- Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (còn gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
- Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (còn gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).
1.2. Văn hóa công sở tại đơn vị sự nghiệp công lập
1.2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của văn hóa công sở tại đơn vị sựnghiệp công lập nghiệp công lập
1.2.1.1. Khái niệm văn hóa công sở
Tổng giám đốc UNESCO Federico Mayor định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”.
Từ quan niệm chung về văn hóa đã có rất nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa công sở. Nhìn từ góc độ chủ thể văn hóa, người ta chia văn hóa thành văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Cộng đồng là một tập hợp người có quan hệ mật thiết với nhau trong sinh hoạt vật chất và tinh thần. Công sở là một tổ chức đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, được pháp luật nhà nước điều chỉnh để tiến hành quản lý các công việc có tính chuyên ngành và phục vụ lợi ích công. Công sở được phân biệt với các tổ chức xã hội khác xét trên nội dung công việc, hình thức tổ chức.
Vậy văn hóa công sở là tổng hợp của hệ thống các giá trị vật chất và giá trị tinh thần được các thành viên trong các tổ chức bảo tồn, duy trì và phát huy từ quá
khứ đến hiện tại, là thành quả trí tuệ sáng tạo của con người trải qua các nền văn minh khác nhau, với các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, thể hiện bản chất nhà nước và bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.
1.2.1.2. Đặc điểm văn hóa công sở tại đơn vị sự nghiệp công lập
Văn hoá công sở tại cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập có những đặc điểm sau:
- Văn hóa công sở là hệ thống quy phạm và giá trị tiêu chuẩn tồn tại đan xen được mọi thành viên trong đơn vị sự nghiệp công lập thừa nhận
Khi nói đến văn hóa công sở, người ta nghĩ ngay đến hệ thống các giá trị, bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể. Với các giá trị vật thể, ứng xử có thể dễ dàng xây dựng và quy ước. Tuy nhiên, các giá trị phi vật thể mới đóng vai trò cốt lõi. Các giá trị này được toàn thể thành viên ứng xử thừa nhận, chia sẻ, tôn vinh và các thành viên cùng ứng xử theo nhằm theo đuổi sứ mệnh và đạt được mục tiêu của tổ chức. Hệ thống giá trị cốt lõi này trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy mọi người làm việc, là hạt nhân liên kết mọi người trong ứng xử với nhau, liên kết ứng xử giữa chủ thể với khách thể, liên kết ứng xử với xã hội nói chung.
Cụ thể tại hầu hết cơ quan đơn vị sự nghiệp nói chung và các cơ quan nhà nước tại Việt Nam hiện nay đều có thói quen tôn trọng, yêu thương đồng nghiệp, tôn trọng các cá nhân khác lớn tuổi hơn, tôn trọng chức vụ hành chính, vị trí xã hội cao hơn, coi trọng và quý mến người cùng cơ quan, cùng quê hơn.v.v…Trong đó yếu tố cao tuổi được đặt lên trên các yếu tố khác do tâm lý và tập quán “kính lão đắc thọ” của văn hóa Á Đông Việt Nam. Yếu tố họ hàng, cùng cơ quan, cùng quê trong nhiều mối quan hệ được ưu tiên hơn các yếu tố khác vì từ xưa ông cha đã dạy: “trong họ ngoài làng” hoặc “đánh nhau hàng tổng, giữ hàng xã”. Những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử này sẽ bị chê bai, dè bỉu hoặc bị cô lập bởi dư luận.
