Mục tiêu :
- Đóng tắt được Linux
- Chạy được các chương trình Linux
5.1. Đóng tắt Linux
Khi chúng ta dùng máy PC chạy với DOS, làm việc xong chúng ta chỉ cần tắt công tắc điện. Nhưng với Windows làm như thế sẽ tổn hại đến các tệp.
Với Linux, mức độ rủi ro này còn cao hơn nữa, đặc biệt sẽ tổn hại cả phần cứng lẫn hệ thống tệp. Chúng ta phải đóng tắt Linux theo quy định, nếu không muốn lần làm việc tiếp theo sẽ gặp khó khăn khi khởi động máy.
Trước khi ghi dữ liệu vào đĩa cứng, Linux lưu rất nhiều thông tin về chính mình và thông tin của những tệp đang nằm trong bộ nhớ, tại những vùng đệm, còn gọi là bộ nhớ trung gian (buffer). Tiến trình này giúp cải thiện năng suất của cả hệ thống, đồng thời kiểm soát việc sử dụng phần cứng. Đây là việc mà các hệ điều hành đa nhiệm phải làm để một người sử dụng này không thể sử dụng một thiết bị nào đó đang phục vụ một người sử dụng khác. Nếu đột ngột tắt máy, các thông tin vừa kể sẽ mất đi và hệ thống tệp bị hỏng.
Là một hệ điều hành đa nhiệm và dành cho nhiều người sử dụng, Linux phải đảm bảo rằng từng thành viên phải ngưng phiên làm việc đúng quy cách và lưu lại công việc đang tiến hành trước khi đóng tắt cả hệ, như thế sẽ tránh được trường hợp mất dữ liệu và hỏng hệ thống tệp. Điều này cũng giúp cho những người khác đang cùng sử dụng hệ Linux này có đủ thời gian đăng xuất. Muốn đóng tắt Linux cho đúng, chúng ta phải dùng lệnh shutdown với cú pháp như sau:
shutdown [-r] thời_gian_đóng_tắt [lời nhắn]
Tuỳ chọn –r có nghĩa là Linux phải lập tức khởi động lại sau khi đóng tắt. Điều này có ích khi chúng ta muốn thoát khỏi Linux để khởi động một hệ điều hành khác.
Thời_gian_đóng_tắt báo là tham số báo cho hệ điều hành biết khi nào có thể đóng tắt. Thời gian được tính theo hình thức 24 giờ, thí dụ nếu muốn hệ điều hành đóng tắt vào lúc 11 giờ đêm, chúng ta cần gõ lệnh:
shutdown 23:00
Tham số [lời nhắn] là thông báo chung cho tất cả những người sử dụng đang ở trong mạng. Từng người sẽ thấy lời nhắn này trên màn hình của mình.
Thí dụ khi muốn ngưng sử dụng máy để thực hiện công tác sao lưu hàng tuần, chúng ta gõ lệnh như sau để mọi người lo mà đăng xuất:
[root@web] /root] # shutdown –r 23:00 Đóng tắt hệ thống vào lúc 11:00 pm để bảo trì hệ thống.
Lưu ý: Trên một số hệ thống đôi khi Linux có thể hiểu được nhóm phím khởi
động lại <Ctrl-Alt-Del> và sẽ thực hiện thao tác đóng tắt đúng quy trình như khi chúng ta gõ lệnh shutdown. Tuy nhiên ở một số hệ thống khác, Linux không hiểu được nhóm phím ấy.
Nếu lỡ tắt hệ thống không đúng cách và làm hỏng kết cấu tệp, chúng ta có thể dùng lệnh fsck để thử sửa lại hệ thống tệp.
5.2. Chạy các chương trình Linux
Khi đã quen các thao tác mở, tắt trong Linux và vài lệnh cơ bản, chúng ta có thể bắt đầu thử một số ứng dụng đã cài đặt khi thiết lập hệ thống. Những ứng dụng này bao gồm các tiện ích, từ một cái máy tính bỏ túi đơn giản cho đến những bộ biên dịch C và C++. Một vài ứng dụng như thế có giá trị lớn ; may thay nhờ vào giấy phép GNU, nhiều ứng dụng đã trở thành miễn phí.
Nhiều chương trình khác dành cho Linux cũng hiện diện miễn phí trên Internet và chúng ta có thể lấy được chúng nhờ vào một chương trình tải nạp đi kèm trong bản phát hành Slackware và RedHat. Ngoài ra nhiều cửa hàng có thể cung cấp cho chúng ta những đĩa CD-ROM với hàng trăm chương trình UNIX dưới dạng mã nguồn. Chúng ta có thể chọn lọc vài chương trình yêu thích từ CD-ROM rồi dùng các chương trình gcc và g++ để biên dịch các chương trình ấy.
Những chương trình này chủ yếu làm việc ở chế độ văn bản, do đó không cần phải chạy hệ X Window.
5.2.1. Sử dụng chương trình CD Player
CD Player là một chươngr trình chơi nhạc từ đĩa CD, được cài đặt sẵn trong bản phát hành RedHat Linux. Chúng ta nên thử nó một lần xem, nếu máy chúng ta có một ổ CD-ROM chấp nhận đĩa CD audio. Thực tế có thể CD Player không tương thích với tất cả các loại ổ CD-ROM có trên thị trường.
Chương trình này cho phép dùng bàn phím điều khiển CD, vì vậy chúng ta nhớ bật bàn phím sang chế độ <Num Lock>.
