Mục tiêu :
- Trình bày được các thủ thuật sao lưu hệ thống
Mục đích của sao lưu là để khi cần sẽ phục hồi được các tệp cá nhân hoặc tệp hệ thống thật dễ dàng và nhanh chóng. Cho dù chúng ta làm điều gì khi sao lưu thì cũng phải ghi nhớ mục đích ấy.
Chúng ta nên lập một kế hoạch sao lưu. Ghi ra những tệp cần sao lưu, thời biểu xử lý chúng và sau này sẽ phục hồi chúng như thế nào. Thông báo cho các user biết thời biểu cùng với yêu cầu phục hồi tệp. Kế hoạch đã lập ra như thế nào, chúng ta cứ làm theo như thế.
Sao lưu xong phải kiểm tra. Chúng ta thử đọc bảng mục lục trên vật mang dữ liệu sao lưu, hoặc thử phục hồi một tệp nào đó. Nên nhớ rằng bản thân vật mang dữ liệu sao lưu – tức băng hoặc đĩa – đều có thể bị lỗi.
Chúng ta phải sao lưu như thế nào để có thể phục hồi tệp ở một máy khác hoặc ở một hệ thống tệp khác trên cùng một máy. Chúng ta nên sử dụng các tiện ích sao lưu và tiện ích tồn trữ (archive) có khả năng tạo ra tệp tồn trữ mà các hệ Linux hoặc hệ khác đều đọc được.
Bảo đảm tìm thấy các tệp cần thiết bằng cách dán nhãn trên tất cả các vật mang dữ liệu sao lưu. Nếu có nhiều băng hoặc đĩa, phải ghi số thứ tự và ngày tháng sao lưu.
Hãy tránh các tai hoạ nhưng vẫn dự kiến việc chúng sẽ xảy ra và sao lưu các tệp như thế nào để chúng ta có thể phục hồi toàn bộ hệ thống với khoảng thời gian hợp lý. Nên cất các bản sao lưu ở vài nơi xa để đề phòng trường hợp hoả hoạn thiêu trụi hoàn toàn máy. Nhiều tổ chức đã thuê nơi an toàn để chứa các băng đĩa quan trọng.
Chúng ta cất băng đĩa chỗ nào thì cũng nên cất kèm danh sách toàn bộ cấu hình phần cứng hệ thống.
Thỉnh thoảng chúng ta nên đánh giá lại các thủ tục sao lưu, xem chúng có thực sự thoả mãn yêu cầu hiện hành hay không.
Nhiều công cụ có thể giúp chúng ta tự động hoá tiến trình sao lưu. Chúng ta thử xem qua các tệp Linux tại sunsite.unc.edu để có thêm thông tin. Ngoài ra Linux cũng chấp nhận phần mở rộng FTAPE. FTAPE giúp chúng ta sao lưu dữ liệu lên băng từ QIC-80 thông qua giao diện đĩa mềm. Xem trên Internet tệp HOWTO về FTAPE để biết thêm chi tiết.