Mục tiêu :
- Nêu được các công việc và trách nhiệm của quản trị viên hệ thống
2.1. Giới thiệu
Cài đặt các chương trình trọng yếu vào hệ thống Linux thường phức tạp hơn là cài vào một hệ điều hành đơn nhiệm như DOS. Bản chất multiuser của Linux cho phép mỗi ứng dụng trên hệ thống cùng lúc thoả mãn được yêu cầu truy cập từ nhiều phía khác nhau. Rắc rối hơn nữa, hầu hết các chương trình đều đòi hỏi phải được lập cấu hình cho hợp với hệ thống trước khi sử dụng. Do đó quản trị viên phải xác định từng mục cho hợp với cấu hình hệ thống trong tiến trình lập cấu hình.
Thí dụ user này dùng terminal loại cũ chạy ở chế độ văn bản, trong khi user khác đang sử dụng một thiết bị đời mới nhất với X Window. Lúc ấy superuser phải đảm bảo rằng ứng dụng đáp ứng được thiết bị cũ chỉ gửi đi các ký tự ASCII – nghĩa là chữ và số - trong khi thiết bị X Window phải nhận được đồ hoạ và màu sắc.
Cài đặt chương trình vào Linux phức tạp hơn, bởi vì quản trị viên phải tạo ra thư mục mới để chứa các tệp liên kết với chương trình mới. Một vài gói phần mềm mới yêu cầu lập lại cấu hình cho các thiết bị hệ thống.
Một user bình thường chỉ phải bỏ công tìm hiểu về các chức năng của ứng dụng mới và nhớ thêm vài câu lệnh mới, trong lúc đó quản trị viên có trách nhiệm đảm bảo rằng tài nguyên hệ thống phải được phân bổ, lập cấu hình và duy trì đúng đắn. Và đương nhiên ứng dụng mới không được xung đột với các chương trình sẵn có trên hệ thống.
Nhìn từ bên ngoài, việc cài đặt phần mềm bằng cách sử dụng menu và câu lệnh có vẻ đơn giản, song đối với hệ thống thì đó là công việc phức tạp. Những ứng dụng dành cho hệ điều hành một người sử dụng (chẳng hạn như DOS) thường chỉ chạy một mình mà không gặp cạnh tranh. Trên hệ thống Linux, ngay cả khi chỉ có một người đăng nhập, vẫn có nhiều tiến trình đang làm việc cùng lúc. Mức độ phức tạp sẽ tỷ lệ thuận với số người sử dụng, chưa kể đến việc nhiều người dùng một ứng dụng cùng lúc.
Sở trường của Linux là điều phối được nhiều tiến trình, nhiều chương trình, thiết bị và user cùng lúc. Muốn tồn tại trong môi trường chặt chẽ này, ứng dụng phải được nạp vào đúng cách, nếu không toàn bộ hệ thống sẽ treo, mọi chương trình sẽ ngưng và hàng loạt user sẽ bị thiệt thòi. Do đó khi nạp ứng dụng mới vào hệ thống, quản trị viên hoặc superuser phải thử nghiệm ứng dụng sau khi cài đặt và làm sao cho ứng dụng ấy thích hợp với cả hệ thống. Muốn hiểu tiến trình nạp phần mềm vào hệ thống Linux, chúng ta phải biết rõ trách nhiệm và quyền hạn của quản trị viên hệ thống là gì.
2.2. Công việc của quản trị viên hệ thống
Nếu sử dụng Linux trên hệ thống nhỏ, có khả năng chúng ta là quản trị viên hệ thống của chính chúng ta. Chúng ta chỉ cài đặt và chạy các chương trình của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là sao lưu tệp, duy trì một khoảng trống thích hợp trên ổ cứng, quản lý bộ nhớ, cùng với một số việc khác đảm bảo cho hệ thống chạy hữu hiệu và có năng suất.
Quản trị viên của một hệ thống lớn phải có thêm những trách nhiệm như sau: - Khởi động và đóng tắt hệ thống.
- Bảo đảm còn đủ khoảng trống trên ổ cứng và hệ thống tệp không bị lỗi. - Bảo đảm số lượng tối đa các user truy cập được phần cứng và phần mềm hệ thống.
- Bảo vệ hệ thống chống lại các hành động xâm nhập bất hợp pháp và phá hoại.
- Thiết lập liên lạc với các hệ thống tin học khác. - Tạo ra và xoá bỏ các trương khoản của hệ thống.
- Làm việc với các hãng cung cấp phần cứng và phần mềm, với các chuyên gia và những người có trách nhiệm hỗ trợ hệ thống.
- Cài đặt, lắp đặt và gỡ lỗi cho terminal, máy in, ổ đĩa, cùng với các cấu kiện khác.
- Cài đặt và duy trì phần mềm, kể cả các ứng dụng mới và bản cập nhật hệ điều hành.
Rất nhiều khi các user thích đăng nhập với tư cách là root và gõ đủ thứ lệnh, thậm chí họ có thể gây ra mọi loại vấn đề. Vì vậy quản trị viên cần dành quyền sử dụng trương khoản root chỉ cho công việc quản trị. Còn để làm các công việc hàng ngày thì mỗi người chỉ nên dùng trương khoản cá nhân của mình mà thôi.