Khi giải quyết công việc tại các cơ quan, hệ quy chiếu để xem xét vấn đề, giải quyết công việc thường kết hợp chặt chẽ cả hai yếu tố: Hành chính theo luật pháp và ứng xử theo chuẩn văn hóa chung đã được cả tập thể thừa nhận như một giá trị mặc nhiên. Chính vì vậy, trong một số trường hợp việc xử phạt các vi phạm tác động đối với cá nhân vi phạm không hiệu quả bằng dư luận và thái độ của các thành viên khác
trong cơ quan. Đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm chuyên môn nghiệp vụ nếu còn vi phạm thêm yếu tố thuộc phạm trù tình cảm, đạo đức hoặc ứng xử thì sẽ bị xem xét, đánh giá khác. Ví dụ như cùng với hành vi vi phạm là: Biển thủ công quỹ nhưng nếu là vì lý do nuôi người thân ốm đau sẽ được cả thủ trưởng cơ quan và dư luận xem xét đánh giá khác hoàn toàn với lý do biển thủ công quỹ dùng cho việc mưu lợi cá nhân khác. Hoặc một ví dụ khác: Cùng hành vi cãi vã, bất hòa trong công sở, khi bị đưa ra xem xét kỷ luật nhưng nếu một công chức, viên chức trẻ trong cơ quan cãi vã với một đồng nghiệp trẻ cùng lứa thì sẽ bị xem xét đánh giá khác với trường hợp một công chức, viên chức trẻ cãi vã, bất hòa với một công chức, viên chức “đáng tuổi cha chú”. Với trường hợp thứ hai, công chức, viên chức trẻ vi phạm không chỉ bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm mà còn bị dư luận kết thêm tội “láo lếu, mất dạy với người đáng bậc cha chú mình”. Như vậy, với trường hợp thứ hai hậu quả kỷ luật sẽ nặng hơn đồng thời còn bị cả tập thể lên án, cô lập.
Tóm lại, Văn hóa công sở định hướng suy nghĩ và hành động của các thành viên ứng xử, chi phối cảm nhận, suy nghĩ và hành động của chủ thể với khách thể và xã hội. Để Văn hóa công sở thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu quả, các nhà quản lý cần chủ động xác lập và phát triển hệ thống các giá trị cốt lõi phù hợp. Ngược lại, các giá trị văn hóa không phù hợp sẽ là trở lực lớn cho quá trình phát triển của cơ quan.
- Văn hoá công sở được truyền bá rộng rãi, là nhân tố quan trọng để xây dựng nên thói quen, nếp sống chuẩn mực trong cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập
Văn hóa công sở có ảnh hưởng quan trọng trong việc điều hành một cơ quan, tổ chức. Văn hóa công sở hình thành phát triển và tạo nên một mối quan hệ gắn bó trong số cán bộ công sở, kết nối các cá nhân và cải thiện mối quan hệ làm việc trong công sở. Bên cạnh đó, Văn hóa công sở còn có một đặc điểm khác là nó góp phần quan trọng tạo nên đặc tính riêng của tổ chức. Hiệu quả tích cực từ Văn hoá công sở là tạo ra tiếng nói mạnh, có giá trị cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của công sở, đồng thời tạo ra được hình ảnh đẹp, toàn diện của một tổ chức và ngược lại.
Trong hầu hết các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng, Văn hóa công sở đang tồn tại còn là một loại phong tục và là quy định không thành văn về hành vi ứng xử trong cơ quan. Trong một cơ quan nào cũng vậy, mọi thành viên của cơ quan khi giao tiếp, ứng xử nội bộ - đối nội và tiếp dân, tiếp khách - đối ngoại ngoài việc thực hiện các quy định của luật pháp thì các cá nhân còn phải luôn chú ý tuân thủ những “định ước ngầm” còn gọi là “lệ làng”. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Quy định của nhà nước, trong một số trường hợp tại một số địa phương đã và đang có một số “biến tấu hoặc du di” theo lệ. Đây là một nét văn hóa đặc biệt của nhiều địa phương Việt Nam còn bị ảnh hưởng nặng nề của quan niệm cổ xưa “phép vua thua lệ làng”.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, các cấp lãnh đạo đang cố gắng triển khai Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, bước đầu các cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước nói chung và tại các đơn vị sự nghiệp đã có tác phong làm việc, ứng xử theo chuẩn văn hóa. Từ đây, Văn hóa công sở đã bước đầu tác động tới các tổ chức, cá nhân khi đến làm việc tại cơ quan, sau đó đã có tác động bước đầu tới mọi cá nhân khác ngoài cơ quan đơn vị sự nghiệp.
