đầu tư vào tài sản khác. Trong điều kiện kinh tế có chiều hướng suy thoái như hiện nay, giá cả và sức mua của tiền tệ diễn biến phức tạp, người dân tích trữ vàng, ngoại tệ mạnh hoặc các tài sản giá trị khác nhằm mục đích an toàn tài sản. Ngược lại, nền kinh tế phát triển ổn định với tỷ lệ lạm phát hợp lý thì người dân sẽ có cái nhìn lạc quan hơn và có xu hướng gửi tiền vào các ngân hàng thương mại làm cho nguồn vốn huy động tại các chi nhánh ngân hàng tăng lên.
Yếu tố văn hóa xã hội: Các yếu tố như thói quen, tập quán, tâm lý cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động huy động vốn. Chẳng hạn như thói quen giữ tiền trong nhà an toàn hơn còn tồn tại ở một bộ phận dân cư nước ta hay cũng có một bộ phận khác lại đem tiền đi đầu tư vào chứng khoán, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn tiết kiệm huy động từ dân cư của chi nhánh ngân hàng. Tuy dịch vụ thẻ đã rất phát triển tại nước ta trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân giữ quan điểm thích tiêu tiền mặt khiến cho các chi nhánh ngân hàng mất đi một nguồn thu đáng kể từ các giao dịch thẻ.
Tóm lại, hoạt động huy động vốn của ngân hàng chịu sự tác động của tổng hòa giữa yếu tố khách quan và chủ quan mang tính vi mô và vĩ mô. Trên đây chỉ là những yếu tố chính, đáng kể nhất khi chi nhánh ngân hàng thương mại xem xét, đánh giá hiệu quả công tác huy động vốn của mình.