5.2.2. Sử dụng Gnumeric và KSpread
Trước khi phần mềm VisiCalc ra đời, các nhà lập kế hoạch phải dùng những tờ giấy kẻ ô gọi là spreadsheet. Là phiên bản điện tử của tờ spreadsheet, VisiCalc đã làm một cuộc cách mạng ở khâu tính toán và lập kế hoạch.
Ngày nay các chương trình như Microsoft Excel hoặc Lotus 1-2-3 đang tiếp nối truyền thống của VisiCalc. Trong Linux, Gnumeric và KSpread cũng làm chức năng đó.
Gnumeric và KSpread đều có dạng bảng tính (spreadsheet calculator) gồm nhiều dòng và cột. Mỗi ô chứa một giá trị số học, một chuỗi ký tự, hoặc một biểu thức. Các chuỗi ký tự có thể dựa vào những ô khác để lập thành nhiều mối liên hệ phức hợp.
Nếu đã từng làm việc với các chương trình bảng tính khác, chúng ta sẽ không gặp khó khăn với các lệnh của Gnumeric và KSpread.
5.2.3. Sử dụng bc Calculator
bc là một chương trình tính toán theo câu lệnh vì bản thân nó có một ngôn ngữ lập trình cho phép chúng ta thực hiện tương tác.
Sau khi chúng ta gõ lệnh, bc hiển thị vài dòng lưu ý về bản quyền tác giả và dấu nhắc sẽ nhấp nháy chờ lệnh. Chúng ta có thể ra lệnh làm hai phép tính cộng và trừ. Chúng ta cũng có thể ra lệnh nhân và chia, song phiên bản bc phát hành kèm với RH Linux lại xén bớt kết quả hai phép tính này.
bc rất tiện lợi cho các phép tính đơn giản. Một điều tiện lợi nữa là bc có khả năng lưu giá trị từ một phép tính này cho phép tính sau chỉ bằng một cú pháp đơn giản, đó là tên-của-biến = biểu-thức.
Thí dụ sau đây tính giá trị của 125*5, sau đó lưu kết quả vào biến var1. Kết quả phép tính được hiển thị bằng cách gõ tên của biến var1 và sẽ in giá trị (625) ở hàng kế tiếp. Thí dụ này còn lập biến var2 làm nơi chứa kết quả (125) của var1 chia cho 5. var1 = 125*5 var1 625 var2 = var1/5 var2 125 5.2.4. Sử dụng chương trình minicom
Chúng ta có thể nối kết với thế giới nếu chúng ta có một modem và một phần mềm viễn thông. Linux cung cấp một phần mềm mang tên minicom và chúng ta chỉ cần nối modem với cổng nối tiếp COM trên máy PC.
Cũng giống như nhiều phần mềm Linux khác, minicom do một người viết ra nhưng được nhiều người khác trên Internet giúp đỡ hoàn chỉnh và phần mềm này chạy rất tốt, có khả năng cạnh tranh với nhiều ứng dụng thương mại khác. Để biết thêm các chức năng chi tiết của minicom, chúng ta xem trợ giúp bằng lệnh man.
Điều đầu tiên nên ghi nhớ là minicom dùng nhóm phím <Ctr-Shift-a> cho một số chức năng, chẳng hạn như auto-dial (tự động quay số điện thoại) và file downloading (tải tệp xuống). Đang ở trong minicom, nếu cần trợ giúp chúng ta bấm <Ctrl-a><z> để hiển thị màn hình tóm tắt các câu lệnh.
Phím Mô tả
D Truy cập thư mục quay số gọi S Gửi tệp đi
P Liệt kê các tham số liên lạc
L Bật/tắt việc ghi biên bản phiên làm việc vào một tệp F Gửi tín hiệu BREAK cho thiết bị bên kia đầu dây
T Phỏng tạo terminal giữa các chế độ vt100, Minix, hoặc ANSI W Bật/tắt chế độ làm tròn dòng
G Chạy một tệp script của minicom
R Nhận một tệp
A Thêm vào cuối dòng một ký tự chuyển dòng H Dừng liên lạc đường điện thoại
M Khởi động modem K Chạy giao thức kermit
E Bật/tắt chế độ bán song công C Xoá màn hình tại chỗ
O Giúp chúng ta lập cấu hình minicom
X Thoát khỏi modem và khởi động lại modem I Chế độ cursor key
Z Hiển thị màn hình trợ giúp
B Cuốn ngược trở về cửa sổ terminal
Khi đang ở trong cửa sổ trợ giúp, chúng ta chỉ việc gõ ký tự tương ứng để thi hành lệnh. Tuy nhiên nếu đang ở chương trình minicom, chúng ta phải bấm <Ctrl- a> trước ký tự đã chọn. minicom cho phép dùng bốn giao thức chuyển tệp: zmodem, ymodem, xmodem và kermit. Chúng ta nên thử chạy zmodem trước hết vì khả năng vượt trội của giao thức này về việc phục hồi khi có lỗi. Nếu các thiết bị cuối mà chúng ta định liên lạc lại không có zmodem, chúng ta nên thử dùng giao thức theo thứ tự vừa được kê ra. Điều này không có nghĩa rằng kermit là dở. Kermit không dở, nhưng chỉ chậm hơn các giao thức khác. Điểm mạnh của kermit là hầu hết các hệ thống khác đều chấp nhận giao thức này.
Điều thứ hai phải ghi nhớ khi sử dụng minicom là phần mềm viễn thông này có vài câu lệnh đặc biệt nguy hiểm. Đó là những câu lệnh giúp người sử dụng có quyền hạn như một superuser. Do vậy ai đó khi chạy minicom sẽ làm được một vài việc mà biết đâu chúng ta không muốn người ấy làm.