- Văn hoá công sở là tài sản tinh thần của một cộng đồng trong cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập
Trong công sở, nơi làm việc có nhiều thế hệ, nhiều trình độ khác nhau, tính cách cũng hoàn toàn khác biệt. Thời gian tiếp xúc với đồng chí, đồng nghiệp đôi khi còn nhiều hơn cả với người thân trong gia đình. Bởi vậy trong cuộc sống thường nhật xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hòa đồng với mọi người là việc làm cần thiết và luôn giữ nguyên tắc lấy công việc làm trọng. Giúp đỡ đồng nghiệp cũng như sẵn sàng đón nhận ý kiến xây dựng của bạn bè để mình ngày càng hoàn thiện hơn. Trong công sở cũng luôn giữ hòa khí để tạo môi trường làm việc tích cực. Một cán bộ, công chức, viên chức tốt thì trước hết phải là đồng nghiệp tốt. Thái độ ứng xử của mình như thế nào với đồng nghiệp thì họ cũng sẽ đối xử lại với mình như thế. Hãy cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, biết giữ lời hứa, biết lắng nghe, chia sẻ những
khó khăn, biết đón nhận ý kiến đóng góp xây dựng để tạo nên môi trường làm việc vui vẻ, hiệu quả cao.
Qua việc thực hiện quy chế Văn hóa công sở, ý thức, thái độ và văn hoá giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Cũng thông qua việc thực hiện các quy định trong giao tiếp, ứng xử, trang phục, lễ phục, đeo thẻ công chức, viên chức đã giúp người dân và các tổ chức thực hiện được quyền giám sát các hoạt động ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó làm thay đổi phong cách, trách nhiệm làm việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
1.2.1.3. Vai trò của văn hóa công sở tại đơn vị sự nghiệp công lập
Văn hóa bao giờ cũng gắn liền với sự phát triển, là chìa khóa của sự phát triển và tiến bộ xã hội, tạo được tình đoàn kết và chống lại bệnh quan liêu, cửa quyền. Môi trường văn hóa công sở tốt đẹp sẽ tạo được niềm tin của cán bộ công chức với cơ quan, với nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công sở. Tính tự giác của cán bộ công chức, viên chức trong công việc sẽ đưa công sở này phát triển vượt hơn lên so với công sở khác.
Văn hoá công sở còn có vai trò to lớn trong việc xây dựng một nề nếp làm việc khoa học, kỷ cương và dân chủ. Nó đòi hỏi các thành viên trong cơ quan phải quan tâm đến hiệu quả công việc chung của công sở, giúp cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự nhìn lại, đánh giá mình, chống lại những biểu hiện thiếu văn hoá như: tham ô, móc ngoặc, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, cơ hội... Bên cạnh đó, yếu tố văn hoá còn giúp cho mỗi thành viên trong công sở phải tôn trọng kỷ luật, danh dự của công sở, quan hệ thân ái, đoàn kết, hợp tác vì sự nghiệp chung của công sở.
Văn hóa công sở cũng có sự kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những tính văn hóa từ bên trong và bên ngoài công sở, từ quá khứ đến tương lai cho nên trong một chừng mực nào đó sẽ giúp công sở tạo nên những chuẩn mực, phá tính cục bộ, sự đối lập có tính bản thể của các thành viên. Hướng các cán bộ công chức, viên chức đến một giá trị chung, tôn trọng những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực văn hóa của công sở. Đó chính là làm cho cán bộ công chức, viên chức hoàn thiện mình.
Vai trò của nền văn hóa công sở chính là mục tiêu của sự phát triển, có một vai trò rất quan trọng bởi lẽ do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện hơn